Cơ sở hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên trước khi tháp làm mát bị phá hủy (Ảnh: Yonhap) |
Reuters dẫn báo cáo của Tổng giám đốc IAEA Yukiya Amano gửi Ban Giám đốc IAEA ngày 22/11 cho biết các thiết bị dường như đã được đưa vào một lò phản ứng nước nhẹ đang được xây dựng tại Yongbyon - cơ sở hạt nhân chính của Triều Tiên và là nơi bị nghi cung cấp nguyên liệu phân hạch để chế tạo bom hạt nhân.
“Tại lò phản ứng nước nhẹ, IAEA đã quan sát thấy các hoạt động phù hợp với việc chế tạo các thiết bị của lò phản ứng và vận chuyển các thiết bị này vào khu nhà của lò phản ứng”, giám đốc IAEA cho biết trong thông báo.
Ngoài ra, IAEA cũng phát hiện Triều Tiên dường như tiếp tục tiến hành các hoạt động ở khu vực sông Kuryong gần lò phản ứng nước nhẹ. Năm ngoái Triều Tiên đã xây đập trên con sông này để tăng cường nguồn cung cấp nước cho hoạt động làm mát lò phản ứng nước nhẹ và một lò phản ứng thử nghiệm với công suất lên tới 5 Megawatt.
“Các hoạt động khác cũng được nhìn thấy gần sông Kuryong. Những hoạt động này có thể liên quan tới việc thay đổi hạ tầng làm mát tại lò phản ứng 5 Megawatt và lò phản ứng nước nhẹ”, báo cáo của IAEA cho biết.
IAEA vẫn chưa có cơ hội tới Triều Tiên thị sát các cơ sở hạt nhân từ năm 2009 và cơ quan này chủ yếu giám sát các hoạt động tại Triều Tiên thông qua ảnh vệ tinh. Theo Reuters, báo cáo của IAEA tiếp tục là dấu hiệu cho thấy Triều Tiên dường như vẫn đang thúc đẩy các hoạt động liên quan tới chương trình hạt nhân của nước này, bất chấp sức ép từ Mỹ và cộng đồng quốc tế.
Tại cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hồi tháng 6 tại Singapore, hai nước đã cam kết có các bước đi để phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên. Tuy vậy, cho tới nay, các cuộc đàm phán vẫn đang bị đình trệ và Triều Tiên cũng không có nhiều tiến triển đáng kể trong việc thực hiện cam kết phi hạt nhân hóa.
Mỹ - Hàn giảm quy mô tập trận
Trong một động thái nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nỗ lực ngoại giao với Triều Tiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis ngày 21/11 thông báo Mỹ sẽ giảm quy mô cuộc tập trận chung thường niên mang tên “Đại bàng non” với Hàn Quốc.
"Tập trận Đại bàng non sẽ được điều chỉnh lại để có thể duy trì ở mức độ không gây tổn hại cho quan hệ ngoại giao", Japan Times dẫn lời Bộ trưởng Mattis tuyên bố.
Tập trận Đại bàng non là một trong những cuộc tập trận có quy mô lớn nhất của liên minh Mỹ - Hàn với sự tham gia của khoảng 11.500 binh sĩ Mỹ và 290.000 binh sĩ Hàn Quốc, bao gồm các nội dung của lực lượng hải, lục, không quân và đặc nhiệm. Cuộc tập trận này thường được tổ chức đồng thời với cuộc tập trận mô phỏng trên máy tính mang tên Giải pháp then chốt với sự tham gia của 12.200 binh sĩ Mỹ và 10.000 binh sĩ Hàn Quốc vào năm 2017.
Mỹ và Hàn Quốc đã dừng 4 cuộc tập trận chung quy mô lớn gần đây trên bán đảo Triều Tiên mặc dù đây đều là những hoạt động quân sự được lên kế hoạch từ trước. Bình Nhưỡng từ lâu đã chỉ trích các cuộc tập trận này, xem đây là kịch bản của liên minh Mỹ - Hàn nhằm chuẩn bị tấn công Triều Tiên.
Tác giả: Thành Đạt
Nguồn tin: Báo Dân trí