Nhà giáo ưu tú đã cống hiến hơn 30 năm cho ngành giáo dục Hà Tĩnh đã về hưu tưởng được an dưỡng tuổi già nay lại cầm đơn đi tìm công lý, danh dự và lẽ phải cho chính mình. Bởi, họ tin, người cha 92 tuổi đáng kính, mẫu mực không có lý do gì để làm những điều “trái đạo lý, trái pháp luật” với những đứa con của mình.
Ảnh minh hoạ. |
Những lá đơn viết bằng nước mắt
Ngồi đối diện tôi là bà giáo già Đặng Thị Thanh, ở tuổi gần 60 của mình đáng lẽ bà xứng đáng được hưởng những đặc ân mà bất cứ người phụ nữ nào ở tuổi này đáng được nhận, đó là được sống an nhàn và hạnh phúc bên cạnh những người thân yêu. Vậy mà, bà Đặng Thị Thanh - nguyên Hiệu trưởng một trường THCS lớn trong TP, hiện là phu nhân của Giám đốc Bệnh viện y học cổ truyền tỉnh Hà Tĩnh lại “tất bật” ngược xuôi để đi đòi công lý, đòi lại danh dự cho người cha già 92 tuổi và hơn hết là đòi lại “tình thân” mà TAND TP Hà Tĩnh đã tuyên án một cách “vô cảm” đẩy gia đình bà vào cảnh “nồi da nấu thịt”.
Như Báo điện tử Xây dựng đã thông tin, khởi nguồn tranh chấp là thửa đất 600 m² tại khối phố 4 phường Đại Nài (TP Hà Tĩnh) mà cụ Đặng Kim Thư đã phân chia cho ba con gái đẻ của mình. Sự phân chia có sự thống nhất và đồng ý của các thành viên trong gia đình, biên bản bàn giao quyền sử dụng đất được lập có chữ kí của ông và 4 người con đẻ, với sự xác nhận của ông Nguyễn Đình Thiên, khối phố trưởng khối phố 4 và được UBND phường Đại Nài chứng thực.
Tuy nhiên, ngày 17/6/2016, cụ Đặng Kim Thư làm đơn khởi kiện đòi chia thừa kế đối với diện tích đất 544 m² thuộc thửa đất số 767, tờ bản đồ số 01, bản đồ 371 trên đất có 01 ngôi nhà 3 tầng; 01 ngôi nhà 2 tầng; 01 ngôi nhà cấp 4 tại khối phố 4, phường Đại Nài (TP Hà Tĩnh).
TAND TP Hà Tĩnh - đơn vị thụ lý vụ án đã bác bỏ những căn cứ pháp lý chứng minh thửa đất tại khối phố 4 phường Đại Nài mà cụ Đặng Kim Thư và cụ Nguyễn Thị Lương đã cho 3 con gái của mình là Đặng Thị Thanh, Đặng Thị Hương, Đặng Thị Thảo từ năm 1990, có sự thỏa thuận và thực hiện nghiêm túc của các thành viên trong gia đình, có chứng thực của chính quyền địa phương.
Không hiểu sao TAND TP Hà Tĩnh đã “bất tuân” các quy định pháp luật hiện hành của Bộ Luật dân sự nước CHXHCN Việt Nam đẩy những người giáo già ôm đơn khiếu nại thấm đầy nước mắt đi đòi công lý?
TAND TP Hà Tĩnh áp dụng điều luật như thế nào?
Tại án lệ của Hội đồng Thẩm phán TATC số 03/2016 ngày 06/4/2016 chánh TATC quy định: “Trường hợp cha mẹ đã cho vợ chồng một diện tích đất đó, khi vợ chồng xây nhà ở thì cha mẹ và những người con khác không có ý kiến phản đối gì, vợ chồng người con đã sử dụng liên tục công khai, ổn định thì phải xác định vợ chồng người con đã được tặng cho quyền sử dụng đất”.
Mặt khác, theo quy định Điều 467 Bộ luật dân sự thì: "1. Tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu theo quy định của pháp luật bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu. 2. Hợp đồng tặng cho bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký; nếu bất động sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản".
Như vậy, trường hợp tặng cho quyền sử dụng đất phải được thực hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, phải đăng ký quyền sở hữu. Trường hợp đã tặng cho hoàn tất, việc chuyển quyền sở hữu đã xong thì tài sản đã thuộc về người được tặng cho, người tặng cho không thể đòi lại.
Đối chiếu theo hồ sơ thì diện tích 600m² đất tại khối phố 4 phường Đại Nài, TP Hà Tĩnh thuộc quyền sở hữu của chị em bà Đặng Thị Thanh, Đặng Thị Hương, Đặng Thị Thảo là hợp pháp theo quy định của pháp luật. Cụ Thư không có quyền đòi thừa kế trên mảnh đất đó nữa.
“Bản giao quyền sử dụng đất” được lập ngày 5/8/2011 là đúng pháp luật được quy định tại điều 4 của Bộ luật dân sự năm 2005: “Quyền tự do cam kết, thỏa thuận trong việc xác lập quyền, nghĩa vụ dân sự được pháp luật bảo đảm, nếu cam kết, thỏa thuận đó”. Việc thỏa thuận được lập thành văn bản theo đúng thực tế hiện trạng đất mà cụ Thư, cụ Lương đã phân chia cho các con từ năm 1992, việc thỏa thuận này giữa cụ Thư và 04 người con đẻ là tự nguyện.
Để bảo vệ danh dự cho người cha đáng kính của mình, bà Đặng Thị Thanh (bị đơn) cho rằng cụ Đặng Kim Thư (nguyên đơn trong vụ kiện) sức khỏe không đảm bảo dẫn đến năng lực hành vi dân sự bị hạn chế, không đủ minh mẫn nên mới khởi kiện một việc trái pháp luật, trái đạo lý như trên nên đã đề nghị TAND TP Hà Tĩnh được giám định sức khoẻ cho cụ nhưng nguyện vọng của bà Thanh đã không được Tòa chấp thuận. Việc TAND TP Hà Tĩnh không tiến hành trưng cầu giám định theo yêu cầu của bị đơn có dấu hiệu vi phạm khoản 7 điều 70 Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015.
Được biết, trong quá trình xét xử, mảnh đất tại thị trấn Cẩm Xuyên là tài sản chung của ông Đặng Kim Thư và bà Nguyễn Thị Lương nhưng TAND TP Hà Tĩnh đã không đưa tài sản này vào chia di sản thừa kế là bỏ sót đối tượng chia di sản thừa kế, đồng thời không đưa UBND huyện Cẩm Xuyên, UBND thị trấn Cẩm Xuyên vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi liên quan là vi phạm khoản 4 điều 68 và điều 73 Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015.
Được biết, những người con của cụ Thư như các chị Đặng Thị Thanh, Đặng Thị Hương, Đặng thị Thảo đều là những giáo viên luôn được bạn bè đồng nghiệp tin yêu, quý trọng, đều có vị trí nhất định trong xã hội không có lý do gì để họ đánh mất danh dự bản thân, danh dự gia đình để đổi lấy những “vật ngoài thân” một cách ấu trĩ như vậy. Thế nhưng, trước sự “non kém” của mình TAND TP Hà Tĩnh đã tuyên án theo “luật riêng” đẩy họ trở thành những người con “bất hiếu”.
Hơn 50 năm chung sống vui vẻ hòa thuận cùng con cái, ông Thư bà Lương đã chia tài sản cả cuộc đời mình tích góp được cho các con trước sự làm chứng và xác thực của chính quyền địa phương, nay không có lý do gì mà đến tuổi thập cổ lai hy, cụ lại đánh đổi danh dự bản thân và truyền thống nhà giáo của gia đình để biến những người con cụ hết mực yêu thương, uốn nắn trở nên “bất hiếu”.
Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc vấn đề này.
Tác giả: Nhóm PVĐT
Nguồn tin: Báo Xây dựng