Đại diễn lãnh đạo Bộ tư lệnh Quân khu 9 về tham dự buổi lễ có đ/chí: Đại tá Phan Hồng Thụ Phó chủ nhiệm chính trị; đại diện lãnh đạo Quân khu 4 có đ/chí Trung tá Lý Văn Huế trợ lý Cục chính trị Quân khu 4; đại diễn lãnh đạo Bộ chỉ huy Quân sự Hà Tỉnh có đ/chí Đại tá Lương Hồng Phong Phó chính uỷ; về phía huyện có đ/chí Nguyễn Quốc Lập Phó bí thư thường trực Huyện uỷ, đ/chí: Nguyễn Duy Trinh Phó bí thư Huyện uỷ – Chủ tịch UBND huyện; đ/chí Võ Khắc Định chủ tịch UBMT Tổ quốc huyện; đ/chí: Đại tá Nguyễn Đình Đông chỉ huy trưởng Ban chỉ huy QS huyện cùng toàn thể cán bộ, nhân dân xã Sơn An và thân nhân gia đình liệt sỹ Nguyễn Dung.
Đồng chí Nguyễn Dung sinh năm 1927, xuất thân trong một gia đình truyền thống cách mạng; 20 tuổi đồng chí tạm biệt quê hương, gia đình lên đường nhập ngủ vào Nam chiến đấu, năm 1964 có mặt ngay từ những ngày thành lập tiểu đoàn (22/6/1964); đồng chí đã trực tiếp chiến đấu và trưởng thành từ chiến sỹ trung đội, đại đội, tiểu đoàn. Đồng chí là cán bộ gương mẫu, dũng cảm mưu trí trong chiến đấu, hết lòng thương yêu chiến sỹ, cấp dưới; đồng chí đã đóng góp to lớn vào quá trình xây dựng, trưởng thành, chiến đấu và chiến thắng của tiểu đoàn 303 do đồng chí trực tiếp chỉ huy những năm 1966,1967,1968 của Trung đoàn bộ binh 1 – Sư đoàn 330 – Quân khu 9.
Đồng chí Nguyễn Dung trên cương vị cấp bậc thượng uý, tiểu đoàn trưởng, đồng chí cùng cấp uỷ, Ban chỉ huy đơn vị đã bám sát địa bàn, bán sát nhân dân, chủ động nghiên cứu chiến trường, mưu trí sáng tạo trong đánh địch và hết sức quan tâm đến công tác xây dựng Đảng, xây dựng và huấn luyện cho bộ đội nắm vững kỹ chiến thuật; quan tâm giáo dục chính trị, tư tưởng; xây dựng tình thần quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược cho từng cán bộ, chiến sỹ tiểu đoàn. Trong mọi hoạt động, đặc biệt trong chiến đấu đồng chí là một cán bộ mẫu mực, đi đầu trong mọi khó khăn thử thách. Hơn 2 năm với cương vị tiểu đoàn trưởng, đồng chí đã cùng cấp uỷ, chỉ huy đơn vị lập được nhiều thành tích xuất sắc.
Đồng chí đã trực tiếp chỉ huy đơn vị đánh các trận nỗi bật như sau: Tháng 2 năm 1967, ở Cò Tuất – Kinh Xuôi, đồng chí đã chỉ huy tiểu đoàn 303 đập tan cuộc phản kích của một trung đoàn địch; ngay sau đó giữa tháng 2/1967 đồng chí đã chỉ huy tiểu đoàn trong một ngày đánh bại cuộc hành quân của 2 trung đoàn địch, có 3 chi đoàn M-113 và hàng chục lượt máy bay yểm trợ, đẩy lùi 25 đợt tiến công của địch, loại khỏi vòng chiến đấu gần 800 tên địch.
Đêm mồng 9 và rạng sáng ngày 10/11/1967, đồng chí chỉ huy tiểu đoàn phối hợp với tiểu đoàn 207 tỉnh Rạch Giá phục kích tiêu diệt 1 tiểu đoàn thuộc trung đoàn 15, sư đoàn 9 nguỵ và hai đoàn Bình Định đóng giã ngoại ở Xà Phiên-Xã Bình An, Châu Thành B, Rạch Giá loại khỏi vùng chiến đấu 300 tên trong đó 2 cố vấn Mỹ, 78 tên cán bộ Bình Định.
Ngày 8/12/1967, địch sử dụng một tiểu đoàn càn vào Kinh Xáng Thác Lác- Bà Đầm ( Ô Môn) ngay vào trận địa ta, đồng chí đã chỉ huy đơn vị đẩy lùi 7 đợt xung phong của địch. Lúc này hầu hết công sự của ta đều bị pháo bon đánh sập, đồng chí chỉ huy đơn vị kiên quyết bám trận địa, vừa đánh địch, vừa cũng cố công sự. Sau một ngày quần lộn với địch ta tiêu diệt tiểu đoàn này và đánh bại 2 tiểu đoàn khác ( đều của sư đoàn bộ binh 21) đến tăng viện, đánh bại hoàn toàn cuộc hành quân của địch, tiêu diệt trên 800 tên và thu được nhiều vũ khí.
Đặc biệt, ngày 7 Tết năm 1967 trận đánh Thanh Thuỷ, Vĩnh Viễn, Long Mỹ, Hậu Giang; đồng chí đã chỉ huy tiểu đoàn đánh trung đoàn 32, sư đoàn 21 nguỵ có máy bay yểm trợ, trận đánh kéo dài từ sáng sớm hôm nay tới 1 giờ sáng hôm sau tiểu đoàn đã diệt hơn 500 tên địch, bắn rơi 14 máy bay, trong đó có 1 chiếc F105; Riêng đồng chí Nguyễn Dung đã bắn rơi 3 trực thăng..
Cuộc tổng tiến công và nỗi dậy Xuân Mậu Thân (năm 1968), phối hợp với các đơn vị trung đoàn 1 và quân khu, tiểu đoàn 303 do đồng chí Nguyễn Dung chỉ huy, chiều và đêm 1 Tết đã bí mật vượt sông Cần Thơ và Lộ Vòng Cung, được tổ biệt động thị xã và du kích dẫn đường đã luồn lách qua hàng chục đồn bót địch Tây Nam thị xã Cần Thơ, áp sát sân bay Lộ Tẻ. Được sự hỗ trợ của binh vận, bằng lối đánh đặc công, đồng chí đã triển khai đội hình tiểu đoàn thành nhiều mũi trên hướng Tây Nam và Nam phi trường bí mật, an toàn. Mờ sáng ngày 2 Tết tiểu đoàn nổ súng tiến công tiêu diệt địch vòng ngoài, vượt qua nhiều bãi vật cản, đánh chiếm khu vực đổ máy bay, phá huỷ 12 máy bay ( chủ yếu là trực thăng); một đại đội của tiểu đoàn vượt qua khu truyền tin của địch đánh chiếm đầu lộ 20 để bắt liên lạc với tiểu đoàn Tây Đô. Lực lượng còn lại của tiểu đoàn bị M-113 địch ngăn chặn, không chi viện được cho đại đội 3, luc này địch điên cuồng phản kích, đội hình tiểu đoàn bị nhiều chia cắt, ta bị thương vong nhiều, vì phải chiến đấu trong vòng vây quân thù, trong điều kiện hoàn toàn bất lợi. Trước khó khăn, ác liệt đồng chí Nguyễn Dung vẫn chỉ huy bộ đội kiên quyết bám trụ, đánh địch suốt ngày 03, 04 Tết và đánh thiệt hại 1 tiểu đoàn địch. Quá trình chỉ huy chiến đấu đồng chí Nguyễn Dung đã bị trực thăng địch bắn và anh dũng hy sinh vào ngày 04 Tết Mậu Thân (năm 1968). Tiểu đoàn 303 đã hoàn thành nhiệm vụ trên giao làm chủ trận địa phía Tây Bắc và Tây sân bay ( phi trường 31), phá huỷ 12 bay, tiêu diệt hàng trăm tên địch.
Liệt sĩ Nguyễn Dung đã được Nhà nước tặng thưởng 1 Huân chương kháng chiến hạng Nhất, 1 Huân chương chiến thắng hạng Ba, 2 Huân chương chiến công hạng Ba, 1 Huân chương chiến sỹ giải phóng hạng Hai, Huân chương chiến sỹ vẽ vang hạng Hai, Ba và ngày 22 /2 /2010, Chủ tịch Nước đã ký Quyết định số 212 /QĐ-CTN truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Hồ Viết Tuyên