Vượt qua biết bao phong ba bão tố của cuộc sống, rào cản và cả định kiến xã hội, họ đã nguyện cùng nhau bước trên con đường xây đắp tình yêu. Ba năm gá nghĩa vợ chồng, giờ lại một đứa trẻ kết nối cho tình yêu của đôi trẻ đã làm cho tổ ấm ấy thêm viên mãn và đong đầy hạnh phúc.
Tình yêu không tật nguyền
Ước mơ lập Trung tâm tin học
Anh Lê Thái Bình chia sẻ thêm, cả đời anh chỉ có hai ước mơ lớn, ngoài việc thiên thần nhỏ của hai vợ chồng lớn lên được khỏe mạnh, bình thường như bao đứa trẻ khác, anh còn có một ước nguyện là cải thiện tiệm internet nho nhỏ của mình thành Trung tâm nghề tin học cho những người khuyết tật tại làng. Thần tượng “Hiệp sĩ công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng”, anh muốn mình có thể truyền đạt những kỹ năng công nghệ thông tin cho những người kém may mắn như anh, giúp họ học lấy một nghề phù hợp với khả năng của mình, đặng kiếm sống mà không phải mặc cảm.
Thời tiết những ngày cuối xuân của dải đất miền Trung khắc nghiệt có vẻ như rạng rỡ hơn khi có những giọt nắng vàng le lói. Nó xua đi cái ảm đạm, ẩm ướt của liên tiếp những ngày mưa dầm. Không quản ngại đường xa trắc trở, chúng tôi tìm về thôn Thượng Xuân, xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) hỏi thăm về một đôi vợ chồng trẻ tật nguyền. Bởi từ thành phố, tình yêu của họ đã được bàn tán với sự khâm phục, bởi kết thúc đẹp như “chuyện cổ tích thời hiện đại” nhờ tấm lòng son sắc cả hai dành cho nhau giữa muôn trùng phong ba cuộc sống.
Anh Lê Thái Bình (23 tuổi), ở thôn Thượng Xuân, xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) là một người sinh ra không mắn. Chịu ảnh hưởng di chứng chất độc da cam từ ông nội, nên ngay khi mới lọt lòng, Bình đã là người không bình thường, đi lại khó khăn, miệng bị méo xệch nói không rõ tiếng. Cũng may trời thương bù lại, dù cơ thể không lành lặn, anh vẫn có được trí tuệ phát triển bình thường, thậm chí là thông minh. “Không biết ông trời dành cho tôi chút ít để tôi hy vọng hay là trêu ngươi tôi. Tật về ngoại hình, nhưng tâm trí tôi không hề bị tật. Cũng chính vì điều đó, tôi đau đớn hơn khi nhận ra những cái thiệt thòi về cơ thể mình”, anh Lê Thái Bình tâm sự đầy chua xót.
Vượt qua những nỗi mặc cảm về cơ thể, lớn thêm tý chút, Bình xin đến lớp vì không muốn là gánh nặng trọn đời cho cha mẹ. Đi học, Bình phải ngồi chung lớp với những đứa em ít tuổi hơn mình. Với tay chân tay khuềnh khoàng, Bình cũng không thể ngồi gọn vào bàn mà phải xin giáo viên ngồi riêng một mình ở một góc trong lớp học. “Thực sự, tôi nghĩ về cái chết. Bởi tôi nghĩ rằng, cuộc sống này thật vô vị vì bản thân chẳng làm được cái gì, cũng không thích gì cái cuộc sống lầm lũi, sống trong mặc cảm này. Nếu tôi chết, cha mẹ tôi sẽ bớt gánh nặng”.
Sau những suy nghĩ đầy yếm thế, bước ngoặt cuộc đời đến với Bình, khi anh được một người giới thiệu vào trường dành cho trẻ khuyết tật tại TP Hà Tĩnh. Bình đã thuyết phục bố mẹ để khăn gói ra thành phố kiếm nghề mưu sinh, tự lo cuộc sống cho bản thân. Thương con tàn tật, bố mẹ anh đã hết lời khuyên nhủ Bình đừng đi. Chưa từng đi ra khỏi lũy tre làng, trong lòng chàng thanh niên cũng ngổn ngang tâm sự. Nhưng rồi, suy nghĩ không thể trở thành gánh nặng cho cha mẹ vẫn chiến thắng nỗi sợ. Bình ra đi và quyết tâm chọn nghề tin học lập thân.
Vào trường, Bình học về sữa chữa những lỗi của máy tính. Chính tại mái ấm dành cho người khuyết tật này, Bình đã gặp một nửa của đời mình. Người con gái đã tiếp thêm sức mạnh cho anh là chị Nguyễn Thị Vân (21 tuổi), quê xã Thạch Sơn, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh). Vân vốn sinh ra trong một gia đình có 3 anh chị em, thuần nông, nghèo cùng đinh. Cũng như Bình, Vân cũng bị khuyết tật từ nhỏ, bị khối u sau lưng nhưng không có tiền chữa chạy, lâu dần ảnh hưởng đến tứ chi, đốt sống cũng như sự phát triển về chiều cao, cân nặng. Tuổi thiếu nữ, nhưng Vân chỉ cao chưa đầy 1,2m và nặng 28 kg. Năm 2007, Vân xin vào trung tâm dành cho trẻ khuyết tật học nghề mây tre đan và một tình yêu chớm nở khi gặp Bình.
Nụ cười hạnh phúc của anh Lê Thái Bình.
Bền bỉ một tấm lòng
Cả hai vợ chồng trẻ đều bồi hồi khi nhớ lại thời gian đẹp đẽ mà hai người có với nhau “thuở ban đầu lưu luyến ấy”. Đó là một tình yêu đẹp, trong sáng, thanh cao và thánh thiện, xuất phát từ sự sẻ chia, cảm thông sâu sắc giữa hai con người tật nguyền với nhau. Tình yêu ấy, được chính anh Lê Thái Bình ghi lại bằng những entry cảm xúc thăng hoa gửi vợ như sau: “Em phải chờ đợi tôi 3 năm trời. Không một lời oán trách, em nói: “Em yêu anh hơn tất cả và sẽ luôn đợi chờ trong hạnh phúc. Đó là mùa Valentine 2007, tôi và em yêu nhau ở Trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật Hà Tĩnh. Khóa học chỉ vẻn vẹn 8 tháng, nhưng đong đầy biết bao kỷ niệm… Có lẽ, những người cùng hoàn cảnh thường hiểu nhau hơn. Valentine đó, lần đầu tiên tôi ngỏ lời yêu một người con gái. Thật tình cờ khi em nói với tôi: “Đây là lần đầu tiên em được tỏ tình. Anh sẽ là người yêu đầu tiên và cũng là cuối cùng của em chứ?”. Tôi trả lời “Tất nhiên rồi em à” với nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt”.
Tình yêu giữa hai số phận đồng cảm thật đẹp. Nhưng với người lành lặn, nhiều khi cũng phải qua ba bảy lần hẹn ước mới thành đôi, huống chi hai anh chị đều là những người khuyết tật, cuộc sống của chính mình còn chưa lo nổi, huống hồ gắn đời lại với nhau. Để chắc chắn cho một tương lai bền vững, Bình đã nắm lấy bàn tay nhỏ nhắn của Vân nói lời hẹn ước rồi xuôi về quê kiếm việc làm. Hẹn ước rồi chia tay, mỗi người về lại quê xưa, theo đuổi những ước mơ riêng. Họ vẫn liên lạc đấy, nhưng tất cả nỗi nhớ nhung của hai người chỉ được bày tỏ qua điện thoại, qua những lần chat online trên mạng. Chỉ thế thôi, vậy mà tình yêu luôn luôn đẹp đẽ, trong sáng và thanh khiết. Để rồi sau tròn 3 năm, Bình can đảm ngỏ lời: “Anh muốn cưới làm vợ, em có đồng ý đi cùng anh suốt cả cuộc đời không?”. Vân gật đầu. Không hoa hồng, không một món quà, không lời cầu hôn văn hoa mà chỉ là lời nói mộc mạc qua điện thoại.
Ngày 11/12/2010 được chọn là ngày cưới của vợ chồng Vân và Bình. Nói là một đám cưới vui, nhưng chắc rằng nó có nhiều nước mắt hơn nụ cười, nước mắt của sự cảm thông, ái ngại và chia sẻ. Đám cưới lịch sử của làng Thượng Xuân đông người đến chúc mừng để chia vui, cũng có không ít quan khách hiếu kỳ trước 2 con người khuyết tật, không hoàn hảo. “Hôn lễ của chúng tôi tổ chức chu đáo và thậm chí còn hoành tráng hơn một số đám cưới khác. Trong lúc trao nhẫn, tôi đã khóc mà không hiểu lý do tại sao. Tôi khóc vì sau bao năm chờ đợi, cuối cùng chúng tôi đã được ở bên nhau, vì tôi và em có thể tìm được hạnh phúc cho mình. Nhìn tôi đi xiêu vẹo bên cô dâu lưng gù mà ai cũng rơi nước mắt. Mẹ khóc, các dì, các bác rồi anh em họ hàng ai cũng rơm rớm nước mắt. Người đi xem cũng quệt vội dòng lệ rơi trước lời nói nghẹn ngào của cha và họ hàng nhà gái”, anh Lê Thái Bình xúc động khi nhớ lại khoảnh khắc trọng đại hạnh phúc nhất cuộc đời mình.
Trong tiết trời ửng nắng của trời Kỳ Anh sau những ngày mưa tầm tã, bà Trương Thị Lâm, mẹ của anh Lê Thái Bình không ngừng nói cười trong niềm hạnh phúc tột độ. Bà Lâm bảo, Bình là con trai cả, là cháu đích tôn của dòng họ, nên khi biết con bị như vậy, mọi người ai cũng xót xa, ái ngại và đầy thương cảm. Bây giờ, Bình yên bề gia thất và đã sinh con gái đầu lòng. Nỗi ám ảnh di truyền chất độc màu da cam cũng không còn nữa, khi Lê Hà Anh (con gái anh Bình) dần lớn lên hoàn toàn khỏe mạnh. Hạnh phúc đang “nở hoa” trên con đường của gia đình cặp vợ chồng khuyết tật nghèo, như một thông điệp nhắn gửi đầy ý nghĩa đến những số phận bất hạnh khác đang nỗ lực dò dẫm “tìm đường” trong xã hội.
Tiểu Long – Thanh Thanh
Gia Đình