Thế giới

Tình cảnh đi làm còn tốn tiền hơn ngồi nhà ở Venezuela

Nhiều người Venezuela muốn bỏ việc vì tiền mất giá, vé xe buýt đi làm có thể tốn cả một tháng lương.

Người dân chờ xe buýt ở Caracas. Ảnh: AP.

Ở Venezuela, tiền mất giá khiến việc đi làm còn tốn kém hơn ngồi nhà. Để không phải bỏ ra khoản tiền cao quá mức cho việc đi lại, ăn uống, trang phục ở chỗ làm, nhiều người lao động Venezuela quyết định bỏ việc, theo AP.

Nhiều người Venezuela nhận thấy quyết định bỏ việc có thể giúp họ trang trải chi tiêu đến cuối tháng, nhất là với những người chỉ được hưởng mức lương tối thiểu.

"Tình hình ở Venezuela nghiêm trọng tới nỗi nhiều người không đi làm vì điều đó đồng nghĩa với việc sẽ mất tiền. Bước chân ra đường là tốn tiền", Hugo Santaromita, một người dẫn chương trình phát thanh nổi tiếng kiêm nhà phân tích chính trị viết trên Twitter hôm 21/2.

Giá một chiếc vé xe buýt có thể ngốn nguyên một tháng lương, nên nhiều người Venezuela đứng trước lựa chọn đi làm để kiếm vài đồng bolivar một ngày, hay là dùng tiền đi xe buýt mua vài món hàng theo giá quy định của chính phủ.

Nhiều người cho rằng bỏ việc theo đúng chuyên môn trong trường đại học để làm nghề tay trái có lợi hơn trong tình cảnh này. Một số người chọn không tham gia vào bất kỳ hoạt động sản xuất nào mà sống nhờ trợ cấp chính phủ.

Người lao động tại một tiệm bánh ở Caracas. Đối với họ, hai bữa cơm miễn phí mỗi ngày là lý do để tiếp tục làm công việc được trả thấp hơn lương tối thiểu 30% này. Ảnh: AP.

Thu nhập trung bình theo ngày của người dân là 26,583 bolivar (0,13 USD), chỉ mua được một tách cà phê. Lương tối thiểu ở Venezuela là 248.510 bolivar (1,2 USD), trong khi tem phiếu mua thực phẩm có giá tới 549.000 bolivar (2,7 USD) và giỏ hàng hóa cơ bản cho một hộ gia đình ngốn tới 123 USD một tháng.

Khủng hoảng kinh tế cũng phủ bóng đen lên ngành giáo dục, khi giáo viên nghỉ dạy vì lương thấp, còn sinh viên cảm thấy đi học cũng chẳng ích lợi gì mà còn tốn thêm tiền.

"Tôi quyết định nghỉ dạy ở trường đại học. Lương quá thấp, giao thông công cộng đắt đỏ, sinh viên thì không thèm đến lớp", Andrea Vargas, một giáo sư đại học cho biết.

"Ở đại học bây giờ bạn sẽ nghe được câu: Tôi muốn tốt nghiệp đại học càng sớm càng tốt để ra nước ngoài, thay vì: Tôi muốn tốt nghiệp sớm để đi làm trong một công ty hạng ưu", một sinh viên viết trên Twitter. "Đất nước không phải đang mất tiền, mà đang mất đi tương lai bởi dòng chảy chất xám từ những ngưởi trẻ tuổi đang chạy khỏi đất nước".

Chưa đầy 20 sinh viên trong thư viện một trường đại học ở thủ đô Caracas. Ảnh: Washington Post.

Giáo sư Vargas cho hay chất lượng đào tạo cũng kém đi vì không có cách nào yêu cầu sinh viên tập trung vào việc học. Bà cũng bất lực chứng kiến nhiều sinh viên bỏ học vì quá đói, vì không đủ tiền để mua vé xe buýt, hay phải làm những công việc chân tay để mưu sinh.

Andrea Rondon, một sinh viên 19 tuổi, cho hay cô sẽ bỏ học vì biết chắc mình sẽ không thể hoàn thành chương trình. "Nếu tình hình còn thế này, tôi sẽ rời đất nước. Tôi bỏ tiền mua vé xe buýt tới trường nhưng giáo viên lại không đến. Tôi thà tiết kiệm tiền và đi lao động còn hơn", cô gái nói.

Tác giả: Hồng Hạnh

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP