Có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/3/2015, Quy hoạch này áp dụng để đánh số cho các mạng viễn thông, bao gồm: Mạng viễn thông công cộng (mạng viễn thông cố định mặt đất, mạng viễn thông cố định vệ tinh, mạng viễn thông di động mặt đất); Mạng viễn thông dùng riêng (mạng viễn thông dùng riêng của các cơ quan Đảng, Nhà nước, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các mạng viễn thông dùng riêng khác).
Thông tư ban hành Quy hoạch kho số viễn thông sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/3/2015 (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet) |
Theo Quy hoạch, số thuê bao mạng viễn thông cố định mặt đất có độ dài 7, 8 chữ số; Số thuê bao mạng viễn thông cố định vệ tinh có độ dài 7 chữ số; Số thuê bao mạng viễn thông di động mặt đất sử dụng cho thuê bao viễn thông là người có độ dài 7 chữ số; Số thuê bao mạng viên thông di động mặt đất sử dụng cho thuê bao viễn thông là thiết bị có độ dài 8 chữ số; Số thuê bao điện thoại Internet có độ dài 10 chữ số bao gồm cả mã mạng điện thoại Internet.
Riêng về số thuê bao mạng viễn thông dùng riêng, Quy hoạch quy định, với mạng viễn thông dùng riêng của cơ quan Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, số thuê bao có độ dài 5, 6 hoặc 7 chữ số phụ thuộc vào quy mô của mỗi mạng và giai đoạn áp dụng. Còn với các mạng viễn thông dùng riêng khác, số thuê bao có độ dài phụ thuộc vào quy mô của mỗi mạng và giai đoạn áp dụng nhưng tối đa không vượt quá 7 chữ số.
Bên cạnh đó, Quy hoạch kho số viễn thông cũng quy định cụ thể về nguyên tắc thực hiện tăng/giảm dung lượng đối với số thuê bao của mạng viễn thông cố định mặt đất, mạng viễn thông di động mặt đất hoặc mạng viễn thông cố định vệ tinh.
Quy hoạch nêu rõ, không dùng các chữ số 0, 1 làm đầu số thuê bao mạng viễn thông cố định mặt đất và mạng viễn thông cố định vệ tinh. Không dùng các chữ số từ 2 đến 9 làm đầu mã, số dịch vụ trong mạng viễn thông cố định mặt đất. Không dùng chữ số 0 làm đầu số thuê bao mạng viễn thông di động mặt đất.
Đáng chú ý, theo Quy hoạch mới ban hành, từ ngày 1/3 tới, mã vùng điện thoại cố định của 59 tỉnh, thành phố sẽ được điều chỉnh. Cụ thể, Hà Nội đổi từ 4 thành 24; TP.HCM đổi từ 8 thành 28; Đà Nẵng đổi từ 511 thành 236; Hải Phòng từ 31 thành 225; Quảng Ninh từ 33 thành 203; Thanh Hóa từ 37 thành 237; Nghệ An từ 38 thành 238; Thừa Thiên – Huế từ 54 thành 234; Cần Thơ từ 710 thành 292; Phú Yên từ 57 thành 257; Khánh Hòa từ 58 thành 258…
Có 4 tỉnh gồm Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình và Hà Giang vẫn giữ nguyên mã vùng lần lượt là 210, 211, 218 và 219. Ngoài ra, Quy hoạch cũng quy định thêm 19 mã vùng dự phòng như: 200, 201, 202, 217, 223, 224, 230, 231…
Đối với quy hoạch mã, số dịch vụ, Bộ TT&TT quy định, mã dịch vụ điện thoại thanh toán giá cước ở nước ngoài có độ dài 3 chữ số; mã dịch vụ truyền số liệu có độ dài 4 chữ số; mã nhà khai thác có độ dài 3 chữ số.
Số dịch vụ khẩn cấp là số dịch vụ toàn quốc có độ dài 3 chữ số, cụ thể: 112 là số dịch vụ gọi tìm kiếm, cứu nạn; 113 là số dịch vụ gọi Công an; 114 là số dịch vụ gọi Cứu hỏa; 115 là số dịch vụ gọi Cấp cứu y tế.
Số dịch vụ hỗ trợ khách hàng bắt buộc là số dùng chung có 3 chữ số, cụ thể: 101 là số dịch vụ đăng ký đàm thoại trong nước qua điện thoại viên; 110 là số dịch vụ đăng ký đàm thoại quốc tế qua điện thoại viên; 116 là số dịch vụ trợ giúp tra cứu số thuê bao điện thoại mạng viễn thông cố định mặt đất; 119 là số dịch vụ báo hỏng số máy điện thoại cố định.
Cục Viễn thông thuộc Bộ TT&TT là đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện việc quản lý, phân bổ, thu hồi mã, số viễn thông theo đúng Quy hoạch và Quy định về quản lý, sử dụng kho số viễn thông. Hàng năm, việc phân bổ và sử dụng mã, số viễn thông sẽ được Cục Viễn thông công bố công khai.
Theo ictnews.vn