Quê hương thầy Trần Quốc Nghệ ở bên dòng sông Ngàn Phố của Hà Tĩnh, nhưng xứ Huế lại là nơi thầy theo học suốt từ cấp I đến lúc thi tú tài tại Trường Khải Định (nay là Trường Quốc Học).
Thân phụ của thầy đậu cử nhân năm 25 tuổi dưới triều Nguyễn; hồi cụ Phan Bội Châu bị giam lỏng trên dốc Bến Ngự, mỗi khi có dịp đến đàm đạo chuyện văn chương thế sự với cụ Phan, ông thường cho thầy đi theo. Vì thế thầy sớm hiểu trách nhiệm và lẽ sống của kẻ sĩ trong cuộc đời, háo hức muốn được thể hiện lòng yêu nước của mình, dù có khi đó chỉ là việc đánh dằn mặt mấy đứa “Tây con” hỗn láo.
Cũng từ đó thầy nổi danh ở Huế, nhất là khi thầy trở thành nhà vô địch quyền anh hạng lông của Trung kỳ. Chuyện thầy đêm khuya vượt tường rào khu nội trú Trường Khải Định ra phố trừng trị những tên “culít” (cảnh sát) ức hiếp dân lành không phải là chuyện hiếm. Thế nên có người đã gắn cho thầy biệt danh “Le Terreur de Hue” (Kẻ gây kinh hoàng xứ Huế). Sau này, khi dạy học ở Vinh, thầy đã cho tên phó sứ Pháp một bài học ngay trong một buổi lễ ở trường.
GS Hà Học Trạc viết: “Thầy tuy chỉ là một giáo viên trung học… nhưng qua tự học, tự bồi dưỡng, thầy xứng đáng được xếp vào danh sách những người VN có kiến thức uyên bác về tiếng Pháp và văn học Pháp ở nước ta…”.
Thật ra, từ những năm 1980 – 1990, thầy còn dạy văn học phương Tây, dạy tiếng Pháp, tiếng Anh tại các trường Đại học Sư phạm Vinh, Đại học Tổng hợp, Bách khoa, Y, Dược, Nông nghiệp Hà Nội cho các giáo viên chuẩn bị đi làm chuyên gia ở nước ngoài.
Tự học, tự bồi dưỡng mà thành tài được như thầy Nghệ hẳn phải là rất công phu, nhưng GS Hà Văn Tấn khi tôn vinh thầy Nghệ “siêu giỏi” lại ghi nhớ bài học quí nhất của thầy là kiểu tư duy độc lập. GS Hà Văn Tấn viết: “Một hôm thầy đến thăm tôi và nói rằng: “Tấn ạ, không phải tất cả những câu của Khổng Tử đều không thể thêm bớt…”.
Trong qua trình học tập, nghiên cứu của tôi, tôi đã cố gắng rèn luyện kiểu tư duy đó. Trước mọi vấn đề, bao giờ tôi cũng hết sức tìm tòi một nhận xét không giống ai, của riêng mình. Tôi dần dần nhận ra đó chính là ảnh hưởng của thầy Trần Quốc Nghệ… Tôi đã từng làm việc với nhiều nhà thông thái nhưng chưa bao giờ gặp một bộ óc uyên bác như thầy.
Chính vì vậy mà tôi mới gọi thầy là “siêu giỏi”… Những buổi nói chuyện không chỉ cung cấp cho tôi những kiến thức uyên bác của thầy mà hơn thế, qua các câu chuyện đó đã dạy cho tôi đạo lý làm người…”.
Một người thầy được các học trò danh tiếng như danh sách vừa nêu tôn vinh là “siêu giỏi”, “một nhân cách lớn”, “thanh cao mà bình dị”… thì có thể nói đó là sự “bảo đảm bằng vàng” cho một tấm gương đáng để những thế hệ sau noi theo.
(Theo Di cảo và hồi ức, NXB Hà Nội, 2005)