TP Hà Tĩnh

Trung tâm Dạy nghề cho người khuyết tật Thành Sen: Núp dưới bóng làm từ thiện để trục lợi

Nguyễn Thị Hoài, con ông Nguyễn Cao Chương, thương binh hạng 2/4 ở khối phố 2, thị trấn Thanh Chương (Nghệ An) là người bị khuyết tật bẩm sinh (thiểu năng trí tuệ). Tháng 2-2008, ông Nguyễn Cao Chương đưa Hoài vào Trung tâm Dạy nghề cho người khuyết tật Thành Sen (xã Thạch Bình, TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) để mong Hoài học được một nghề gì đấy kiếm việc làm nuôi sống bản thân. Thế nhưng, vào trung tâm mấy tháng mà Hoài chẳng được học một nghề gì cho ra hồn.

hatinh24h

Từ ông giám đốc hành hạ học viên…
Nguyễn Thị Hoài, con ông Nguyễn Cao Chương, thương binh hạng 2/4 ở khối phố 2, thị trấn Thanh Chương (Nghệ An) là người bị khuyết tật bẩm sinh (thiểu năng trí tuệ). Tháng 2-2008, ông Nguyễn Cao Chương đưa Hoài vào Trung tâm Dạy nghề cho người khuyết tật Thành Sen (xã Thạch Bình, TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) để mong Hoài học được một nghề gì đấy kiếm việc làm nuôi sống bản thân. Thế nhưng, vào trung tâm mấy tháng mà Hoài chẳng được học một nghề gì cho ra hồn. Suốt ngày Hoài chỉ làm mỗi việc đóng gạch, đào đất như một lao động không công. Không chỉ có thế, đầu tháng 12-2008, Hoài đã bị ông Phạm Công Ngụ, Giám đốc Trung tâm đánh đập, ngược đãi, buộc lòng gia đình phải đưa cô về nhà. Ông Chương vô cùng bức xúc, đã tìm đến cơ quan công luận gửi đơn tố cáo và yêu cầu các cơ quan chức năng làm rõ sự việc.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết: Vợ ông Ngụ mất một chỉ vàng và nghi cho Nguyễn Thị Hoài lấy trộm, ông Ngụ gọi lên tra khảo. Hoảng sợ vì bị ông Ngụ dọa nạt, Hoài đã khai nhận có lấy và hiện đang chôn vàng ở cơ sở của trung tâm trên phường Thạch Linh. Thế nhưng, sau mấy tiếng đồng hồ tìm kiếm, cả Hoài và ông Ngụ đều không thấy. Bực tức, ông Ngụ đưa Hoài về trung tâm và gọi Công an xã Thạch Bình đến làm việc. Sau đó, công an đã còng tay, đưa Hoài về trụ sở UBND xã để “điều tra”. Ðến khoảng 22 giờ,  Hoài khai nhận và được dẫn về trung tâm để tìm vàng. Tại đây, cuộc tra hỏi, soát xét diễn ra đến hơn 3 giờ sáng nhưng chẳng thể tìm đâu ra được cái “không có”. Cả trung tâm náo loạn hàng mấy tiếng đồng hồ, tất cả học viên đều thức. Ông Ngụ dẫn Hoài đi tìm khắp nơi, trên tay là đoạn dây thừng được bện làm đôi và liên tục quất vào lưng cô. Khiếp sợ, Hoài trằn mình chịu trận vì có lẽ cô chẳng biết phải phản kháng như thế nào. Ðiều đáng nói: lúc này có các đồng chí công an xã Thạch Bình nhưng cũng chẳng ai lên tiếng can ngăn. Chứng kiến cảnh Hoài bị hành hạ và bức xúc với hành động nói trên, một học viên của trung tâm đã dùng điện thoại di động quay lại toàn bộ sự việc.
Xem những hình ảnh của học viên này ghi lại, chúng tôi không khỏi giật mình. Hoài co ro đi trước, ông Ngụ đi sau với vẻ mặt giận dữ, liên tục dùng dây thừng quất vào người cô với câu hỏi lặp đi lặp lại “vàng để mô?”. Nhìn cảnh cô gái khuyết tật bị hành hạ trong đêm lạnh, thật đáng thương. Và tiếc thay, hôm đó là ngày 3-12, ngày “trẻ tàn tật”.
Ngày 11-12-2008, làm việc với chúng tôi, ông Phạm Công Ngụ thừa nhận có dùng roi đánh Hoài. Tuy nhiên, theo ông thì: “Tôi chỉ dùng đoạn dây thừng quất mấy cái, chủ yếu là để giáo dục Hoài theo kiểu cha – con”?! Khi tôi đưa bức ảnh có những lằn roi trên lưng Hoài, ông cho rằng, đó chỉ là những vết xước thông thường!
… Những dấu hiệu bất minh về kinh tế và làm giả con dấu
Bằng các “phép thuật” ma mãnh, ông Phạm Công Ngụ đã biến trung tâm thành một địa chỉ tình thương với hình ảnh hàng trăm trẻ tật nguyền cần được cưu mang. Với “chiêu bài” dạy nghề cho người khuyết tật, ông giám đốc đã dựa vào lòng hảo tâm của các cấp, ngành để xin nguồn tài trợ. Chỉ tính riêng năm 2008, đơn vị đã được Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam hỗ trợ 388.800.000 đồng, Sở LÐ-TB-XH Hà Tĩnh 100.000.000 đồng để phục vụ hoạt động dạy nghề cho 180 người khuyết tật. Ngoài ra, để bóc lột sức lao động của những người đến làm việc ở trung tâm, ông Ngụ còn đưa ra hình thức nhận đào tạo nghề cho hơn 60 học viên, bằng nguồn kinh phí 200.000.000 đồng, chủ yếu được trích ra từ hoạt động sản xuất kinh doanh. Thế nhưng, việc đào tạo, học nghề, con số học viên chỉ là con số ảo, nguồn kinh phí cấp về được ông Ngụ sử dụng với nhiều dấu hiệu bất minh.
Theo báo cáo của đơn vị, số tiền này đã được chi phục vụ cho công tác đào tạo, mua sắm vật liệu, chi hành chính và đi lại, ăn ở cho học viên. Tính ra, số tiền chi cho mỗi học viên là hơn 3,2 triệu đồng. Thế nhưng, trong tổng số 240 học viên theo danh sách, chỉ có khoảng 40 – 50 người ở tại trung tâm. Còn lại chỉ là học viên “trên giấy” vì nhiều người không bao giờ đến hoặc chỉ đến được ít hôm rồi về. Tuy vậy, hằng tháng, ông giám đốc vẫn chỉ đạo thủ quỹ, kế toán, lập danh sách và chi tiền ăn đều đặn. Trong đó có những em như Lê Hữu Lự ở Hương Khê, chỉ đến với trung tâm có mấy ngày rồi về, mà vẫn ký nhận tiền ăn từ tháng 4 đến tháng 10; Ðinh Văn Tùng ở Thạch Kênh (Thạch Hà) không có mặt ở đây vẫn được quyết toán 2.160.000 đồng tiền ăn. Theo một cán bộ ở trung tâm này cho biết: “Nhiều người không có mặt nhưng vẫn được giám đốc quyết toán chi phí ăn, học, cấp chứng chỉ học nghề – nhưng khoản tiền này đi đâu thì chỉ có ông Ngụ biết”. Thậm chí, để hợp lý hóa khoản kinh phí chi cho đào tạo nhằm qua mặt các cơ quan chức năng, ông Ngụ đã đưa vào danh sách học viên cả những người là cán bộ của đơn vị như Phạm Quang Nhật ở Tùng Ảnh (Ðức Thọ), Nguyễn Thị Thương ở Cẩm Yên (Cẩm Xuyên), Nguyễn Viết Hoàng ở Thạch Vĩnh (Thạch Hà)… Những người này có bằng cấp, là cán bộ, giảng viên hoặc làm công tác quản lý của trung tâm nhưng vẫn được “hưởng suất học viên”. Bằng hình thức xây dựng hồ sơ khống.
Theo nguồn tin của chúng tôi, trong dự án có các khoản tiền chi mua đồ dùng, dụng cụ và nguyên liệu phục vụ cho việc học nghề, nhưng thực chất ở đây không có chương trình đào tạo, các học viên chỉ lao động như người thợ, làm ra sản phẩm để tự nuôi sống mình nên trung tâm cũng chẳng phải đầu tư gì. Tuy nhiên, để hợp lý hóa, ông Ngụ đã dùng hóa đơn của Cơ sở Dạy nghề – tạo việc làm cho người khuyết tật, trẻ mồ côi do chính ông làm giám đốc và Cơ sở Dạy nghề cho người khuyết tật Cẩm Xuyên do Phạm Công Trung (cháu ông làm giám đốc) để thanh quyết toán.
Cùng một lúc có nhiều dự án, mở nhiều lớp dạy nghề nhưng không có học viên, buộc lòng ông Ngụ phải lập nên những bộ hồ sơ “ảo”. Ðể qua mắt các nhà tài trợ, các cấp, ngành, trong hồ sơ luôn đầy đủ xác nhận của chính quyền địa phương hoặc các ngành liên quan. Tuy nhiên, chữ ký, con dấu lại là con dấu giả. Ông Ngụ đã chỉ đạo nhân viên quét con dấu của UBND các xã như Thạch Bình, Thạch Vĩnh, Thạch Kênh, Thạch Thắng, Thạch Việt… để sử dụng khi cần. Thậm chí, ngay cả con dấu của Trung tâm Y tế thị xã Hà Tĩnh (nay là TP Hà Tĩnh), ông cũng tự ý “sản xuất” được. Sau mỗi khóa đào tạo nghề, dù thực chất không có học viên nhưng ông vẫn lập danh sách rồi in dấu của các địa phương xác nhận để lập hồ sơ quyết toán. Muốn có học viên khuyết tật theo tiêu chí của dự án, ông chỉ cần dùng mẫu giấy khám sức khỏe của trạm y tế xã, Trung tâm Y tế thị xã Hà Tĩnh rồi “phết” dấu vào là xong.
Cũng với các thủ đoạn như trên, năm 2008, Trung tâm Dạy nghề – tạo việc làm miền trung (do chính ông làm giám đốc) và Cơ sở Dạy nghề – tạo việc làm cho người khuyết tật, trẻ mồ côi đã kêu gọi, sử dụng nguồn vốn do  Hiệp hội Sản xuất kinh doanh của người tàn tật Việt Nam cấp cho công tác đào tạo nghề cho 100 học viên với tổng số tiền là: 724.000.000 đồng (năm 2007 là gần 500 triệu đồng), Trung tâm Khuyến công tỉnh 40 triệu đồng và Dự án cải thiện sự tham gia thị trường cho người nghèo Hà Tĩnh 35 triệu đồng. Với những ma thuật của mình, số tiền nói trên được ông Ngụ sử dụng cho việc riêng.
Rõ ràng, hành vi làm giả con dấu của ông Ngụ đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Ðược biết, bước đầu, tại cơ quan điều tra, ông Phạm Công Ngụ đã khai nhận hành vi làm giả con dấu và những sai phạm về quản lý kinh tế của mình.
Trung tâm Dạy nghề cho người khuyết tật Thành Sen là đơn vị hoạt động nhân đạo. Chính vì hoạt động nhân đạo cho nên nhiều tổ chức xã hội quan tâm và rót tiền tài trợ. Nhưng ông Ngụ đã dùng nguồn tiền nhân đạo cho riêng mình. Ðiều tai hại là niềm tin của những người khuyết tật vào một mái ấm, vào lòng hảo tâm của xã hội đã và đang bị xói mòn. Những người như Hoài vốn đã chịu nhiều bất công của tạo hóa nay lại thêm một lần phải chịu sự ngược đãi của ông Ngụ. Lẽ ra họ phải được hưởng đầy đủ nguồn hỗ trợ, quan tâm của cộng đồng nhưng ngược lại họ đang trở thành nạn nhân của sự lợi dụng để trục lợi. Thậm chí trở thành công cụ cho ông Phạm Công Ngụ thực hiện hành vi phạm tội. Vụ việc này vì vậy cần được xử lý nghiêm.

Hữu Quý và Thăng Long/CANA

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP