Nghi Xuân

Từ 2 vụ cưỡng hiếp trẻ em ở Nghi Xuân, nghĩ về trách nhiệm của người lớn

Hậu quả khôn lường

Hai vụ hiếp dâm trẻ em ở huyện Nghi Xuân do 2 đối tượng Đặng Thanh Minh (SN 1996, trú tại tổ dân phố 4, thị trấn Xuân An) và Nguyễn Văn Tấn (SN 1952, trú tại thôn Phúc Mỹ, xã Xuân Mỹ) vừa bị cơ quan chức năng phát hiện, khiến dư luận hết sức bất bình, gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng suy đồi đạo đức và lối sống của một bộ phận người dân…

Theo thống kê của Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (Bộ Công an), mỗi năm, có khoảng 1.000 vụ xâm hại tình dục được phát hiện, trong đó, số trẻ em là nạn nhân chiếm 65%, đa số là nữ ở độ tuổi 12-15 (chiếm 57,46%). Tuy nhiên, đó mới chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”, vì trên thực tế, số vụ việc xảy ra còn lớn gấp nhiều lần, nhưng do chưa được phát hiện, hoặc tâm lý e ngại của gia đình có các em nhỏ bị hại cố tình giấu kín, không tố giác. Trên các phương tiện thông tin đại chúng, số lượng bài viết về các vụ xâm hại tình dục trẻ em ngày một nhiều và tính chất ngày càng nghiêm trọng.

Hiếp dâm trẻ em, già trẻ... rủ nhau vào tù !
Đối tượng Nguyễn Văn Tấn và Đặng Thanh Minh

Không chỉ bị người dưng, kẻ lạ hãm hiếp nhiều trẻ còn bị chính hàng xóm, láng giềng, người quen, anh em họ hàng xa, thậm chí là người thân cưỡng bức. Việc gia tăng những vụ cưỡng hiếp trẻ em cho thấy, vấn đề suy đồi đạo đức, lối sống của một bộ phận người dân đã trở nên rất nghiêm trọng.

Những tác nhân đầu đời ảnh hưởng rất lớn đến quá trình hình thành nhân cách và lối sống của trẻ, vì vậy, hành vi xâm hại tình dục sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả cuộc đời các em. Bị xâm hại tình dục là một cú sốc lớn đối với các em về tinh thần lẫn thể xác. Các em có thể bị rơi vào trạng thái hoảng loạn, sợ hãi, thậm chí, mắc bệnh trầm cảm sau một thời gian u uất. Dù ngày nay, xã hội đã có nhiều tiến bộ, cởi mở hơn trong đời sống riêng tư, tuy nhiên, về cơ bản, người Á Đông nói chung và Việt Nam nói riêng vẫn rất coi trọng vấn đề trinh tiết, vì vậy, nếu không được gia đình và mọi người thông cảm, giải tỏa tâm lý thì các em dễ rơi vào trạng thái tự ti, mặc cảm, thậm chí, nhiều em còn bắt đầu cho một lối sống buông thả vì cho rằng, cuộc đời mình không còn gì để mất. Ở độ tuổi các em, sinh lý phát triển chưa hoàn thiện, nên khi bị xâm hại tình dục rất dễ mắc các căn bệnh lây truyền qua đường tình dục, thậm chí, mất khả năng sinh sản…

Những vấn đề đặt ra…

Nếu nhìn một cách tổng thể các vụ án xâm hại tình dục trẻ em thì đối tượng thực hiện hành vi đồi bại đa số quen biết với gia đình nạn nhân; có thể là hàng xóm, bạn bè của bố mẹ, anh em, người cùng làng, xã… Chính vì vậy, hầu như gia đình không có sự cảnh giác, đề phòng. Hơn nữa, hầu hết các em đều không có khả năng kháng cự, nên khi bị đe dọa đã giấu người thân, tạo điều kiện cho các đối tượng thực hiện hành vi đồi bại trong một thời gian dài. Có nhiều gia đình, dù phát hiện con mình bị xâm hại, nhưng do tâm lý e ngại đã không tố cáo, khiến các đối tượng vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật và tiếp tục gây án. Thêm vào đó, gia đình ít quan tâm đến đời sống, hành vi, tâm lý của con trẻ, không nhận ra biểu hiện bất thường, nên nhiều vụ xâm hại diễn ra trong một thời gian dài mà gia đình vẫn không hay biết, chỉ đến khi con mang thai hoặc tự kể thì cha mẹ mới biết. Minh chứng rõ nhất là trong vụ cưỡng hiếp ở Nghi Xuân, dù bị đối tượng Nguyễn Văn Tấn cưỡng hiếp vào tháng 9/2013, nhưng đến ngày 8/4/2014, khi gia đình phát hiện nạn nhân có thai thì vụ việc mới được phanh phui và hung thủ mới bị trừng trị.

Vấn đề quản lý xã hội cũng đang là nguyên nhân làm gia tăng tình trạng xâm hại tình dục trẻ em. Những ấn phẩm văn hóa đồi trụy như: phim, ảnh sex; phim bạo lực, khiêu dâm vẫn ồ ạt xâm nhập vào đời sống xã hội, tác động rất lớn đến tư tưởng, lối sống của một bộ phận người dân, dẫn đến tình trạng mê, cuồng sex. Vì vậy, vấn đề thắt chặt quản lý đối với các văn hóa phẩm rất quan trọng nhằm ngăn ngừa sự suy thoái về đạo đức, lối sống của con người.

Mặc dù Bộ luật Hình sự Việt Nam đã có nhiều quy định bảo vệ người chưa thành niên; các quy định về tội phạm xâm phạm sức khỏe, tính mạng, danh dự và nhân phẩm con người đều quy định phạm tội đối với trẻ em là “tình tiết tăng nặng” định khung và kẻ phạm tội phải chịu mức án nghiêm khắc hơn. Tuy nhiên, chế tài xử phạt đối với hành vi xâm hại tình dục trẻ em vẫn chưa tương xứng. Pháp luật chưa bắt buộc những người phát hiện, nghi ngờ trẻ em bị bạo lực, xâm hại phải khai báo, trừ khi các hành vi đó có yếu tố hình sự. Chính điều này gây khó khăn cho việc phát hiện các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em.

Đã đến lúc phải nhìn nhận một cách nghiêm túc về tình trạng xâm hại tình dục đối với trẻ em ở nước ta để đưa ra những biện pháp phòng ngừa, phát hiện sớm, can thiệp kịp thời nhằm giảm thiểu, loại bỏ nguy cơ trẻ bị xâm hại tình dục trước khi nó trở thành một vấn nạn thực sự của xã hội.

Phúc Quang

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP