Chị A, người bạn của gia đình tôi bị căng thẳng thần kinh kéo dài, mấy tháng nay phải điều trị bằng thuốc chống trầm cảm. Nghe nói như vậy, tôi rất sửng sốt. Ít lâu không gặp, vì chị thường quá bận không thể dự các cuộc gặp gỡ giữa mấy gia đình. Gần đây tình cờ bắt gặp, thấy chị gầy hẳn đi, gương mặt mệt mỏi.
Thoạt đầu chúng tôi cứ nghĩ vợ chồng họ có chuyện bất hòa, nên lựa lời gần xa khuyên nhủ. Không ngờ, lý do mà anh giải thích: đó là do việc cơ quan.
Sao lại phải mất ăn mất ngủ vì việc cơ quan? Chán quá không chịu nổi thì tìm cách chuyển việc khác chứ? Sao lại để đến nỗi phải phát ốm lên vì công việc?
Anh lại giải thích ngọn ngành nỗi tâm tư của chị: Chị phụ trách nhân sự ở một cơ quan mà năm ngoái có hơn 100 cán bộ, nhân viên. Năm nay, kinh phí bị cắt giảm 1/3, và do đó, buộc phải cắt giảm tương đương khoảng 30 người. Giảm ai, đó là việc của chị. Chị sẽ là người thông báo lý do, giải thích cho người ta. Việc này được tiến hành ngay trước Tết âm lịch, nên càng tạo áp lực.
Người đầu tiên mà chị giảm là cô em chồng- cô này trước kia được chính chị xin cho vào làm ở cơ quan. Tuy nhiên động thái này vẫn không đủ để mọi người thông cảm. Trong số những người phải nghỉ việc, có người phản ứng ôn hòa, có người phản ứng rất dữ dội khi “bỗng dưng” bị mất việc làm, thất nghiệp. Đa số làm việc với nhau một thời gian dài, ít nhiều cũng có mối quan hệ gắn bó thân tình khiến chị vô cùng khó xử.
Mọi việc rồi cũng qua, cơ quan hiện giờ chỉ còn gần 70 người. Công việc của mỗi người đã phải năng suất hơn, bận rộn hơn để bù lại với nhân lực thiếu hụt, do vậy, hiệu quả cũng cao hơn, thu nhập được đảm bảo.
Sự căng thẳng của cuộc tổ chức lại hệ thống nhân sự vẫn để lại dư âm khiến chị không dễ gì vượt qua được.
Nhưng dù sao, thử thách khắc nghiệt nhất, phần việc khó nhất- chị cũng đã làm xong…
Câu chuyện của chị làm tôi nhớ đến nhận định được đưa ra tại Hội thảo hoàn thiện và công bố báo cáo kết quả khảo sát, đánh giá về quy định và thực hiện các biện pháp phòng ngừa, thu hồi tài sản tham nhũng do Thanh tra Chính phủ và Chương trình phát triển Liên hợp quốc tổ chức cuối tháng 7/2015: Mỗi lần thực hiện tinh giản biên chế thì dường như bộ máy lại phình to thêm!. (Thật là vô lý phải không? Nhưng thực tế đã diễn ra như vậy).
Suốt 10 năm qua, chúng ta có 3 lần tinh giản biên chế, vậy mà hiệu quả vẫn chưa thấy đâu. Trong bộ máy vẫn tồn tại những người không hoàn thành nhiệm vụ, không đáp ứng yêu cầu của công việc.
(nguồn: Internet) |
Lâu nay, việc tuyển dụng, bổ nhiệm công chức, viên chức không thực sự khách quan, công bằng dẫn đến chất lượng cán bộ thấp. Nói về công tác cán bộ, sự thăng tiến, người ta bây giờ có câu “nhất quan hệ, nhì tiền tệ, ba hậu duệ”, rồi mới đến “bốn… trí tuệ”. Tiêu chí lẽ ra quan trọng nhất được xếp hạng cuối cùng.
Nhiều người bỏ tiền ra “chạy” vào công chức để có được công việc ổn định hoặc những vị trí đem lại nhiều “bổng lộc”, dẫn đến chất lượng công việc thấp, kém hiệu quả, làm cho sự phát triển của xã hội bị trì trệ.
Tệ nạn chạy việc, chạy chức còn khiến cho nhiều kẻ gian dễ dàng lừa đảo tiền bạc của những người muốn giải quyết tất thảy mọi việc bằng “tiền tệ”.
Bài toán tinh giản biên chế được đặt ra, Bộ trưởng Bộ Nội vụ qua phương tiện truyền thông đại chúng đã nói về các giải pháp đặt ra để quyết tâm tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Nhiều bộ ngành cũng có các kế hoạch cụ thể về việc này, nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức.
Nhưng giảm ai? Chọn ai để giảm là cả một vấn đề không nhỏ. Đã có những lời dự báo rằng nếu có đợt giảm biên chế thì người phải ra khỏi cơ quan có khi lại chính là những người chỉ có “trí tuệ” mà thiếu các yếu tố “quan hệ”, “tiền tệ” hay “hậu duệ”. Làm sao để có sự công bằng, để không xảy ra tình trạng người đáng bị giảm thì vẫn yên vị còn người có năng lực thì lại phải về vườn.
Nói về trách nhiệm của Công đoàn, các tổ chức xã hội để đảm bảo công bằng? xem ra còn chung chung và mơ hồ quá. Có lẽ trách nhiệm nên thuộc về người đứng đầu. Như chị vợ bạn tôi, phải lao tâm khổ tứ, phải trả giá đắt để đạt được mục tiêu “giảm người” đặt ra. Chứ cứ làm khơi khơi lấy lệ thì chắc chắn sẽ lại “đâu vẫn hoàn đó”.
Nên chăng nếu cơ quan nào tinh giản không thành công thì cần xem xét trách nhiệm của người đứng đầu. Trách nhiệm gắn liền với vị trí. Nếu người đứng đầu không hoàn thành trách nhiệm của mình thì vị trí ấy cũng nên được… giảm, cho người khác đảm nhiệm thay!./.