Xe

Từ việc 2 người cùng nhận 'chính chủ' xe máy biển số "tứ quý" 8: Xử lý ra sao?

Việc 2 người đồng thời nhận là chủ nhân chiếc xe Dream biển "tứ quý" 8 đang được rao bán gây xôn xao dư luận. Nhiều người hỏi, nếu xác định có hành vi đục lại số khung - số máy, làm giả hồ sơ giấy tờ xe thì cá nhân vi phạm bị xử lý ra sao?

Một biển số xe, 2 người nhận?

Mới đây, trên mạng xã hội, anh N.H.Đ - người tự xưng là chính chủ ở Hà Tĩnh đã rao bán chiếc xe máy Honda Super Dream biển số "tứ quý" 8, với giá 288 triệu đồng.

Được biết, anh Đ đã mua chiếc xe qua mạng xã hội từ một người ở TP. HCM, sau đó làm thủ tục sang tên đổi chủ tại Hà Tĩnh.

Theo anh Đ, hầu hết đồ trên xe đều là phụ tùng chính hãng Honda, đúng dòng Super Dream của đời 2003. Biển số 38 F8-8888 là bộ số VIP, độc nhất, có ý nghĩa mang vận may, kích tài lộc nên mới được rao bán với mức giá ‘khủng’ như trên.

Chiếc xe máy có biển số "tứ quý" 8 được rao bán với giá cao ngất


Điều đáng nói là, ngay sau anh Đ rao bán chiếc Honda Super Dream đời 2003 biển số 38 F8-8888 công khai trên mạng đã xuất hiện cá nhân khác cũng nhận mình là chủ nhân biển số này.

Đó là anh N.X.T (làm việc tại TP. HCM). Anh T khẳng định, mình mới là chủ nhân của biển số 38 F8-8888 trên và chiếc Dream biển VIP của anh hiện vẫn đang được lưu giữ và sử dụng ở Hà Tĩnh bởi người thân.

Theo anh T, năm 2008, anh được tặng chiếc xe Honda Super Dream biển "tứ quý" 8 (BKS 38 F8-8888) sản xuất năm 2003. Sau đó, do xe bị mất giấy tờ nên năm 2014, anh T đã làm thủ tục xác minh nguồn gốc phương tiện xe cơ giới tại cơ quan công an. Hiện anh T chưa làm thủ tục sang tên nên xe vẫn mang tên chính chủ cũ.

Điều đáng nói là, các thông tin về số khung số máy của chiếc Honda Super Dream đời 2003 biển số 38 F8-8888 cấp cho anh Đ cũng trùng khớp với số khung số máy của chiếc Honda Super Dream đời 2003 biển số 38 F8-8888 do anh T đang lưu giữ. Vụ việc đang được cơ quan công an xác minh làm rõ.

Xử lý thế nào?

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, việc 2 người đồng thời nhận là chủ nhân chiếc xe Dream biển "tứ quý" 8 có thể dẫn đến khả năng chiếc xe đã bị đục lại số khung số máy hoặc có người đã làm, sử dụng hồ sơ, giấy tờ xe giả. Nếu kết quả xác minh của cơ quan công an cho thấy có hành vi này, thì cá nhân vi phạm có thể bị xử phạt hành chính, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về xử lý hành chính, Khoản 5 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định, phạt tiền từ 800.000 - 2 triệu đồng với cá nhân, từ 1.6 - 4 triệu đồng với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện một trong các hành vi:

Tự ý cắt, hàn, đục lại số khung, số máy; đưa phương tiện đã bị cắt, hàn, đục lại số khung, số máy trái quy định tham gia giao thông; Tẩy xóa, sửa chữa hoặc giả mạo hồ sơ đăng ký xe;

Tự ý thay đổi khung, máy, hình dáng, kích thước, đặc tính của xe; Khai báo không đúng sự thật hoặc sử dụng các giấy tờ, tài liệu giả để được cấp lại biển số, Giấy đăng ký xe.

Ngoài ra, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, hành vi làm giả hồ sơ giấy tờ xe, sử dụng giấy tờ xe giả có thể bị xử lý hình sự về Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức theo Điều 341 BLHS 2015 với mức hình phạt lên tới 7 năm tù.

Cũng theo luật sư Lê Hồng Vân, với giao dịch xe bị thay đổi số khung, số máy, giả mạo hồ sơ đăng ký xe, nếu người mua hoàn toàn không biết về việc chiếc xe đã bị thay đổi số khung trước khi mua thì trách nhiệm sẽ thuộc về chủ cũ của chiếc xe.

Để bảo vệ quyền lợi của mình, khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.

Trường hợp người mua biết chiếc xe đã bị đục lại số khung, là xe do phạm pháp mà có thì người mua có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội chứa chấp, tiêu thụ hoặc tài sản do người khác phạm tội mà có theo Điều 323 BLHS 2015.

Tác giả: H.L

Nguồn tin: anninhthudo.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP