Tập đoàn Hoành Sơn tiên phong (!)
Hiện nay rất nhiều quốc gia trên thế giới nói chung, khu vực châu Á nói riêng vẫn chưa khống chế được dịch Covid-19, vì vậy các địa phương phải thực hiện nghiêm ngặt các giải pháp phòng, chống dịch theo quy định của Chính phủ, nhất là việc cách ly tập trung đối với công dân nhập cảnh vào Việt Nam.
Tuy nhiên, tại Hà Tĩnh, trong khi công dân, lao động từ Lào trở về nước đều bắt buộc phải cách ly tập trung 14 ngày thì cánh tài xế lại được UBND tỉnh "đặc cách" không phải thay đổi lái xe, không phải cách ly tập trung bắt buộc tại khu cách ly của tỉnh. Điều này tiềm ẩn nguy cơ tái phát dịch Covid-19 bất cứ lúc nào.
Bản cam kết "tiên phong" của Công ty Hoành Sơn. Ảnh: Gia Hưng. |
Đơn vị tiên phong làm văn bản đề xuất Ban chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 Hà Tĩnh cho phép doanh nghiệp được sử dụng 1 lái xe/phương tiện vận chuyển hàng hóa xuất nhập cảnh qua Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo (Cửa khẩu Cầu Treo), không phải đổi lái, không phải cách ly tập trung tại điểm cách ly của tỉnh là Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn (Công ty Hoành Sơn).
Tiếp nhận đề xuất của doanh nghiệp này, ngày 8/5, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Trần Tiến Hưng ký văn bản đồng ý với đề xuất của Sở Y tế Hà Tĩnh, cho phép 1 lái xe/phương tiện vận chuyển hàng hóa của Công ty Hoành Sơn làm thủ tục xuất nhập cảnh qua Cửa khẩu Cầu Treo không phải áp dụng biện pháp cách ly tại khu cách ly tập trung của tỉnh.
“UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu Công ty Hoành Sơn phải cam kết và chịu trách nhiệm trong việc đảm bảo các biện pháp y tế, lái xe từ Lào nhập cảnh trở về phải tự cách ly tại công ty”, văn bản của UBND tỉnh nêu.
Yêu cầu của UBND tỉnh như trên, song phải 20 ngày sau (ngày 28/5/2020), Công ty Hoành Sơn mới viết cam kết gửi Trạm kiểm soát Biên phòng Cửa khẩu Cầu Treo. Đồng thời đăng ký cho 161 lái xe vận chuyển hàng hóa từ Lào nhập cảnh qua cửa khẩu này.
Ngay sau đó là "lệnh bài" đặc cách cho cánh tài xế không phải cách ly tập trung khi nhập cảnh từ Lào vào Việt Nam. Ảnh: Gia Hưng. |
Ông Phạm Ngọc Hà, phụ trách vận tải của Công ty Hoành Sơn cho biết, điểm tập kết hàng hóa của công ty ở Lào cách Cửa khẩu Cầu Treo khoảng 200 km. Nghĩa là tài xế của doanh nghiệp này đi sâu vào nội địa nước Lào nhưng khi về nhập cảnh vào Việt Nam để vận chuyển hàng hóa lại không phải cách ky bắt buộc.
“Cơ quan y tế không kiểm tra. Nếu tài xế nào có biểu hiện ho, sốt bất thường thì đến cơ sở y tế để kiểm tra và báo cáo với cơ quan chức năng (!)”, ông Hà thông tin về việc giám sát y tế đối với tài xế của công ty.
Ngoài việc cấp “giấy phép” cho Công ty Hoành Sơn, ngày 20/5/2020, tỉnh Hà Tĩnh ban hành tiếp văn bản cho phép tất cả các doanh nghiệp đều không phải đổi lái, không phải cách ly tập trung tại khu cách ly của tỉnh. Đây được xem là động thái cực kỳ mạo hiểm trong bối cảnh dịch Covid-19 trên thế giới vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”.
Hầu hết tài xế chưa thực hiêm nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 khi nhập cảnh qua biên giới Việt - Lào. Ảnh: Gia Hưng. |
Tiềm ẩn nguy cơ tái bùng phát dịch Covid-19
Có “lệnh bài” trong tay, các doanh nghiệp tranh thủ đẩy mạnh hoạt động giao thương. Theo thiếu tá Trần Văn Sông, Trạm trưởng trạm Kiểm soát Biên phòng Cửa khẩu Cầu Treo, có trên 30 doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa qua cửa khẩu làm bản cam kết giống như Công ty Hoành Sơn.
Thực hiện theo văn bản 3165 của UBND tỉnh, từ ngày 26/5 - 1/7/2020 có 1.161 lượt người/phương tiện nhập cảnh qua Cửa khẩu Cầu Treo. Tuy nhiên, số liệu Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cầu Treo cung cấp cho phóng viên cao gấp 2,4 lần so với thống kê của Trạm Kiểm soát Biên phòng.
Cụ thể, trong vòng 1 tháng, từ 26/5 - 25/6/2020 có tới 2.812 phương tiện vận tải nhập cảnh. Có nghĩa, số tài xế không phải cách ly tập trung bắt buộc tại các khu cách ly của tỉnh có thể lên đến hàng nghìn lượt người và con số này cũng không ai dám chắc được quản lý, giám sát chặt chẽ y tế triệt để. Vì vậy, nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 từ Lào vào Việt Nam qua các tài xế là điều khó tránh khỏi.
Tại Quyết định 2553, ngày 18/6/2020 của Bộ Y tế, về việc “Hướng dẫn tạm thời công tác kiểm dịch y tế phòng chống lây nhiễm Covid-19 đối với phương tiện và người điều khiển phương tiện hàng hóa tại các cửa khẩu đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không” nêu rõ:
Khi tham gia điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa đến quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch Covid-19 và trở về Việt Nam, chỉ được chở hàng đến khu vực giao, nhận hàng hóa ở cửa khẩu đường sắt, đường bộ, cảng hàng không, cảng biển, không đi sâu vào nội địa...
Tuy nhiên, văn bản 3165 của UBND tỉnh Hà Tĩnh lại làm ngược lại.
|
Nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 từ Lào vào Việt Nam qua cánh tài xế là khó tránh khỏi nếu Hà Tĩnh nới lỏng giải pháp cách ly tập trung. Ảnh: Gia Hưng.
Theo tìm hiểu của phóng viên, mặc dù Hà Tĩnh chưa có văn bản thông báo điều chỉnh công văn 3165 nhưng lực lượng biên phòng Hà Tĩnh đã điều chỉnh hoạt động kiểm soát người/phương tiện vận tải theo văn bản của Bộ Y tế.
“Bắt đầu từ ngày 2/7, chúng tôi quay trở lại thực hiện bắt buộc đổi lái xe đối với tất cả các phương tiện vận chuyển hàng hóa làm thủ tục xuất nhập cảnh tại Cửa khẩu Cầu Treo”, đại tá Hoàng Viết Dũng, Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh cho biết.
Tác giả: Thanh Nga - Gia Hưng
Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam