Nhiều GV, lãnh đạo các trường tỏ ra bất ngờ khi ngày 29/5/2013, Sở GĐ – ĐT Hà Tĩnh ban hành văn bản số 593/SGDĐT-GDTrH “Hướng dẫn thực hiện dạy thêm, học thêm trong hè 2013” do ông Giám đốc Trần Trung Dũng kí có nội dung nghiêm cấm việc các nhà trường, GV dạy thêm trong hè.
Cụ thể, văn bản nói trên nêu rõ: “Tất cả các tổ chức, cá nhân không được dạy thêm trong hè 2013 dưới bất kỳ hình thức nào, trừ các trường hợp: Ôn thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2013; Ôn thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT; Ôn tập kiến thức cho đối tượng học sinh xếp loại học lực yếu trong năm học 2012-2013; Bồi dưỡng kiến thức cho học sinh giỏi tham gia thi chọn các đội tuyển dự thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2013-2014”.
Đây là một qui định “lạ”, bởi vì không dựa trên các căn cứ pháp lý hiện hành, trái với qui định của Luật Lao động, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích chính đáng của GV và học sinh.
Trong Luật Lao động năm 2012 (hiệu lực từ 1/5/2013) không có điều khoản nào qui định người lao động không được làm thêm vào dịp nghỉ hè cũng như vào các ngày nghỉ khác. Lao động, làm thêm giờ, làm thêm vào ngày nghỉ…là quyền của người lao động nói chung cũng như GV nói riêng. Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em 2004 qui định: “Trẻ em có quyền được học tập” (Điều 16) cũng như quyền được “vui chơi, giải trí, hoạt động văn hoá, nghệ thuật, thể dục, thể thao, du lịch” (Điều 17). Còn vào ngày nghỉ hay dịp hè, trẻ em có quyền lựa chọn học thêm hay đi chơi. Pháp luật hiện hành không có qui định trẻ em, học sinh không được học thêm trong hè. Vì vậy, việc cấm GV dạy thêm trong hè có thể là hành vi “Cản trở việc học tập của trẻ em” mà pháp luật nghiêm cấm, được qui định tại khoản 8, điều 7, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em 2004.
Qui định về dạy thêm do UBND tỉnh Hà Tĩnh tại Quyết định số 2942 ngày 10/10/2012 so Sở GD – ĐT và Sở Tài chính tham mưu cũng có các qui định: thời gian mỗi buổi dạy thêm là 3 tiết, tương đương với 135 phút; qui định dạy thêm mỗi môn không quá 1 buổi/tuần khi dạy trong trường và không quá 2 buổi/tuần khi dạy thêm ngoài nhà trường; không dạy thêm vào thời gian từ 17 đến 19 h, không được dạy vào ngày chủ nhật.
Tỉnh này cũng ban hành “công thức” thu tiền dạy thêm giống như một hàm số phức hợp.
Như đã phân tích, các qui định về cấm dạy thêm ngày chủ nhật, cấm dạy thêm vào thời gian từ 17 đến 19 h là trái các qui định của pháp luật. Việc qui định cụ thể về thời gian, thời lượng các môn học thêm cũng không cần thiết và không đúng. Bởi vì học môn gì, mỗi tuần mấy buổi hay mức thu tiền bao nhiêu là do nhu cầu, thoả thuận giữa người dạy và người học.
Thực ra, về các điều kiện, tiêu chuẩn, thủ tục… dạy thêm, học thêm Bộ GD – ĐT đã qui định đầy đủ trong Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012. Tại văn bản này, khoản 2, điều 15 nêu: “Căn cứ quy định tại văn bản này và các quy định khác có liên quan, UBND cấp tỉnh ban hành văn bản quy định về dạy thêm, học thêm. Văn bản quy định về dạy thêm, học thêm của UBND cấp tỉnh quy định cụ thể các nội dung chủ yếu: a) Trách nhiệm của UBND các cấp, các cơ quan quản lý giáo dục và các ngành liên quan trong việc quản lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn; b) Thẩm quyền cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm; c) Việc thu, quản lý và sử dụng tiền học thêm; d) Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm”.
Văn bản cấm dạy thêm được công khai trên website của Sở GT – ĐT Hà Tĩnh
Bộ GD – ĐT đã qui định cụ thể như vậy, nhưng Hà Tĩnh lại ban hành văn bản bằng cách gần như “bê nguyên xi” Thông tư 17, rồi còn đề ra các qui định quá chi tiết và không đúng luật. Cấm là cấm vậy, nhưng không hiểu nếu phát hiện vi phạm, Sở GD – ĐT Hà Tĩnh sẽ xử lí bằng cách nào? Bởi vì không thể khép việc GV dạy thêm vào dịp hè là vi phạm vào điều khoản nào của các văn bản pháp lí hiện hành.
Một cán bộ quản lí giáo dục ở Hà Tĩnh chia sẻ: “Tôi thấy qui định dạy thêm của tỉnh và của Sở còn một số điểm bất hợp lí, nhưng là cấp dưới nên chỉ biết chấp hành”.
Thiết nghĩ, Sở GD- ĐT có chức năng quản lí các hoạt động GD- ĐT ở địa phương. Nhưng việc quản lí phải dựa trên các qui định của pháp luật, không thể tự ban hành những qui định riêng không dựa trên các văn bản pháp luật của nhà nước.
Trân trọng đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh, Sở GD – ĐT Hà Tĩnh rà soát, kiểm tra lại qui định dạy thêm học thêm trên địa bàn, bãi bỏ những qui định chưa đúng pháp luật.
Trần Quang Đại
Tầm Nhìn