Văn Hoá Hà Tĩnh

Trăm sông về bể Đông…

Khái niệm địa – chính trị biển cận duyên là cách mà các nhà nghiên cứu gọi tên vùng biển và đất liền chạy dọc bờ biển. Ở đó, có sự kết hợp hữu cơ giữa đánh bắt cá, săn bắt thu lượm và canh tác nông nghiệp. Tính lưỡng nguyên ấy tạo nên những nét đặc sắc trong văn hóa biển ở Việt Nam nói chung. Khởi thủy, cư dân tập trung bên triền sông, hình thành các làng vạn chài tồn tại lâu đời trong lịch sử. Kết quả khảo cổ học ở các di chỉ: Phôi Phối – Bãi Cọi (Nghi Xuân), Thạch Lạc, Phái Nam (Thạch Hà) mà tập trung chủ yếu là các cồn sò điệp đã khẳng định sự có mặt của người Việt cổ trong quá trình di cư theo xu hướng lấn dần ra biển, hình thành cộng đồng, cùng tổ chức sản xuất. Chẳng phải vậy mà bữa cơm cổ truyền với mô hình “cơm tẻ – cá – rau” đã trở thành bữa ăn quen thuộc của con người cả trong quá khứ và hiện tại.

Các di chỉ khảo cổ học đã chứng minh Hà Tĩnh là vùng đất cổ. Theo các triền sông, cư dân xưa đã di cư từ Tây sang Đông, hướng nhìn ra bể cả. Từ đó, sông vẫn trôi, cửa lạch vẫn lở bồi, con người vẫn kiên nhẫn tạo dựng nên làng, loang rộng, giãn ra, hình thành cộng đồng dân cư bền chặt. Cũng vì thế, theo dải đồng bằng ven biển, cư dân đã tạo nên những sinh hoạt văn hóa – tín ngưỡng theo phong cách biển cận duyên.
Trăm sông về bể Đông...
Một vùng Cửa Nhượng. Ảnh: Hương Thành

Với địa hình hẹp, nghiêng từ Tây sang Đông, Hà Tĩnh ngày trước có nhiều sông, cửa sông (cũng là cửa bể), nhưng theo sóng lở bồi và sự sinh sôi của đất, các con sông số bị lấp dần, số đổi dòng hợp chung một ngả. Các tài liệu lịch sử cho rằng, ở Kỳ Ninh (Kỳ Anh) ngày xưa có 3 cửa sông, nay chỉ còn Hải Khẩu; ở Can Lộc, sông Nghèn mở ra cửa Bình Lộc, Thiên Lộc, nay chỉ còn lại Cửa Sót. Nhiều sông, lắm suối và khe lạch, nhưng Hà Tĩnh hiện chỉ còn 4 cửa sông: Cửa Hội, Cửa Sót, Cửa Nhượng, Cửa Khẩu. 4 hải khẩu tưởng là ngăn chia các vùng nhưng lại có sự đan kết, gắn liền trong tổ chức đời sống cũng như sinh hoạt văn hóa, mà cụ thể là tín ngưỡng thờ nhân thần, thiên thần, nhiên thần (tiêu biểu là thờ cá ông, tức đền Ông, đền Cậu, đền Cô), các lễ hội cầu ngư, đua thuyền, sinh hoạt hò, đối đáp trên sông. Điều đó phản ánh một quá trình sôi động trong lịch sử, gắn với sự di chuyển bằng đường sông và ven biển – đường giao thông trọng yếu ngày trước.

Cửa Hội (tức cửa Đan Nhai, cửa Hội Thống) là nơi đổ về của sông Ngàn Cả với 600 km từ miền rừng qua đồng bằng trung du. Lịch sử Hà Tĩnh (NXB Chính trị quốc gia, năm 2001, tập 1) chép: “Nơi đây (tức Hội Thống) là một khu vực đô hội, dân cư đông đúc, trên bộ, dưới sông phong cảnh hữu tình, buôn bán phát triển (…). Sự phát triển kinh tế và giao thương buôn bán, nhất là từ thế kỷ XIII góp phần gắn bó các cư dân cùng quê hương mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển văn hóa trong vùng”. Một số tư liệu khác chép rằng, trên dòng sông ấy, vào thế kỷ XVII, có thuyền thương gia Nhật bị đắm. Di chỉ ở vùng đất này cũng tìm thấy nhiều mảnh gốm sứ thuộc các triều Lý, Trần, Lê có các mẫu vật Trung Hoa, Nhật Bản. Những chứng cứ ấy đã đưa đến giả thuyết về một con đường tơ lụa trên biển Đông ở Hà Tĩnh, mà trước hết là từ Cửa Hội đi về bến đò/ phố cổ Phù Thạch xưa, thuộc địa phận xã Vĩnh Đại, tổng Thịnh Quả, huyện La Sơn (nay là xã Đức Vịnh, Đức Thọ). Ở lưu vực sông, người dân Kẻ Hội được gọi là dân tứ chiếng, đến từ Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An. Bởi vậy, giọng nói nơi đây có sự pha trộn, dễ nghe hơn giọng thuần của vùng Nghi Lộc (từ cuối thường phát ngôn theo thanh nặng). Sinh sống lâu năm, gắn với sản xuất, khai thác hải sản và buôn bán, người dân nơi đây đã lập đền thờ các vị thần có công với dân, với nước (đình thờ Tô Hiến Thành, Lý Nhật Quang, đền Đô Thống…), thờ cá ông (đền Ông), thần nông… Cũng như các vùng gần cửa sông khác, người dân đã cùng nhau hình thành lễ hội như: cầu ngư, rước đồ mã, kỳ yên…

Cách Cửa Hội chừng 20 km là Cửa Sót. Đó là nơi hợp lưu của sông Nghèn, sông Cày và Rào Cái, chia đôi địa bàn Thạch Đỉnh, Thạch Bàn, núi Nam Giới và Hộ Độ, Mai Phụ, Thạch Châu, Thạch Kim thành hai bờ tả – hữu. Sông Sót đổi dòng cách đây nhiều thế kỷ là chuyện ít biết đối với nhiều người, đặc biệt là du khách. Trước kia, sông Sót chảy phía Nam núi Nam Giới, thuộc địa phận xã Dương Luật cũ (Thạch Hải). Tên “Nam Giới” với ý nghĩa biên giới phía Nam (biên giới Việt – Chiêm) được ra đời từ đó. Sách cũ chép, có thời Cửa Sót tấp nập như một cảng lớn, có nhiều tàu buôn nước ngoài và tàu thuyền của lái buôn, ngư dân ngược về các nhánh sông Cày, sông Nghèn, Rào Cái. Cuộc sống khi đó còn vất vả, bến sông Sót trở thành nơi kiếm sống của người dân, mà nổi tiếng là hai làng vạn Kỳ Xuyên, Lạc Thủy, nay thuộc xã Thạch Kim (Lộc Hà). Cùng với nghề đánh bắt thủy, hải sản, người dân còn tận dụng bãi bồi ven biển làm muối và truyền từ đời này qua đời khác. Sông Sót nhưng chẳng ai quên. Không chỉ tập quán canh tác, sinh sống mà còn là các hình thức tín ngưỡng. Cùng với đền thờ Lê Khôi (nhân thần), thờ các vị thánh, thờ cá Ông, cư dân đã hình thành lễ hội, tiêu biểu là lễ hội đua thuyền mà hàng năm vẫn được người dân 2 huyện Thạch Hà – Lộc Hà cùng nhau tổ chức.

Trên đất Cẩm Xuyên, sông Họ, sông Quèn và sông Rác đã hợp lưu đổ về Cửa Nhượng. Trước đây, Cửa Nhượng gọi là cửa Kỳ La. Vào cuối đời Lê, đầu Nguyễn, do biến động tự nhiên, sông đổi dòng, cửa bể từ Đông bắc lùi về Đông nam, chảy qua làng Nhượng Bạn nên gọi là Cửa Nhượng. Đây là vùng non nước kỳ thú với núi Thiên Cầm (đàn trời), chùa Cầm Sơn, với cụm rú Đầu Voi… Người xưa thường hò: “Cá Cửa Nhượng, khoai mục bài/ Khuyên em về huyện Cẩm, kẻo một mai tiếc thầm” như một niềm tự hào về vùng quê giàu truyền thống. Vẻ đẹp thiên nhiên ban tặng và sự chắt chiu tình cảm của con người đã làm nên điểm dừng chân lý thú của tao nhân, ngày nay đã trở thành khu du lịch nổi tiếng. Trước khi lập làng, cư dân Nhượng Bạn thưa thớt, chủ yếu sống trên thuyền, lênh đênh trên mặt nước. Bởi vậy, họ đã hình thành lễ hội cầu ngư mong cho biển yên, nhiều cá. Ngày nay, dẫu đời sống có nhiều tiến bộ, nhưng với tâm thức hướng về nguồn, cư dân vẫn duy trì tín ngưỡng hàng năm (vào ngày 8/4 âm lịch).

Trăm sông về bể Đông...

Lễ hội đền Chiêu Trưng ở Cửa Sót. Ảnh: Trần Hướng

Theo vệt đồng bằng từ Bắc vào Nam, Cửa Khẩu khép lại địa bàn Hà Tĩnh như một điểm chỉ giới với phía bên kia Đèo Ngang. Theo nhà nghiên cứu Thái Kim Đỉnh, đây là cửa bể quan trọng ở Nam Đại Việt. Cửa Khẩu vốn là tên gọi tắt của Kỳ Hoa hải khẩu (cửa biển Kỳ Hoa), thuộc địa phận xã Hải Khẩu (nay là Kỳ Ninh). Sông Kinh từ phía Bắc, sông Trí từ phía Tây và sông Quyền từ phía Nam tạo thành một vũng nhỏ dài khoảng 10 km, gọi là sông Cửa Khẩu hay sông Vịnh. Vì thế mới có câu: Cá lui về sông Vịnh, chim ngược ngàn kiếm đôi. Cũng như các cửa sông khác trên địa bàn Hà Tĩnh, Cửa Khẩu trước đây đi về phía Bắc, gần núi Đọ, nay đã chuyển về phía Nam, mé rú Voong. Đây là nơi từng diễn ra nhiều sự kiện quan trọng trong lịch sử. Từ thời thuộc nhà Tùy, thời Lý, Lê, Trịnh – Nguyễn, nhiều cuộc hành quân, tiến đánh của tướng lĩnh An Nam chinh phạt Chiêm Thành đến cướp phá, cũng như các cuộc nội chiến tang thương đã diễn ra. Cư dân thường kể cho nhau nghe về huyền tích Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu (còn gọi là bà Hải) và đã lập đền thờ. Hàng năm, người dân luôn kính cẩn, chu đáo tổ chức lễ hội đền và duy trì tục dâng bánh chưng ngày tết.

Không chỉ ở Cửa Khẩu mà tất cả các cửa sông trên địa bàn Hà Tĩnh ngày trước đều là nơi giao tranh ác liệt của các đội quân. Điều này không có gì khó hiểu khi đường thủy ngày trước là con đường chiến lược. Cùng với cửa sông, các cánh quân thường đi theo đường biển gần bờ. Vì thế, các cuộc chiến tranh như An Nam – Chiêm Thành, Trịnh – Nguyễn đã diễn ra nhiều nơi trên cửa sông như Cửa Hội, Cửa Khẩu, Cửa Sót. Tiêu biểu như trận nội chiến ác liệt (Trịnh – Nguyễn) diễn ra từ Cửa Sót đến dọc sông Sót, Rào Cái vào tháng 5/1656. Chịu đựng nhiều phen khốn khổ, nhân dân đã ứng tác bằng ca dao: “Giặc ra, thuyền chúa lại vào/ Cửa nhà lại đổ, hầm hào lại xây”.

Nếu ngày trước, sống gần cửa sông và ven biển, cư dân hầu như chỉ biết đến những chiếc thuyền thô sơ và dồn tụ trong làng, thì ngày nay, đất nước phát triển, hạ tầng được đầu tư nhiều, người dân ngày càng tiến bộ. Không chỉ đánh bắt ven bờ, quanh các cửa sông, với sự hỗ trợ của Nhà nước, cư dân đã thực hiện nhiều chuyến đi dài ngày ra khơi xa, vừa đánh bắt hải sản, vừa bảo vệ ngư trường, giữ gìn biển đảo. Cư dân còn tung cánh muôn phương, đem hồn ta để hiểu hồn người khắp mọi địa phương trong cả nước, nhờ đó, các vùng quê ven biển đã thay da, đổi thịt từng ngày.

Sông đổ về biển, mọi ngả đường đều về mẹ biển Đông. Không chỉ là Bắc và Nam, cha ông còn hướng theo chiều Tây sang Đông như hành trình vươn ra biển cả. Ngày trước, biển là nỗi khát thèm chinh phục, là nơi thể hiện nghị lực kiên gan trước thế lực thiên nhiên. Ngày nay, biển là hiện thực của khát vọng, là nơi đất nước ta vươn ra, hòa nhập bể cả mênh mông của nhân loại. Thành tựu văn hóa biển cận duyên của vùng Hà Tĩnh với tập quán canh tác, sinh hoạt, lễ hội đã là hành trang, là sức mạnh để các chuyến ra khơi bám biển vững bền. Dẫu tự nhiên có biến động như cửa sông đã đổi dòng, ngàn đời những con sông trên đất Việt vẫn đổ về biển, ngàn đời người Việt Rồng Tiên vẫn hướng về cha Lạc Long Quân cùng 50 con trong hành trình mở cõi.

Nguyễn Mạnh Hà

  Từ khóa: Trăm sông , bể Đông

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP