Trong nước

Tiêu chuẩn minh bạch riêng của “ông” xăng dầu?

Nếu có và nếu được quyền trao giải thưởng “phát ngôn ấn tượng nhất trong tuần”, tuần này, cá nhân người viết xin mạnh dạn đề xuất nên dành cho Chủ tịch Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) Bùi Ngọc Bảo, với khẳng định “giá cả xăng dầu là minh bạch nhất trong tất cả các loại hàng hiện nay”, khi chủ trì họp báo ra mắt Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) vừa diễn ra tại Hà Nội.

Giá xăng dầu có minh bạch thật hay không, hãy hỏi ý kiến các cơ quan truyền thông và dư luận xã hội. Mà nếu thật sự “minh bạch” một cách “vô đối” như vậy, Petrolimex có cần trao cho VINPA chức năng là cầu nối giữa doanh nghiệp, người tiêu dùng và cơ quan quản lý nhằm góp phần minh bạch hóa giá xăng dầu?


Nhưng trước hết, hãy nghe cho hết lý giải của người đứng đầu Petrolimex về sự “minh bạch nhất” này. Theo ông Bảo: “Xăng dầu trong nước bị cuốn theo thứ chúng ta không đánh giá và phân tích được chính là giá thế giới”.


Câu nói đó sẽ là chấp nhận được, hay cứ tạm được chấp nhận, nếu ông Bảo phát ngôn vào khoảng 10 năm trước, khi mà Internet chưa phổ cập và người dân trong nước cũng không có thói “lướt mạng” như bây giờ. Giá xăng dầu thế giới sáng nay ra sao, chiều nay thế nào, so với tuần trước hay chỉ một ngày trước là tăng giảm bao nhiêu, dự báo tuần sau sẽ ra sao… Tất cả đều được cập nhật khá chi tiết trên rất nhiều trang thông tin điện tử ngay trong nước chứ không cần phải của thế giới. Chỉ số chứng khoán Mỹ lên hay xuống có tác động rất quan trọng của giá xăng dầu, đó là một bằng chứng cho sự minh bạch của loại hàng hóa này. Nếu đã xác định “trong quá trình hội nhập, xăng dầu trong nước phải mua theo giá thế giới” và “Việt Nam phải chấp nhận cuộc chơi quốc tế”, thì có nghĩa “người ta” lên, “ông” cũng phải lên và ngược lại. Như thị trường trong nước thì không thế. “Người ta” xuống, “ông” không muốn xuống và quyết không xuống – điều quá quen thuộc ở thị trường bán lẻ trong nước – với đủ lý do đưa ra: thời gian tính giá chưa đến, bù lỗ chưa xong… Có ai được quyền kiểm tra mức lỗ của các doanh nghiệp phân phối và kinh doanh xăng dầu bán lẻ trong nước hay không, hay chỉ là từ báo cáo của chính các doanh nghiệp này? Bộ Công Thương không biết, Bộ Tài chính cũng không biết; bằng chứng là trong các cuộc họp có mở rộng với giới truyền thông thời gian qua, cả 2 Bộ này, nhất là Bộ Tài chính đều yêu cầu các doanh nghiệp phải minh bạch về giá nhập, giá bán ở mỗi thời điểm cụ thể, từ đó mới tính ra được lỗ lãi.


Quy luật thông thường trong kinh doanh có tăng thì phải có giảm. Thế nhưng, có lẽ thị trường xăng dầu bán lẻ trong nước không nằm trong quy luật đó: giá bán lẻ quốc tế nhúc nhích một chút là trong nước tăng ngay, còn giảm thì…. Theo quy định tại Nghị định 84/2009/NĐ-CP của Chính phủ (quy định việc điều chỉnh tăng giá bán lẻ xăng dầu) thì giá bán lẻ xăng dầu được hình thành từ giá cơ sở trong khoảng thời gian 30 ngày. Giá cơ sở được tính bằng giá mua tại cảng, cộng các khoản thuế và phí, chi phí lưu thông, dự trữ, lợi nhuận định mức.


Tuy vậy, trong tất cả những đợt điều chỉnh giá gần đây, chưa một lần nào mốc 30 ngày được tuân thủ. Mỗi lần đề xuất điều chỉnh tăng giá (và gần như lần nào cũng được chấp thuận), các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu lại lấy ngày có mức giá cao gần nhất để tính giá cơ sở và chu kỳ tính giá trung bình chỉ 10 ngày. Cứ cho đó là cách tính toán của nhà kinh doanh: Đầu vào tăng thì đầu ra phải tăng, đó mới là thực sự nằm dưới sự điều tiết của thị trường và linh hoạt theo thị trường, chứ không có cứng nhắc theo ngày giờ gì cả. Cứ cho lý luận đó là được đi. Vậy khi giá đầu vào hạ thì sao?


Trước đây khi giá thế giới biến động tăng, theo thông lệ 10 ngày, doanh nghiệp đầu mối ngay lập tức gửi đăng ký đòi tăng giá lên liên Bộ Công Thương – Tài chính và có những động thái tạo sức ép lên cơ quan quản lý: Giá thế giới tăng cao, doanh nghiệp lỗ nặng, cắt giảm chi phí hoa hồng… Thế nhưng khi giá thế giới xuống thấp (lấy ví dụ giai đoạn đầu quý IV/2012, giá quốc tế xuống thấp và kéo dài), doanh nghiệp vẫn im hơi lặng tiếng (đương nhiên, chẳng ai dại gì tự xin giảm lợi nhuận của mình), còn cơ quan quản lý cũng “trùm chăn ngủ kỹ”. Hẳn do doanh nghiệp chưa “xin” thì chưa “cho”? Hay các doanh nghiệp đầu mối với sự thống lĩnh của Petrolimex vẫn chưa tính toán xong giá giảm cho hợp lý, cứ tính đã, bộ chủ quản có hỏi thì trả lời: “đang tính”, đợi ít hôm nữa (may ra) giá quốc tế tăng trở lại là vừa.


Hiện thị trường xăng dầu nước ta có 13 doanh nghiệp đầu mối, trong đó, riêng Petrolimex đã chiếm tới hơn 60% thị phần. Đã nắm được thị trường là có quyền chi phối giá cả. Khi doanh nghiệp thống lĩnh Petrolimex điều chỉnh, các doanh nghiệp khác cũng phải điều chỉnh. Nếu Petrolimex không có động tĩnh, dám thử doanh nghiệp nào tự tăng hay giảm? Đó là thực tế của thị trường xăng dầu bán lẻ của nước ta hiện nay. Minh bạch hay không, tự bạn đọc xem xét. Kinh nghiệm như tại Singapore cho thấy, có doanh nghiệp tự ý tăng giá nhưng chỉ sau một ngày không thấy các ông lớn động tĩnh, họ buộc phải hạ giá về mức ban đầu. Bởi đó là một thị trường cạnh tranh sòng phẳng, ai cũng như ai, chứ không có “ông độc quyền” nào thống lĩnh được thị trường cả.


Và, đấy mới là minh bạch!


Nhất Nguyên

GDTĐ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP