Nhà lãnh đạo Kim Jong-un tới thăm Bộ Các lực lượng vũ trang nhân dân Triều Tiên hồi đầu năm 2016. |
Trái lại, hôm 6/1, Triều Tiên đã tuyên bố nước này vừa mới thử nghiệm thành công một quả bom nhiệt hạch. Đây là vụ thử hạt nhân lần thứ tư và sở hữu công nghệ tiên tiến nhất từ trước tới nay của Bình Nhưỡng. Song giới chuyên gia lại tỏ ra nghi ngờ về độ chân thật trong tuyên bố của Bình Nhưỡng bởi theo một cựu quan chức Hàn Quốc, khả năng chương trình hạt nhân của Triều Tiên không đảm bảo độ an toàn theo tiêu chuẩn do cắt giảm chi phí sản xuất.
Trước đó, Global Zero, một tổ chức chống vũ khí hạt nhân có tiếng trên thế giới, cũng đã xếp Triều Tiên đứng cuối cùng trong danh sách các nước chi tiêu cho vũ khí hạt nhân hồi năm 2011. Cụ thể, theo Global Zero, Bình Nhưỡng đã chi 700 triệu USD cho chương trình phát triển vũ khí hạt nhân vào năm 2011. Con số này thấp hơn cả Pakistan (2,2 triệu USD). Trong khi đó, số tiền Mỹ chi ra là 61,3 tỷ USD.
Còn theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, chi phí xây dựng trung tâm nghiên cứu khoa học hạt nhân Yongbyon, cơ sở hạt nhân lớn nhất của Triều Tiên, là từ 600 – 700 triệu USD hồi năm 2012. Trong đó, lò phản ứng cỡ nhỏ tại Yongbyon, được xây dựng từ năm 1979 dựa trên công nghệ của Liên Xô cũ, cũng chỉ sản xuất được 5 megawat điện hạt nhân.
“Thực tế, số tiền mà Triều Tiên bỏ ra là khá nhỏ. Trong khi người lao động lại phải làm việc không công. Ngoài trừ một số linh kiện quan trọng buộc phải nhập khẩu, những thiết bị còn lại Bình Nhưỡng tự sản xuất”, ông Kim Min-gyu, cựu quan chức ngoại giao Triều Tiên từng làm việc tại đại sứ quán Triều Tiên ở Moscow chia sẻ với Reuters.
Để chi trả số tiền mua linh kiện từ nước ngoài đối với Triều Tiên là điều không hề dễ dàng bởi theo ngân hàng trung ương Hàn Quốc, tổng giá trị kinh tế của quốc gia láng giềng chỉ đạt 28,4 tỷ USD trong năm 2014.
Do đó, Bình Nhưỡng đã tìm cách tích lũy nguồn ngoại tệ mạnh bằng cách làm hàng giả, đơn phương phá vỡ hợp đồng, bán linh kiện tên lửa cho các nước vùng Trung Đông và xuất khẩu lao động. Ngoài ra, sự bùng nổ của hoạt động thương mại tư nhân sau nạn đói thập niên 90 cũng đã giúp Triều Tiên có thêm nguồn thu ngoại tệ mới. Thậm chí, những thương gia giàu có hay còn được goi là “ông chủ lắm tiền” cũng thường bị chính phủ Triều Tiên áp đặt thu thuế để chi trả cho chương trình phát triển hạt nhân.
“Sau 3 cuộc thử nghiệm hạt nhân đầu tiên, những ông chủ lắm tiền bị buộc tội ‘chống lại chủ nghĩa xã hội’ do đó tài sản của họ bị nhà nước sung công”, website Daily NK của Hàn Quốc cho hay.
Bên cạnh đó, sản lượng xuất khẩu khoáng sản mà chủ yếu là than đá của Triều Tiên trong năm 2015 cũng đã đạt hơn 1 tỷ USD. Trong đó, Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại chính của Bình Nhưỡng.
Còn theo báo cáo của Viện Các Quân chủng Thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI) tại London, bất chấp lệnh trừng phạt, Triều Tiên vẫn bán các loại vũ khí nhỏ cho những khách hàng không thể tìm kiếm đối tác cung cấp ngoài Bình Nhưỡng.
Ngoài ra, theo Trung tâm dữ liệu về nhân quyền tại Triều Tiên đặt trụ sở ở Seoul, Bình Nhưỡng đã thu lời từ 200 – 300 triệu USD/năm khi xuất khẩu lao động sang thị trường Ba Lan và Mông Cổ. Tuy nhiên, theo cựu chuyên gia ngoại giao Kim Min-gyu, tiền lương của người lao động thường được sử dụng để hỗ trợ cho nền kinh tế của Bình Nhưỡng thay vì đầu tư cho chương trình hạt nhân.
Nội dung được thực hiện qua thảm khảo nguồn tin Reuters (Anh), một trong những hãng tin lớn nhất thế giới. Reuters cung cấp bài viết, hình ảnh, đồ họa và video cho rất nhiều tờ báo, đài phát thanh, đài truyền hình, Internet và các phương tiện truyền thông khác trên toàn thế giới.