Văn hoá Dân gian

Viện Nguyễn Du – Tại sao không?

Đại thi hào Nguyễn Du xứng đáng có hệ thống trung tâm nghiên cứu và truyền bá những tác phẩm của ông

Nhân kỷ niệm 250 năm ngày sinh của đại thi hào Nguyễn Du, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam – đề xuất việc cần thành lập Viện Nguyễn Du – lâu đài của các giá trị văn hóa.

Không gian kỳ vĩ và đậm đặc văn hóa

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho rằng: “Ảnh hưởng của “Truyện Kiều” đối với các thế hệ nhà văn, nhà thơ Việt Nam hiện nay là điều hiện hữu trong đời sống văn học. Nguyễn Du được cho là ảnh hưởng đến văn học hiện đại qua 2 điều: nhân cách sống và tư tưởng tác phẩm. Vì sao đến bây giờ, với sự ảnh hưởng vô cùng rộng lớn và hết sức đặc biệt của đại thi hào Nguyễn Du, mà nhất là “Truyện Kiều”, chúng ta lại không có một hệ thống trung tâm nghiên cứu và truyền bá những tác phẩm của ông với tên gọi là Viện Nguyễn Du. Phải chăng, cho dù chúng ta đã nghiên cứu, giảng dạy và truyền bá những tác phẩm của Nguyễn Du một cách liên tục và khá sâu rộng nhưng vẫn chưa thật sự nhìn nhận đến tận cùng vị trí quan trọng của ông trong đời sống văn hóa của dân tộc và quốc tế” – nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đặt vấn đề.

ghjh
Tượng Nguyễn Du đặt tại khu lưu niệm đại thi hào ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh Ảnh: Xuân Dung

Đối với văn học, văn hóa và đời sống tinh thần thường nhật của người Việt Nam, vị trí của “Truyện Kiều” và những tác phẩm khác của Nguyễn Du đã mang đến một ảnh hưởng có thể nói là tối quan trọng và kỳ lạ. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho rằng nên thành lập Viện Nguyễn Du, nơi lưu giữ các bản in của “Truyện Kiều” ở các thời đại, các nghiên cứu về “Truyện Kiều”, các sáng tác về Nguyễn Du và những nhân vật của ông như các tác phẩm văn thơ, kịch, các tác phẩm hội họa, điện ảnh, âm nhạc, điêu khắc và các hình thức biểu diễn “Truyện Kiều” như ngâm Kiều, lẩy Kiều… Riêng những công trình nghiên cứu về “Truyện Kiều” và Nguyễn Du như các luận văn, luận án trong nước và quốc tế có thể xếp dài hàng chục cây số. Ngoài ra còn nhiều nghiên cứu của các học giả, dịch giả, nghiên cứu sinh nước ngoài.

“Một trung tâm như vậy thật kỳ vĩ, phong phú và kỳ lạ. Chỉ với hình thức một trung tâm như thế về Nguyễn Du đã mang lại những cảm xúc và suy nghĩ lớn cho mọi người khi bước chân vào. Đó là chưa kể đến những sự kiện văn học và văn hóa với nhiều hình thức khác nhau liên quan đến “Truyện Kiều” và Nguyễn Du do Viện Nguyễn Du tổ chức sẽ có tác động không nhỏ vào sự phục hồi những giá trị văn hóa nói chung đã và đang bị mất đi” – nhà thơ Nguyễn Quang Thiều phác họa.

Nếu trở thành sự thật, Viện Nguyễn Du hoàn toàn có thể tạo nên hệ thống ngoạn mục cho mọi người tiếp cận, tìm hiểu, hưởng thụ những giá trị văn hóa từ “Truyện Kiều” và các tác phẩm  khác của Nguyễn Du. Có thể hình dung Viện Nguyễn Du sẽ là một lâu đài văn hóa vừa chứa đựng những giá trị dân gian vừa chứa đựng những giá trị trí tuệ uyên bác không chỉ cho những người nghiên cứu, giảng dạy, truyền bá “Truyện Kiều” và những tác phẩm của Nguyễn Du mà cho cả những người dân bình thường, đặc biệt là du khách.

Gìn giữ giá trị đặc biệt

Về đề xuất thành lập Viện Nguyễn Du, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân băn khoăn: “Những trường đại học lớn trên thế giới mới có đủ cơ sở để thành lập các viện nghiên cứu đồ sộ kiểu này. Còn các viện văn hóa thì lại đi theo hướng đưa giá trị của tác phẩm ra đại chúng. Chưa biết đề xuất thành lập Viện Nguyễn Du sẽ đi theo hướng nào? Các viện Hán Nôm, văn học và viện sử đều đã có quá trình tập trung nghiên cứu Nguyễn Du. Còn sự phổ biến và ảnh hưởng của tác phẩm của Nguyễn Du thì theo tôi, nếu chúng ta nhìn thấy sự ảnh hưởng đó ở đâu có thể nghiên cứu ở đó. Như vậy có vẻ thực tế hơn trong bối cảnh của Việt Nam”.

Nhà thơ Vũ Quần Phương đưa ra quan điểm: “Hãy làm một số công trình có tính chất khoa học rồi trên cơ sở đó đặt vấn đề lập Viện Nguyễn Du”. Ông nói thêm: “Có một điều liên quan đến Truyện Kiều có vẻ không… khoa học tí nào và chỉ là bên lề nhưng lại rất phổ biến, đó là việc bói Kiều. “Truyện Kiều” đối với người dân Việt đã được coi như một cõi tâm linh huyền bí. Chính xác hay không thì cũng chưa có nghiên cứu nào về chuyện đó và cũng không cần thiết nhưng dùng “Truyện Kiều” để soi chiếu những góc độ khác nhau của cuộc sống và xem xét những dự báo về cuộc đời thì có lẽ là ảnh hưởng có một không hai của một tác phẩm văn học trong lịch sử văn học nhân loại”.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều khẳng định: “Đối với ngôn ngữ trong “Truyện Kiều” và những tác phẩm khác của Nguyễn Du, tôi muốn nói rằng đó là kho chứa một trong những “mẫu gien gốc” để xác lập ngôn ngữ và văn hóa Việt”. Còn nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân nói thêm về nhận định của nhà văn hóa Phạm Quỳnh, chủ bút tạp chí Nam Phong đầu thế kỷ XX: “Truyện Kiều còn thì tiếng ta còn, mà tiếng ta còn thì nước ta còn”. Ông cho rằng: “Xét về câu nói gần như đã trở thành danh ngôn của nhà văn hóa Phạm Quỳnh, tôi nghĩ rằng về phương diện bảo vệ tiếng Việt là đúng. Cá nhân tôi cho rằng từ cái đẹp và giá trị thẩm mỹ của tác phẩm cụ thể này, chúng ta phải có một niềm tin mạnh mẽ hơn vào tiếng Việt, sức sống của tiếng Việt thực sự rất mạnh mẽ hơn mọi kết tinh văn hóa, dù ở thế kỷ nào”.

Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, không phải dân tộc nào trên thế giới cũng may mắn có được một giá trị đặc biệt như “Truyện Kiều” của Nguyễn Du. Chúng ta phải nhận ra điều vô cùng quan trọng ấy và gấp gáp thực hiện những gì cần thiết nhất…

Những viện văn hóa nổi tiếng thế giới

Trên thế giới, không ít quốc gia đã thành lập những viện nghiên cứu và truyền bá tư tưởng và tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ, nhà văn hóa, không chỉ trong phạm vi quốc gia mà cả phạm vi quốc tế như Viện Shakespeare (Anh), Viện Khổng Tử (Trung Quốc) – có chi nhánh tại Hà Nội, Viện Goethe (Đức) – có chi nhánh ở Hà Nội và TP HCM, Viện Puskin (Nga) – có chi nhánh tại Hà Nội, Viện Cervantes (Tây Ban Nha) – có chi nhánh tại Hà Nội và thủ đô nhiều nước trên thế giới…

Hòa Bình

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP