Trong nước

Tổng thống Nga Putin là người đầu tiên gợi ý Việt Nam tổ chức APEC 2017

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, năm 2012, được sự gợi ý của Tổng thống Nga Putin, Việt Nam đã ra thông báo và đề xuất việc đăng cai APEC năm 2017. Theo Phó Thủ tướng, đây là APEC thành công nhất trong 10 năm qua, với sự tham dự của hầu hết lãnh đạo các nền kinh tế.

Chiều 13/11, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã có những trao đổi sau Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC).

Vì sao Việt Nam đăng cai APEC 2017?

Theo Phó Thủ tướng, người “khởi xướng” cho việc đăng cai tổ chức Năm APEC Việt Nam 2017 là Tổng thống Nga Putin.

“Năm 2012, được sự gợi ý của Tổng thống Putin, Việt Nam đã ra thông báo và đề xuất đăng cai tổ chức Năm APEC 2017. Đề xuất của Việt Nam đã được chấp thuận ngay sau đó” - Phó Thủ tướng khẳng định.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Nga Putin tại Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 vừa diễn ra tại Đà Nẵng.

Vì sao Việt Nam chọn đăng cai vào năm 2017?

Trả lời câu hỏi này, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nêu lên nhiều lý do mang ý nghĩa về chiến lược trong chính trị, kinh tế và ngoại giao.

Đầu tiên là chủ trương từ Đại hội XIX của Đảng nêu rõ tích cực và phát huy vai trò vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Năm 2017 có những ý nghĩa lớn, bởi đó là nền tản để APEC năm 2020 sẽ hoàn thiện các mục tiêu Bo-go theo như đã đề ra. Tại APEC 2017 đã đưa ra tầm nhìn, đưa được những vấn đề chung của APEC cho giai đoạn sau 2020.

“Các nước lúc đầu không sốt sắng với ý kiến của Việt Nam về những vấn đề sau 2020, nhưng Việt Nam nêu quan điểm sau 2020 là giai đoạn mới của APEC, những vấn đề thảo luận đều cần đề cập trong các văn kiện...” - Phó Thủ tướng nói.

Đặc biệt, người đứng đầu ngành ngoại giao Việt Nam tiết lộ, chọn năm 2017 đăng cai APEC vì đó là thời điểm trên thế giới có nhiều sự thay đổi về đội ngũ lãnh đạo, việc tổ chức năm 2017 là năm đầu nhiệm kỳ của các nhà lãnh đạo mới. Đúng như dự kiến, 10 nền kinh tế APEC đã có sự thay đổi về đội ngũ lãnh đạo và Việt Nam khẳng định tiếp tục hợp tác.

“Tổng Bí thư - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngay sau Đại hội Đảng XIX đã sang Việt Nam dự APEC và ông chọn là nước ngoài đầu tiên đến thăm cấp Nhà nước. Với Mỹ, đây là năm đầu tiên cầm quyền của Tổng thống Donald Trump. Và vì đi tham dự APEC và thăm chính thức Việt Nam nên Mỹ đã lên kế hoạch đi thăm một số nước châu Á” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Lãnh đạo 21 nền kinh tế APEC đã ra Tuyên bố Đà Nẵng, đây là thành công lớn của Việt Nam trong vai trò chủ nhà APEC 2017

Rõ ràng, thành quả là khẳng định vai trò và vị thế của Việt Nam trong khu vực, tăng cường được quan hệ với các nước đối tác lớn, qua đó thúc đẩy tăng trưởng, đã có 121 thoả thuận với hơn 20 tỷ USD được ký kết. APEC Việt Nam 2017 đã sự cuốn hút các doanh nghiệp lớn trong khu vực APEC và người dân trên cả nước.

APEC thành công nhất 10 năm qua

Đề cập tới vai trò chủ nhà của Việt Nam tại APEC 2017, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, vấn đề quan trọng nhất là làm sao tạo được sự quan tâm chung của các nền kinh tế APEC và Việt Nam đã làm được điều đó. Bằng chứng là Việt Nam đã đưa ra chủ đề “Tạo động lực mới, vun đắp tương lai chung” và 4 ưu tiên của Năm APEC 2017.

Bốn ưu tiên mà Việt Nam đưa ra đó là: Thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; đẩy mạnh liên kết kinh tế sâu rộng; nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số; và tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.

“Ta đã chọn đúng chủ đề và đúng những mối quan tâm chung mà các nền kinh tế cùng quan tâm. Không nước nào, không nền kinh tế nào thấy mình đứng ngoài 4 ưu tiến đó. Bởi vậy, tất cả đã được ghi nhận và tạo được sự đồng thuận” - Phó Thủ tướng cho hay.

Lãnh đạo 21 nền kinh tế ra Tuyên bố Đà Nẵng với 2 phụ lục được quan tâm, điều đó đã khẳng định sự thành công tuyệt đối của APEC 2017 mà Việt Nam là chủ nhà.

Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh

Phó Thủ tướng cho biết, nhìn lại Tuần lễ Cấp cao 2017 thấy vị thế của Việt Nam đối với các nước cao hơn rất nhiều. Đối với Việt Nam, đây là năm APEC thành công nhất trong 10 năm qua khi có sự tham dự của đông đủ các nhà lãnh đạo kinh tế khu vực APEC.

Đặc biệt, lần đầu tiên Tổng thống Mỹ, Tổng Bí thư - Chủ tịch Trung Quốc tham dự Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh APEC (CEO Summit). Tổng thống Nga Putin, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhận lời đến tham dự APEC từ rất sớm.

Câu hỏi đặt ra là điều gì đã thu hút lãnh đạo các nền kinh tế hàng đầu thế giới? Rõ ràng là vì vị thế của Việt Nam.

“Vì chúng ta có quan hệ tốt với các nước, chúng ta có đối tác toàn diện nên tạo được thế khi đi thương lượng và mời các nhà lãnh đạo đến Việt Nam. Thậm chí, trong dịp này có 4 đoàn thăm chính thức Việt Nam là Mỹ, Trung Quốc, Canada và Chile.

Cùng đó, nhiều lãnh đạo cũng bật mí muốn đi thăm Việt Nam trong dịp này, nhưng trong điều kiện tổ chức Tuần lễ APEC nên chúng ta chỉ tổ chức đón tiếp được 4 đoàn.” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Năm 2006, Việt Nam lần đầu tiên đăng cai tổ chức APEC. Sau 11 năm, Việt Nam tiếp tục được làm chủ nhà của diễn đàn kinh tế lớn nhất thế giới này. Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định, đây là sự “hiếm hoi” trong khu vực APEC. Sau 1 thập kỷ, Thế và Lực của Việt Nam đã khác rất nhiều.

Tác giả: Châu Như Quỳnh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP