Chương trình nghệ thuật tại buổi lễ. Ảnh: Gia Hân |
Buổi lễ diễn ra tại khu di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt ngã ba Đồng Lộc (huyện Can Lộc).
Ôn lại truyền thống lịch sử những ngày này cách đây 52 năm, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn nói với tầm quan trọng chiến lược của tuyến đường huyết mạch vận chuyển lương thực, vũ khí từ hậu phương miền Bắc chi viện tiền tuyến miền Nam, ngã ba Đồng Lộc đã trở thành trọng điểm đánh phá ác liệt, với gần 1.900 lượt ném bom, hơn 50.000 quả bom các loại, mỗi mét vuông nơi đây phải oằn mình hứng chịu 3 quả bom tấn.
Hàng vạn chiến sỹ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và người dân địa phương đã cùng nhau vượt lên bom đạn và những vất vả, thiếu thốn, ngày phơi mình dưới nắng bỏng da, cháy thịt để lấp hố bom, san đường mở lối, đêm về thay phiên nhau làm "cọc tiêu sống" điều hành, cảnh giới cho những đoàn xe ra mặt trận.
"Tiêu biểu là 10 nữ thanh niên xung phong sống cùng chung tiểu đội, hy sinh cùng chung một địa danh bất tử. Các chị ra đi khi tuổi đời mới mười tám, đôi mươi trinh trắng, máu xương của các chị hòa vào đất thiêng Đồng Lộc, máu đào của các chị cùng bao anh hùng liệt sĩ trên mảnh đất này đã hóa thành hồn thiêng sông núi, tô thắm thêm màu cờ Tổ quốc, viết nên một huyền tích Đồng Lộc anh hùng", ông Sơn nói.
Cựu thanh niên xung phong Hà Tĩnh dự lễ tưởng nhớ đồng đội. Ảnh: Đức Hùng |
Tại lễ kỷ niệm, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh "ngã ba Đồng Lộc mãi mãi trở thành biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam".
Ông đề nghị các cấp, ngành nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với người có công với cách mạng. "Đây là nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước, nhưng cũng là trách nhiệm, là đạo lý của mỗi người dân Việt Nam để tiếp tục thắp sáng ngọn lửa tri ân", Phó thủ tướng nói.
Ngã ba Đồng Lộc nằm trên đường Hồ Chí Minh, là giao điểm của quốc lộ 15A và tỉnh lộ 2, mạch máu giao thông trong chiến tranh để hậu phương chi viện sức người, sức của cho miền Nam.
Ngã ba Đồng Lộc nhìn từ trên cao. Ảnh: Đức Hùng |
Trưa 24/7/1968, 10 nữ thanh niên xung phong thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội 55, ra đường làm nhiệm vụ. Đến 16h, trận bom thứ 15 trong ngày dội xuống Đồng Lộc, một quả nổ gần căn hầm chữ A, nơi 10 chị tránh bom. Hầm sập, tất cả 10 chị hy sinh. Người trẻ nhất mới 17, ba chị lớn nhất cùng 24 tuổi.
Hiện phần mộ của 10 cô gái thanh niên xung phong nằm trong quần thể Khu di tích quốc gia đặc biệt ngã ba Đồng Lộc. Mỗi năm nơi đây đón hàng trăm nghìn lượt khách tham quan, dâng hương. Họ là những cựu binh, thanh niên, thiếu nhi, công nhân, viên chức...
Tác giả: Đức Hùng
Nguồn tin: Báo VnExpress