Vậy nhưng, mới đây, sau khi Bộ Y tế có Quyết định số 2553 ngày 18/6/2020 về việc ban hành “Hướng dẫn tạm thời công tác kiểm dịch y tế phòng chống lây nhiễm COVID -19 đối với phương tiện và người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa tại các cửa khẩu đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không” đang khiến doanh nghiệp vận tải hàng hóa qua cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Hà Tĩnh) rơi vào cảnh lao đao.
Không kịp trở tay vì quy định tạm thời
Trong thời gian qua, việc phòng chống dịch COVID -19 luôn được cả hệ thống chính trị của nước ta đặc biệt quan tâm, ráo riết chỉ đạo một cách nghiêm túc, kịp thời.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành nhiều Chỉ thị từ khi dịch COVID -19 có nhiều diễn biến trên thế giới và trong nước. Việt Nam cũng đã cơ bản khống chế, làm tốt công tác phòng, chống dịch COVID -19 ngay ở trong nước, được quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
Tại nhiều cửa khẩu quốc tế có đường biên giới giáp ranh với những quốc gia đang có nhiều diễn biến phức tạp về nguy cơ dịch COVID -19 lây lan, bùng phát, Chính phủ Việt Nam cũng đã yêu cầu các lực lượng chức năng liên quan bố trí túc trực, kiểm soát chặt chẽ.
Bên cạnh công tác phòng, chống dịch COVID -19 một cách có hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo các Bộ, ngành TW, địa phương liên quan tạo mọi điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp, người dân tái khởi động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
Trước khi thực hiện theo Quyết định 2553 của Bộ Y tế, doanh nghiệp vận tải thông quan qua cửa khẩu quốc tế Cầu Treo không hề nhận được văn bản thông báo, hướng dẫn của lực lượng biên phòng, cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh nên không kịp trở tay vì thời gian quá gấp gáp, phát sinh thêm nhiều thủ tục, chi phí rườm rà |
Tại khu vực cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, từ những ngày trung tuần tháng 5/2020, ông Trần Tiến Hưng – Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã chỉ đạo ngành Y tế, Hải quan, Biên phòng… phối hợp, tham mưu đề xuất để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vận tải được thông quan hàng hóa với nước bạn Lào.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng yêu cầu các đơn vị liên quan phải đảm bảo an toàn, nâng cao công tác phòng, chống dịch COVID -19 trong quá trình thông quan, vận chuyển hàng hóa qua lại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo.
Vậy nhưng, khi doanh nghiệp vận tải qua cửa khẩu quốc tế Cầu Treo được “cởi trói” chưa được bao lâu thì nay rơi vào cảnh lao đao vì không kịp trở tay do quy định tạm thời của Bộ Y tế ban hành mới đây.
Thực hiện quy định tạm thời có quá cứng nhắc?
Theo văn bản hướng dẫn tạm thời thực hiện Quyết định 2553/QĐ-BYT ngày 18/6/2020 thì tại điểm 1, mục IV về Người điều khiển phương tiện, phương tiện vận chuyển hàng hóa đến từ hoặc từng đi qua quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch COVID-19 có quy định nhiều nội dung về công tác phòng, chống dịch.
Cũng tại điểm 1, mục IV của văn bản hướng dẫn thực hiện Quyết định 2553 đã nói rất rõ là “Đối với các phương tiện vận chuyển có các điều kiện cho người điều khiển lưu trú thì được phép ở ngay trên phương tiện, không bắt buộc phải tới các khu lưu trú tạm thời”. Nghĩa là, các phương tiện vận tải hàng hóa đường bộ qua cửa khẩu quốc tế Cầu Treo nếu có đủ điều kiện đảm bảo lưu trú trong cabin, buồng điều khiển thì được phép ở tại chỗ để thông quan.
Tuy nhiên, ngay tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, sau khi Quyết định 2553/QĐ-BYT được ban hành đã khiến nhiều doanh nghiệp vận tải đường bộ thông quan qua đây gặp rất nhiều khó khăn.
Doanh nghiệp vận tải cho rằng, lực lượng chức năng tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo thực hiện, áp dụng Quyết định 2553 của Bộ Y tế có quá cứng nhắc khiến họ đang gặp cảnh lao đao? |
“Trước tình hình kiểm soát dịch COVID -19 giữa Việt Nam và Lào, văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, từ những ngày trung tuần tháng 5/2020, chúng tôi đã từng bước đưa hoạt động kinh doanh dịch vụ vận tải vào quỹ đạo. Mặt khác, chúng tôi cũng phải cam kết với lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh và các ngành liên quan phải đảm bảo an toàn tối đa về phòng, chống dịch COVID -19.
Bây giờ, theo quy định tạm thời của Bộ Y tế tại văn bản 2553 là như vậy nhưng nếu cứ cứng nhắc thực hiện như tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo thì doanh nghiệp vận tải đường bộ sớm muộn cũng phá sản” – đại diện một doanh nghiệp vận tải thông quan qua Lào cho biết.
Cũng theo các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn Nghệ An, Hà Tĩnh thì hiện nay, họ đang phải chịu rất nhiều thủ tục rườm rà, phức tạp trước cách thực hiện của lực lượng biên phòng cửa khẩu quốc tế Cầu Treo.
Khi được hỏi, có quá cứng nhắc về việc thực hiện các nội dung tại văn bản hướng dẫn tạm thời theo Quyết định 2553 so với tình hình thực tế tại địa phương, khu vực kiểm soát không thì Thiếu tá Trần Văn Sông – Trạm trưởng Trạm kiểm soát Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, thuộc Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cầu Treo cho rằng đã có chỉ đạo của cấp trên?!
Còn vấn đề vì sao lâu nay, khi làm thủ tục thông quan qua cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, theo phản ánh của lái xe, lực lượng biên phòng vẫn thu từ 300.000đ- 500.000đ/người/xe thì Trạm trưởng Trạm kiểm soát Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo phủ nhận không có và không chỉ đạo việc đó.
Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin.
Tác giả: Nhóm PV
Nguồn tin: Báo Diễn đàn Doanh nghiệp