Bạn cần biết

Vào mùa nắng nóng, khi bật điều hoà nhớ làm việc này đầu tiên

Vào mùa nắng nóng, trước khi bật điều hoà mọi người cần phải làm việc này đầu tiên để đảm bảo sức khoẻ và tiết kiệm điện.

Điều hoà hiện là đồ điện lạnh được sử dụng phổ biến trong các hộ gia đình. Thế nhưng, phần lớn mọi người chỉ bật điều hoà vào mùa hè nắng nóng, các mùa còn lại hầu như không mấy khi sử dụng.

Theo các chuyên gia điện máy, điều hòa nên được vệ sinh 2-3 tháng một lần. Song, rất nhiều người sau cả năm trời sử dụng cũng không hề mở thiết bị ra để kiểm tra lưới lọc. Sau một thời gian dài không sử dụng (mùa đông và mùa xuân), điều hoà bị tích những lớp bụi rất dày. Tuy nhiên, thấy thiết bị vẫn hoạt động ổn định, gió mát và làm lạnh nhanh người dùng vẫn không hề hay biết, do đó khi trời nắng nóng cứ thể bật điều hoà để làm mát sẽ cực kỳ nguy hiểm.

Bởi, khi bật điều hòa trở lại, theo vòng tuần hoàn, nấm mốc, vi khuẩn tích trong điều hoà lâu ngày sẽ được thổi ra theo luồng khí lạnh. Lúc đó, nếu hít vào cơ thể, người sử dụng dễ mắc các bệnh về đường hô hấp hoặc các bệnh nghiêm trọng khác.

Sau một thời gian dài không sử dụng, nếu cứ bật điều hòa trở lại mà không vệ sinh có thể gây ảnh hưởng tới sức khoẻ

Đáng chú ý, ở phần màng lọc máy lạnh - bộ phận quan trọng thường được ví như “lá phổi xanh” vì có tác dụng thanh lọc không khí, bắt giữ các vi khuẩn, bụi bẩn, trả lại cho căn phòng của bạn một bầu không gian trong lành, sạch khuẩn. Tuy vậy, màng lọc bị bám rất nhiều bụi bẩn sau thời gian ngừng hoạt động, khiến khả năng lọc không khí của máy lạnh bị suy yếu đi rất nhiều.

Lúc này, màng lọc sẽ trở thành một ổ vi khuẩn chứa nhiều tác nhân gây dị ứng, ảnh hưởng đến sức khỏe của các thành viên trong gia đình, đặc biệt với người lớn tuổi và trẻ nhỏ.

Không chỉ vậy, việc quá nhiều bụi bẩn bám vào khiến cho máy điều hoà không thể đáp ứng được nhu cầu làm lạnh cho căn phòng ngay cả khi tiêu tốn nhiều điện năng để làm lạnh hết công suất. Kéo theo, hoá đơn tiền điện sẽ tăng chóng mặt.

Thế nên, các chuyên gia điện máy khuyến cáo, sau một thời gian dài không sử dụng, trước khi mở điều hoà trở lại, việc đầu tiên cần làm là vệ sinh điều hoà, đặc biệt là bộ phần lưới lọc ở dàn lạnh. Công việc này có thể gọi thợ hoặc tự làm.

Để vệ sinh lưới lọc không khí, trước hết cần tháo rời ra khỏi dàn lạnh rồi đem đi phun nước rửa sạch; sau đó, làm khô lưới lọc trước khi lắp lại. Cần lưu ý, lưới lọc dễ bám bụi nên trong quá trình sử dụng cần vệ sinh định kỳ khoảng 15 ngày/lần.

Vệ sinh lưới lọc và toàn bộ điều hoà là cần thiết để tránh gây bệnh về đường hô hấp cho người dùng, lại tiết kiệm điện

Tương tự, nếu có đủ đồ nghệ, người sử dụng cũng có thể tự vệ sinh toàn bộ máy điều hoà. Khi làm, cần ngắt nguồn điện để đảo bảo an toàn, tránh sự cố chập điện, hở điện,... Sau đó, tiến hành kiểm tra tình trạng bên ngoài của máy điều hòa, kiểm tra cẩn thận dàn nóng và dàn lạnh xem có gì bất thường không. Ngoài ra, cần kiểm tra kỹ các điểm nối điện xem chúng có đạt yêu cầu về độ an toàn không, nếu cảm thấy không an toàn thì hãy siết chặt lại ngay sau khi kiểm tra xong hết các bộ phận khác.

Vấn đề quan trọng nhất là vệ sinh dàn lạnh. Theo đó, phải vệ sinh bằng cách dùng bơm áp lực phun nước trực tiếp vào dàn lạnh, phun từ từ lên dàn và quạt dàn lạnh đến khi thấy hết bẩn. Có thể dùng các chất tẩy rửa chuyên dụng để làm sạch bụi bẩn và khử mùi hôi. Sau đó, bạn làm khô dàn lạnh rồi lắp lại đúng vị trí.

Với dàn nóng, bạn cũng dùng vòi bơm tăng áp xịt nước để làm sạch. Song, trước khi xịt nước có thể dùng một chiếc tuốc-nơ-vít dài để cố định cánh quạt dàn nóng để xịt rửa dễ dàng hơn. Ngoài ra, có thể xịt nước vào mặt trước dàn nóng nhưng không xịt nước vào phần mô tơ quạt cục nóng.

Vệ sinh xong, cần chạy thử điều hòa rồi quan sát xem máy có tiếng kêu của động cơ, tiếng va đập, có mùi hôi không,... Nếu máy chạy êm, làm mát nhanh, không có dấu hiệu bị chảy nước là bạn đã vệ sinh thành công mà không tốn tiền gọi thợ; đồng thời, giúp điều hòa hoạt động ổn định, tiết kiệm điện hơn.

Khi vệ sinh máy điều hòa tại nhà cần lưu ý: tránh sử dụng lực phun nước mạnh ở gần vị trí có bảng mạch (vị trí của nó nằm ở phía trên máy nén) vì có thể ảnh hưởng đến bo mạch; tuyệt đối không được để phần Outdoor tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời hay dầm mưa. Đối với máy xài van, không thể kín tuyệt đối nên cho phép xì ở mức giới hạn và khi kiểm tra cần chú ý tình trạng đường ống và van có bị rò rỉ không để hạn chế tình trạng quá nhiệt, gây hỏng dây.

Tác giả: C.Giang(tổng hợp)

Nguồn tin: Báo VietNamNet

  Từ khóa: bật điều hoà , nắng nóng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP