Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thăm Viện Công nghệ Sinh học Bình Nhưỡng năm 2015. Ảnh: Yonhap. |
"Có thể bệnh than và đậu mùa đang được dùng làm vũ khí sinh học", Radio Free Asia tuần trước dẫn lại một báo cáo của Trung tâm Belfer, thuộc Trường Hành Chính Kennedy, đại học Havard. Binh sĩ Triều Tiên được tiêm vắc xin chống đậu mùa và lính Mỹ tại Hàn Quốc cũng được tiêm phòng đậu mùa và bệnh than.
Triều Tiên được cho là có 13 loại vi khuẩn, trong đó có loại gây ra ngộ độc thịt (botulism), tả, các nhà nghiên cứu cho biết. Phương tiện lan truyền có thể bao gồm các tên lửa, máy bay, thiết bị bay không người lái, bình xịt. Báo cáo cho rằng Triều Tiên có thể sử dụng người trung gian truyền bệnh khi nước này có 200.000 thành viên lực lượng đặc nhiệm.
Khó khăn trong việc xác minh năng lực sản xuất vũ khí sinh học của Triều Tiên một phần bắt nguồn từ công năng sử dụng kép của thiết bị và cơ sở chế tạo vũ khí.
"Trong khi các chương trình hạt nhân có thể được theo dõi bằng số vụ thử hạt nhân và sự thành công của các vụ phóng tên lửa, việc vũ khí hóa, nuôi cấy vi khuẩn có thể được giữ bí mật", các nhà nghiên cứu giải thích. "Hơn nữa, thiết bị chế tạo vũ khí sinh học thường được dùng với mục đích nông nghiệp, khiến việc theo dõi từ bên ngoài và xác minh là điều gần như bất khả thi".
Viện dẫn lời kể của những người đào tẩu khỏi Triều Tiên, báo cáo cho rằng nước này sử dụng người để thử nghiệm các vũ khí hóa học và sinh học.
Nghị quyết 1540 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc được thông qua năm 2004 nhằm ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân, hóa học và sinh học. Nó duy trì khuôn khổ đánh giá và xem xét hàng năm.
Tác giả: Trọng Giáp
Nguồn tin: Báo VnExpress