Kinh tế

Tổng cục Hải quan đề xuất xây cầu sang Trung Quốc để buôn bán thuận lợi

Tổng cục Hải quan vừa có văn bản gửi Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) về việc xây dựng cầu đường bộ qua sông Hồng trên biên giới Việt Nam - Trung Quốc tại khu vực Bản Vược, tỉnh Lào Cai.

Trong văn bản, Tổng cục Hải quan nhất trí với kiến nghị của UBND tỉnh Lào Cai về việc xây cầu qua sông Hồng thuộc khu vực biên giới Bát Xát (Việt Nam) - Bá Sái (Trung Quốc). Tổng cục Hải quan cho rằng: Việc xây dựng cầu này nhằm tạo thuận lợi giao thương hai nước và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế vùng nói chung và kinh tế địa phương tỉnh Lào Cai nói riêng.

Cầu nối Việt Nam - Trung Quốc

Trước đó, trong tháng 11/2017, lãnh đạo 2 tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc) đã thống nhất đề nghị xây cầu bắc qua sông Hồng để nối 2 huyện Bát Xát (Lào Cai) với Bá Sái (Vân Nam) tại Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế 5 tỉnh, TP: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lào Cai (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc) tổ chức tại TP. Hải Phòng.

Lãnh đạo 2 tỉnh Lào Cai và Vân Nam đã chính thức thống nhất đề nghị xây cầu bắc qua sông Hồng để nối 2 huyện Bát Xát (Lào Cai) với Bá Sái (Vân Nam) nhằm tăng cường giao thương kinh tế.

Ông Hoàng Quốc Khánh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lào Cai cho biết, dự án trên hiện tại vẫn chỉ dừng ở mức độ chủ trương, đề xuất và tỉnh đã giao giải quyết các vụ việc cụ thể cho Sở Giao thông Vận tải nghiên cứu thực hiện.

Theo ông Khánh, hiện Lào Cai đang hoàn thiện văn bản để xin ý kiến các Bộ, ngành và Chính phủ. Nếu được đồng tình thì mới triển khai.

Việc lựa chọn hai địa điểm trên để kết nối là vì bên Bá Sái đang hình thành khu hợp tác qua biên giới, bắt đầu làm cơ sở hạ tầng, bên Việt Nam thì cũng như vậy, nên địa hình cả hai bên đều phù hợp.

Hơn nữa, hiện nay cửa khẩu tiểu ngạch vẫn đang hoạt động mạnh, đi qua xã Bản Phiệt (huyện Bát Xát) rồi đi phà, đi thuyền qua bên huyện Ba Sái, nhập khẩu một số mặt hàng như táo, đường...nếu có cầu đi qua thì thuận tiện hơn.

Theo ông Nông Văn Hưng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Lào Cai: "Nhu cầu từ phía Trung Quốc, Việt Nam đều mong có cây cầu càng sớm, càng tốt, đã qua bước chủ trương, việc cần làm hiện nay là phải có văn bản thống nhất vị trí, quy mô, phương án xây dựng, nguồn vốn rồi mới đến xin ý kiến Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng".

Việc xây dựng cầu đường sang Trung Quốc không chỉ có đề xuất của Lào Cai, còn nhớ vào tháng 8/2016, Trung Quốc có nhã ý cho Việt Nam vay 300 triệu USD để xây dựng cao tốc Vân Đồn - Móng Cái kết nối với Trung Quốc. Tuy nhiên, sau đó tỉnh Quảng Ninh đã xin lại dự án, huy động các nhà đầu tư thực hiện dự án mà khước từ việc vay vốn của Trung Quốc.

Trước đó, tháng 5/2017, tỉnh Cao Bằng cũng đề xuất sử dụng khoản tín dụng ưu đãi 300 triệu USD của Trung Quốc nhằm xây dựng đường cao tốc từ Đồng Đăng (Lạng Sơn) đến cửa khẩu Trà Lĩnh (Cao Bằng). Tuyến đường này còn nằm trong đề án lớn nhằm kết nối các điểm Trùng Khánh – Quý Châu – Bách Sắc (Quảng Tây, Trung Quốc) – Trà Lĩnh (Cao Bằng, Việt Nam) – Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng – theo đường biển đi các nước ASEAN.

Vào tháng 9/2017, tỉnh Quảng Ninh và chính quyền Khu tự trị dân tộc Choang tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) đã tổ chức lễ khánh thành cầu Bắc Luân II nối Việt Nam và Trung Quốc. Cầu Bắc Luân II có chiều dài toàn cầu là 618 m, trong đó chiều dài cầu về phía Trung Quốc thi công là 463,5 m, phía Việt Nam thi công là 154,5 m.

Tác giả: An Linh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP