Lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an tỉnh Nghệ An phối hợp với Thanh tra Sở KH-CN Nghệ An vừa triệt phá đường dây sản xuất – mua bán – lắp đặt IC giả nhằm ăn bớt xăng dầu bán cho khách, bắt 4 đối tượng, thu giữ hàng trăm thiết bị gian lận trong đo lường xăng dầu. Điều đáng lo ngại là đường dây do Trần Lê Đức (SN 1979, trú tại quận Tây Hồ, Hà Nội) cầm đầu đã tồn tại 6 năm nay.
Theo cơ quan chức năng, việc mua bán, lắp đặt IC giả này không chỉ có trên địa bàn Nghệ An mà còn diễn ra trên nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước. Mỗi chiếc IC được bán và lắp đặt hoàn chỉnh chỉ có giá 5 triệu đồng. Nhưng bằng cách điều chỉnh IC giả này, cứ 100 lít xăng, dầu bán ra các cơ sở kinh doanh xăng dầu có thể ăn bớt từ 4 – 11,6 lít. Như vậy một lượng xăng dầu rất lớn đã bị gian lận trong suốt 6 năm qua, cùng với đó là việc hàng trăm, hàng nghìn khách hàng đã bị “móc túi” một các trắng trợn mà không hề hay biết.
Ông Nguyễn Mạnh Hà – Phó Chánh thanh tra Sở KH-CN – cho biết: “Đây là thủ đoạn mới, tinh vi hơn rất nhiều so với vụ việc gian lận xăng dầu bằng việc sử dụng mạch chạy song song mà cơ quan chức năng phát hiện năm 2008. Các đối tượng không động chạm gì đến kẹp chì màn hình mà mở một bên cạnh của hộp bàn phím của các cột bơm, bẻ “ngam” và thay thế hoàn toàn IC thật bằng IC giả. Nếu quan sát bằng mắt thường thì thấy hoàn toàn không có bất thường nào trong các chỉ số đơn giá, số lượng xăng dầu bơm cho khách. Mỗi IC có một dãy mật khẩu khác nhau, bởi vậy rất khó để phát hiện được các cơ sở gian lận”.
Thủ đoạn mới này hết sức tinh vi bởi lẽ, người bán có thể thao tác cả bơm sai và bơm đúng. Trong trường hợp khách hàng mua xăng bằng các các vật dụng có dung tích cụ thể, các đối tượng chỉ cần một thao tác đơn giản trên bàn phím để điều chỉnh về chế độ bơm đúng.
“Tại một cơ sở kinh doanh xăng dầu bị nghi ngờ sử dụng IC giả để gian lận số lượng xăng dầu bán ra cho khách hàng, khi chúng tôi tới kiểm tra đã “phong tỏa” những khu vực nghi ngờ, thậm chí nhà anh em của họ trong khu vực. Vậy nhưng khi đoàn chuẩn bị kiểm tra thì đột nhiên… mất điện. Các cột bơm sử dụng IC giả này chỉ cần mất điện trong tích tắc thôi mà chương trình tự động “reset”, chuyển về chế độ bơm đúng.
Kiểm tra trên chi nhánh điện lực của huyện thì nhận được câu trả lời là trong thời gian đó không cắt điện. Thực sự chúng tôi không hiểu tại sao trong thời điểm đó lại mất điện trên diện rộng? Liệu có sự liên kết giữa các cơ sở kinh doanh xăng dầu có sử dụng IC để gian lận với các “thế lực” khác không?”, ông Nguyễn Mạnh Hà đặt nghi vấn.
Với cách thao tác đơn giản nên số lượng xăng dầu gian lận trong mỗi lần bơm có thể được điều chỉnh tùy theo người bán. Theo quy định, sai số trong kinh doanh xăng dầu chỉ cho phép trong mức cộng, trừ 0,3%. Như vậy, với mức sai số từ 4% đến 11,6% tại các cửa hàng xăng dầu bị cơ quan chức năng phát hiện thì đã gấp từ hơn 10 lần đến hơn 30 lần sai số cho phép.
Các chủ cơ sở kinh doanh xăng dầu bị phát hiện đều cho biết mới chỉ sử dụng loại IC này trong khoảng vài ba tháng trở lại đây. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Mạnh Hà thì thời gian thực hiện các hành vi gian lận của các chủ cửa hàng xăng dầu có thể lâu hơn thế. Và như vậy, khách hàng bị “ăn bớt” một số lượng xăng không hề nhỏ.
Áp dụng Nghị định 97/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hỏa lỏng, các 11 cơ sở kinh doanh xăng dầu sử dụng IC giả để gian lận trong việc bán xăng, dầu bị xử phạt hành chính từ 70-100 triệu đồng.
Theo thông tin từ cơ quan chức năng, việc mua bán, lắp đặt IC giả này diễn ra trên địa bàn nhiều tỉnh như Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa… Hiện cơ quan điều tra Công an tỉnh Nghệ An đang tiếp tục mở rộng điều tra.
Hoàng Lam