Hầu hết diện tích rừng người dân thôn Quyết Thắng từ chối nhận là ở những vị trí cao, dốc, xa khu dân cư, không thuận lợi cho đầu tư phát triển sản xuất. |
Thế nhưng, trong thực tế triển khai thực hiện chủ trương cắt chuyển này đã xẩy ra những bất cập, thể hiện ở chỗ, diện tích được bàn giao cho xã phần lớn thuộc vùng cao, đồi núi dốc, xa khu dân cư, khó sản xuất; còn diện tích được cắt chuyển cho BQL Rừng phòng hộ sông Ngàn Phố lại sát khu dân cư, chủ yếu là rừng nghèo, rừng tái sinh, thuận tiện cho sản xuất nhưng không thuận lợi trong công tác bảo vệ rừng phòng hộ…
Tìm hiểu sự việc, chúng tôi được biết, hiện nay, số diện tích được cắt chuyển cho chính quyền địa phương quản lý đã được UBND xã triển khai đo đạc, đánh giá đặc điểm khu rừng và tiến hành xây dựng phương án giao đất, giao rừng cho các hộ. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Kim 2 – Đào Quốc Quỳnh: “Sau khi các hộ bốc thăm và tiến hành bàn giao thực địa thì hơn 30 hộ trong tổng số 66 hộ từ chối nhận đất được giao khoán với lý do diện tích rừng xa khu dân cư, địa hình hiểm trở. Hiện nay, chúng tôi đang tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân nhận đất rừng, nhưng xem ra sẽ khó, vì tại những vị trí này không thuận lợi cho sản xuất, giá trị kinh tế đem lại không cao như những nơi khác”.
Trao đổi với chúng tôi, Trưởng thôn Quyết Thắng Hoàng Thị Hiên cũng khẳng định: “Dân trong thôn rất muốn nhận đất rừng để phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập. Họ không nhận không phải vì không có nhu cầu mà do bốc thăm trúng những lô xa khu dân cư, địa hình cao và dốc”.
Trước thực trạng đó, người dân và lãnh đạo chính quyền địa phương cho rằng: UBND tỉnh và Sở NN&PTNT cần kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành liên quan xem xét điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng số diện tích được xem là rừng phòng hộ tại khoảnh 3, 6 và 7 của tiểu khu 63 sang mục đích sản xuất để giao cho dân phát triển kinh tế. Còn diện tích địa hình cao, xa khu dân cư đang do chính quyền địa phương quản lý nhưng dân không nhận giao khoán thì chuyển sang mục đích phòng hộ. Như vậy, người dân ven rừng mới có thể phát triển sản xuất, ổn định sinh kế, nâng cao thu nhập; đồng thời, các bên liên quan sẽ thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng tốt hơn so với phương án sử dụng hiện nay.
Trái với ý kiến của chính quyền địa phương và các hộ dân hưởng lợi, lãnh đạo Hạt Kiểm lâm Hương Sơn lại cho rằng: Việc các hộ dân ở Sơn Kim 2 không nhận đất là do không có nhu cầu sản xuất. Không thể thực hiện chuyển đổi theo kiến nghị của người dân vì diện tích rừng này đã được quy hoạch riêng thành 2 loại và được UBND tỉnh phê duyệt!
Cùng quan điểm đó, Trưởng BQL Rừng phòng hộ sông Ngàn Phố Nguyễn Hữu An cho rằng: “Quá trình thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đòi hỏi nhiều thủ tục, rất rườm rà và mất nhiều thời gian; trong khi đó, chúng tôi đang bận rất nhiều nhiệm vụ quan trọng nên không thể đứng ra làm hồ sơ chuyển đổi…”.
Giao đất, giao rừng cho các hộ dân là một chủ trương sát đúng để bảo vệ rừng tận gốc, nâng cao sinh kế và thu nhập cho người dân miền núi. Vấn đề đặt ra ở đây là liệu việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng trước đây đã phù hợp, đảm bảo các điều kiện theo quy định?
Vì vậy, trong trường hợp cụ thể này, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cần xem xét một cách thấu đáo, nếu nhận thấy còn xẩy ra bất cập và nguyện vọng của các hộ dân hưởng lợi là chính đáng thì phải có sự điều chỉnh cần thiết.
Trong trường hợp việc phân loại rừng đã chính xác, việc cần làm trước mắt là tiếp tục vận động, định hướng để người dân nhận tư liệu sản xuất, không lợi dụng chủ trương vì mục đích riêng và thể hiện trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ, phát triển rừng.
Tiến Phúc – Thu Phương