Khái niệm địa – chính trị biển cận duyên là cách mà các nhà nghiên cứu gọi tên vùng biển và đất liền chạy dọc bờ biển. Ở đó, có sự kết hợp hữu cơ giữa đánh bắt cá, săn bắt thu lượm và canh tác nông nghiệp. Tính lưỡng nguyên ấy tạo nên những nét đặc sắc trong văn hóa biển ở Việt Nam nói chung. Khởi thủy, cư dân tập trung bên triền sông, hình thành các làng vạn chài tồn tại lâu đời trong lịch sử. Kết quả khảo cổ học ở các di chỉ: Phôi Phối – Bãi Cọi (Nghi Xuân), Thạch Lạc, Phái Nam (Thạch Hà) mà tập trung chủ yếu là các cồn sò điệp đã khẳng định sự có mặt của người Việt cổ trong quá trình di cư theo xu hướng lấn dần ra biển, hình thành cộng đồng, cùng tổ chức sản xuất. Chẳng phải vậy mà bữa cơm cổ truyền với mô hình “cơm tẻ – cá – rau” đã trở thành bữa ăn quen thuộc của con người cả trong quá khứ và hiện tại.