Dịp hè năm 2007, khi còn là sinh viên năm 2 Trường Đại học Vinh, chị Võ Thị Mai Phương (người Phú Yên, quê gốc Nghệ An) tình cờ vào thăm người thân đúng dịp thị xã Hà Tĩnh công bố quyết định lên thành phố. Do không có nhiều thời gian để đi sâu khám phá nên chị chỉ quan tâm đến bộ mặt bên ngoài của một đô thị loại 3 nhưng ấn tượng mà thành phố trẻ để lại không nhiều bởi không gian nhỏ hẹp, đường sá thưa thớt, nhất là thiếu vắng các điểm sinh hoạt đời sống tập trung.
Bây giờ, khi đã là giảng viên Anh ngữ Trường Đại học Hà Tĩnh, gắn bó với mảnh đất này gần 1 năm, không ai khác, chị Phương là người cảm nhận rõ nhất những đổi thay chóng mặt của Thành Sen nhỏ bé năm nào. Thành phố trẻ đã có đại lộ Xô Viết Nghệ Tĩnh thênh thang 70m; đường Hàm Nghi sáng rực ánh đèn chạy dài như bất tận; đường Nam Cầu Cày kéo dài đến cầu Thạch Đồng phá tan màn đêm tĩnh lặng của những vùng ngoại ô; vùng Bắc Nguyễn Du vốn yên bình nay đã thành khu đô thị mới sầm uất xen lẫn các khu cao ốc văn phòng của một trung tâm hành chính mới; vùng Tây Nam Trần Phú im lìm ngày nào giờ đã thành khu đô thị Sông Đà trù phú…
Đáng chú ý nhất phải kể đến Ngã ba Phan Đình Phùng nay nhộn nhịp bội phần với tổ hợp cao ốc thương mại – dịch vụ khách sạn 15 tầng BMC thỏa thuê đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân Hà Tĩnh cũng như nhu cầu lưu trú cao cấp của các phái đoàn quốc tế.
Là Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Tĩnh phụ trách lĩnh vực kinh tế – đô thị nên hơn ai hết, ông Trương Tiến Hương hiểu rõ quá trình xây dựng kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị Thành Sen. Phó Chủ tịch Hương cho biết: Nằm trong vùng kinh tế Bắc Trung bộ theo Nghị quyết 39/NQ-TƯ của Bộ Chính trị, nơi cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho khai thác Mỏ sắt Thạch Khê và Khu công nghiệp cảng biển nước sâu Vũng Áng, thành phố luôn xác định việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng là nhiệm vụ trọng tâm, cần ưu tiên chỉ đạo trong việc phát triển KT-XH.
Theo ông Hương, thời gian qua, thành phố đã tranh thủ tối đa việc thu hút đầu tư của các nhà tài trợ nước ngoài (dự án cải thiện môi trường đô thị miền Trung vốn ADB, dự án HIRDP vốn OPEC, dự án nhà máy xử lý rác thải vốn Vương quốc Bỉ…) cũng như tranh thủ tốt sự hỗ trợ từ cấp trên gắn với huy động sức dân để huy động các nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị. Bên cạnh đó, thành phố đã có cơ chế quản lý, khai thác quỹ đất hợp lý thông qua đấu giá hoặc giao đất sát giá thị trường nhằm tạo điều kiện có các địa phương tăng nguồn thu ngân sách tạo điều kiện phát triển kết cấu hạ tầng trong khu dân cư.
Đại lộ Xô Viết Nghệ Tĩnh – Một trong những công trình hạ tầng trọng điểm được đầu tư trên địa bàn thành phố trong thời gian qua
Với cơ chế hỗ trợ, khuyến khích đầu tư thỏa đáng như: xây dựng đường giao thông được ngân sách thành phố hỗ trợ tối đa đến 70% giá trị công trình đối với các phường và 40% giá trị quyết toán công trình đối với các xã; kiên cố hóa kênh mương được ngân sách thành phố hỗ trợ 80% giá trị công trình đối với các phường và 50% đối với các xã; hỗ trợ lát vỉa hè, xây dựng hội quán, trường học và các công trình dân sinh khác…, hàng năm, thành phố đã huy động trong dân từ 30 – 40 tỷ đồng để phát triển kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống tinh thần cho đại bộ phận người dân.
Cũng theo lãnh đạo UBND thành phố Hà Tĩnh, một nguồn lực quan trọng khác mà địa phương tập trung trong thời gian qua là thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước. Đến nay, đã có 20 doanh nghiệp đăng ký và khởi công các dự án, trong đó nhiều dự án phát triển hạ tầng không chỉ góp phần tô điểm bức tranh chung của thành phố mà còn nâng cao giá trị từ đất như: Trung tâm thương mại BMC, Khách sạn Sailing Tower, Tòa nhà điều hành 7 tầng Viettel, Trung tâm thương mại – dịch vụ và căn hộ TECCO, Khu đô thị mới Hàm Nghi, Khu dân cư đô thị HUD, Khu đô thị MBC – Nam Cầu Phủ, trụ sở các Ngân hàng thương mại Vietcombank, BIDV, Vietinbank…
Ông Trần Ngọc Thơ – Trưởng Ban Bồi thường GPMB, hỗ trợ tái định cư thành phố Hà Tĩnh cho biết: “5 năm qua, thành phố có 188 dự án được phê duyệt với tổng diện tích bị ảnh hưởng gần 1,93 triệu m2 đất; số hộ bị ảnh hưởng 5.477 hộ, trong đó 190 hộ phải di dời tái định cư. Tổng số tiền bồi thường GPMB trên 577 tỷ đồng”.5 năm huy động trên 3.500 tỷ đồng cho việc xây dựng kết cấu hạ tầng thành phố thực sự là con số biết nói. Dẫu chưa thật sự đồng bộ nhưng phải khẳng định rằng, đô thị Thành Sen giờ đã khang trang, sạch đẹp hơn với 95 km đường giao thông cứng, 56 km kênh mương tiêu thoát bẩn, 46 nhà hội quán, cơ bản hoàn thành lát vỉa hè và lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng trên các tuyến đường chính được xây dựng trong 5 năm qua…
Chưa dừng lại ở đó, chính quyền thành phố đang trăn trở để đổi mới cơ chế chính sách, giải pháp thực hiện nhằm tạo thêm các nguồn lực cả trong lẫn ngoài cho mục tiêu tiến lên đô thị loại 2 vào năm 2015.
Để thực hiện tốt mục tiêu đó, trước mắt, thành phố xác định phải làm tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, tiếp tục xây dựng, điều chỉnh quy hoạch các khu đô thị mới; triển khai lập quy hoạch chung thành phố và dải đô thị ven biển Hà Tĩnh để vừa tạo thuận lợi cho việc quản lý vừa thu hút đầu tư. Cùng đó, thành phố sẽ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phù hợp với nền kinh tế đô thị, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị; đa dạng hóa việc huy động nguồn lực từ ODA, vốn tạm ứng kho bạc nhà nước, ngân sách thành phố, vốn huy động trong dân và các doanh nghiệp…
Hải Xuân
Báo Hà Tĩnh