Trên tuyến đường Đại lộ Thăng Long giao cắt với đường Lê Đức Thọ (Cầu Giấy, Hà Nội) vào một buổi trưa trung tuần tháng 3, hai người phụ nữ đi trên một chiếc xe Wave biển kiểm soát 88F7 – 5639 với rất nhiều túi đồ to nhỏ được mang theo.
Sau khi tạt xe vào ven đường, người ngồi sau đi bộ đến gốc cây có người chạy xe ôm đang đứng một mình đợi khách. Người phụ nữ nhanh chóng tiếp cận và lấy ra trong túi quần một chiếc điện thoại Iphone4 phiên bản 64Gb rồi “gạ gẫm” người xe ôm mua chiếc điện thoại đó.
Người đàn ông thấy vậy liền cầm chiếc Iphone xem đi xem lại nhưng không biết cách sử dụng và cũng không biết đây là hàng thật hay hàng tầu. Một điều duy nhất mà người chạy xe ôm này biết đó là chiếc điện thoại này có giá trị thực tế (nếu là hàng xịn) đến mười mấy triệu bạc. Trong khi đó chiếc Iphone liên tục đổ chuông báo có cuộc gọi đến.
Người phụ nữ kia tỏ vẻ “ngờ ngệch” và luôn miệng hỏi người xe ôm cách tắt nguồn điện thoại. Nhưng vẫn không quên “chào” anh này mua “hàng” của mình với giá siêu rẻ. Đứng trước một món hàng “hời” nhưng vẫn cảnh giác người bán, anh xe quyết định “mặc cả” còn 2 triệu. Sau một hồi chào đi, trả lại, hai bên không thống nhất được giá cuối cùng và người phụ nữ kia quyết định không bán.
Gương mặt của người phụ nữ đi bán chiếc iphone 4s.
Thất bại trong lần giao bán này, hai người lên xe đi tiếp với tốc độ chậm và liên tục đảo con mắt để tìm khách. Đi được khoảng gần 100m, thấy một sinh viên đang đứng đợi xe để đi thị xã Sơn Tây (Hà Nội), họ lại nhanh chóng áp sát và cũng vẫn chiêu bài cũ: một người ngồi xe còn một người tiếp cận “khách hàng”. Cậu thanh niên sau khi cầm chiếc điện thoại Iphone4 trên tay, sau một hồi xem xét kỹ lưỡng đã bảo với người đàn bà kia đây là một chiếc điện thoại dởm.
Tuy vậy, người phụ nữ này vẫn không bỏ cuộc, chị ta tiếp tục gạ bán: “Nếu em biết dùng thì chị bán cho, người chạy xe ôm kia vừa trả chị 2 triệu nhưng chị không bán vì thấy tiếc, em có tiền trả thêm chị đi chị bán cho mà dùng, chị vừa nhặt được đấy”.
Người thanh niên hỏi: “Thế chị nhặt được ở đâu hay chị ăn cắp em mua phải đồ ăn cắp thì sao?” Người đàn bà luống cuống suy nghĩ một lát rồi trả lời: “chị nhặt được ở khu Mỹ Đình đấy” (trong khi đó họ lại đi theo chiều từ BigC vào). Cậu thanh niên “hét” một cái giá làm cho người đàn bà choáng ngợp: “Em mua 300 nghìn chị có bán không?”. Chị này có vẻ tỏ thái độ trước mức giá người thanh niên đưa ra rồi chị nhanh chóng quay trở lại xe máy đi tiếp.
Hai người đi trên một chiếc e máy đã cũ nát.
Đến ngã ba đoạn rẽ đường Lê Đức Thọ thấy có hai đồng chí CSGT đang đứng làm nhiệm vụ, ngay lập tức người ngồi đằng trước xuống xe để người đằng sau lên cầm lái. Họ đi thật chậm qua chốt CSGT rồi đột nhiên tăng ga chạy thật nhanh.
Khi biết có người đang bám theo, họ chạy nhanh hơn. Phóng viên cố đuổi theo gạ họ bán chiếc điện thoại đó với giá 2 triệu nhưng họ quyết định không bán nữa và bảo mang về dùng rồi nhanh chóng rẽ vào con đường đi ra đường Phạm Hùng.
Sau khi biết có người đi theo họ tăng tốc rồi đi một con đường khác.
Trong thời gian gần đây rất nhiều người đã vì ham của lạ, rẻ mà mắc lừa những người chuyên đi “bán hàng” dạo trên những cung đường vắng vẻ ít người qua lại. Họ thường lấy chiêu bài là nhặt được hay cần tiền làm gì đó để dụ khách. Họ lợi dụng sự ngờ nghệch của một số người “phù phép” hàng đểu thành hàng thật và đánh vào tâm lý “ngờ nghệch” đó. Những chiếc điện thoại kiểu như vậy được rao bán trên rất nhiều trang mạng, chỉ với giá từ 1,5 – 2 triệu trong khi mẫu mã đẹp như hàng xịn. Người nào không biết rất dễ bị lừa.
Trọng Trinh
GDVN