Formosa xả thải

Công bố kết quả điều tra ô nhiễm môi trường biển tại Hà Tĩnh

Sau sự cố cá chết hàng loạt vừa qua, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp với các ngành chức năng, tổ chức Hội nghị thông tin kết quả điều tra, đánh giá ô nhiễm môi trường biển.

Sáng nay (26/8) tại Trung tâm Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp với các ngành chức năng, tổ chức Hội nghị Thông tin kết quả điều tra, đánh giá ô nhiễm môi trường biển sau sự cố cá chết hàng loạt vừa qua.

Tham dự hội nghị có các đại diện các bộ, ban, ngành gồm: Bộ TNMT, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cùng các nhà khoa học đầu ngành cùng cơ quan chức năng liên quan tại địa phương Hà Tĩnh.

hatinh24h

Hình ảnh tại hội nghị.

Trước đó, vào sáng 24/8, tại buổi giao ban trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ môi trường, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các ngành, địa phương nhận định cụ thể về những yếu kém trong quản lý nhà nước, làm rõ trách nhiệm của Trung ương, địa phương, không để tình trạng “cha chung không ai khóc”.

“Cứ nói thẳng sự thật, nêu thẳng sự thật và đóng góp cho các cơ quan nhà nước về giải pháp khả thi để giải quyết vấn đề”, Thủ tướng yêu cầu phải nói thẳng, nói thật về sự cố môi trường.

Hội nghị bắt đầu từ 8h sáng, với khoảng 300 đại biểu tham dự. GS.TS Mai Trọng Nhuận (ĐHQGHN) trực tiếp thuyết trình và đưa ra các chỉ số khoa học.

Đang công bố kết quả điều tra ô nhiễm môi trường biển tại Hà Tĩnh - Ảnh 2

GS.TS Mai Trọng Nhuận thuyết trình tại hội nghị

Theo báo cáo, các thông số lý hoá, nhóm hợp chất hữu cơ và tổng Coliform trong nước biển, đều nằm trong ngưỡng cho phép. Riêng các thông số sắt, tổng lượng phenol và xyanua (là nguyên nhân chính gây ra sự cố môi trường) có biến động theo hướng giảm dần.

Đối với sắt, kết quả quan trắc vào tháng 5/2016 có 3,8% số mẫu vượt ngưỡng; đến tháng 6/2016 có 1,8% mẫu vượt ngưỡng.

Hàm lượng Xyanua tháng 5/2016 lớn hơn tháng 6/2016 (giá trị cao nhất là 0,002ug/l). Hàm lượng Phenol trong nước vào tháng 5/2016 hầu như không phát hiện, hoặc phát hiện mức thấp; tháng 6/2016 tăng lên 2,7% mẫu vượt ngưỡng. Đến nay, hàm lượng này, đã giảm xuống dưới ngưỡng.

Đang công bố kết quả điều tra ô nhiễm môi trường biển tại Hà Tĩnh - Ảnh 3

Kết quả đánh giá cho thấy hàm lượng Xyanua trong trầm tích có xu hướng giảm từ tháng 5 đến tháng 6/2016.

Đánh giá về mức độ hải sản vẫn chưa đưa ra các thông số cụ thể. Bộ TN&MT dựa vào số liệu giám sát của Bộ Y tế: Từ 28/4-8/8/2016, kết quả kiểm nghiệm đánh giá mức độ an toàn của các mẫu hải sản lấy tại 4 tỉnh miền Trung cho thấy: Hàm lượng một số chất ô nhiễm trong hải sản đã giảm dần theo thời gian. Trong thời gian tới, Bộ Y tế và Bộ NN&PTNT thực hiện hải sản đánh bắt tại các vùng biển an toàn.

Tuy nhiên, để tiếp tục đánh giá diễn biến chất lượng môi trường, Bộ TN&MT sẽ thực hiện các hoạt động quan trắc, giám sát môi trường biển; đặc biệt giám sát chặt chẽ nguồn phát thải của Formosa.

Tại hội nghị này, nhiều câu hỏi đã được các đại biểu tham dự đặt ra và được các nhà khoa học giải đáp.

Ông Nguyễn Trọng Nhiệu, Trưởng ban pháp chế HĐND tỉnh đặt câu hỏi: “Cái quan tâm nhất là giải pháp xử lý bằng phương pháp nào để sớm làm sạch biển hơn, mà không chỉ phụ thuộc quá trình chuyển hóa của tự nhiên?”.

Cũng với ý này, một đại biểu cho rằng, Nhật Bản đã từng xử lý ô nhiễm môi trường biển, vậy tại sao ta không mời các nhà khoa học của Nhật cùng tham gia xử lý? Nếu không có trở ngại gì lớn thì không thể chờ tự nhiên mà cần áp dụng các tác động kỹ thuật từ bên ngoài?

Trả lời vấn đề này, PSG.TS Trịnh Văn Tuyên, Viện trưởng Viện công nghệ và môi trường, Viện hàn lâm và khoa học công nghệ cho biết, biển có cơ chế tự làm sạch. Cụ thể là hàm lượng sắt, phenol, xyanua, trong quá trình di chuyển sẽ chuyển từ nồng độ cao sang nồng độ thấp, cộng thêm cơ chế đảo trộn tốc độ sẽ nhanh hơn. Ngoài ra trong môi trường nước biển có ô xy nên sẽ có quá trình ô xy hóa, đồng thời có sự phân hủy bằng cả hệ sinh học.

Đang công bố kết quả điều tra ô nhiễm môi trường biển tại Hà Tĩnh - Ảnh 4

PSG.TS Trịnh Văn Tuyên, Viện trưởng Viện công nghệ và môi trường, Viện hàn lâm và khoa học công nghệ trả lời câu hỏi của đại biểu.

GS.TS Mai Trọng Nhuận nói thêm, với môi trường nước, không chất gì làm sạch được và trên thế giới cũng không ai làm. Còn với môi trường trầm tích, hiện nay trên thế giới, những nước tiên phong là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức đã tiến hành xử lý. Tuy nhiên, cái khó nhất chính là bí quyết để đưa thiết bị xuống lấy lớp trầm tích lên mà không làm phát tán ô nhiễm ra các vùng khác, và khi thả lại xuống cũng đảm bảo yêu cầu. Còn khi đã đưa được trầm tích lên bờ thì xử lý rất dễ.

Theo GS Nhuận, các nước trên thế giới đã tiến hành xử lý nhưng với chi phí rất đắt. Nơi có hàm lượng chất ô nhiễm cao càng cao càng đắt, có thể lên tới 2.500 USD/m3. Ông cho rằng, đối với trầm tích cần tiếp tục theo dõi diễn biến về cả không gian và thời gian mới quyết định áp dụng biện pháp xử lý hay không. Còn trước mắt chưa nên áp dụng công nghệ tác động vào trầm tích biển, nếu có phải có đánh giá tác động mới áp dụng đại trà.

Ông nguyễn văn Thanh, Chủ tịch UBND xã Cương Gián (huyện Nghi Xuân) đặt câu hỏi: Các kết quả công bố mới trong phạm vi từ Kỳ Anh đi vào các tỉnh phía Nam, vậy khu vực biển phía Bắc như Nghi Xuân có bị ảnh hưởng không?

GS.TS Mai Trọng Nhuận khẳng định, do dòng chảy đáy có lan tỏa chất ô nhiễm di chuyển từ Bắc tới Nam, còn dòng chảy mặt nước đã được pha loãng nên các địa phương phía Bắc như Nghi Xuân vẫn an toàn sau sự cố.

Có thể thấy, sau cả hai lần công bố kết quả điều tra môi trường biển tại Quảng Trị (ngày 22/8) và Hà Tĩnh hôm nay, dù rất tin tưởng vào kết luận của cơ quan chức năng nhưng các đại biểu và người dân vẫn còn nhiều băn khoăn, trăn trở. Câu hỏi bao giờ có thể yên tâm ăn cá, đánh bắt hải sản ở ngư trường nào an toàn… vẫn đang mong chờ lời giải đáp chính thức sớm nhất từ cơ quan chức năng.

Nhóm PVMT

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP