Với nhiều người, trứng vịt lộn là món ăn quen thuộc, nhưng khi kết hợp lá ngải cứu, món ăn trở nên lạ miệng. Đó là vị nồng và ngai ngái của lá ngải cứu thấm đều vào từng miếng trứng vịt lộn.
Trứng vịt lộn hầm cùng lá ngải cứu. Ảnh: Di Vỹ. |
Để món ăn được ngon, đầu bếp thường chọn lá ngải cứu còn non và xanh. Sau khi rửa sạch với nước, lá ngải còn được ngâm trong nước muối loãng. Gia vị không thể thiếu gừng được cạo vỏ, rửa sạch rồi xắt sợi. Trứng vịt lộn cũng được luộc chín trước khi đem hầm với lá ngải cứu trên bếp lửa riu chừng 2 - 3 giờ là có thể ăn được.
Ngoài trứng lộn, tiết cũng là món phổ biến ăn kèm. Bếp của các hàng ăn vặt luôn có một nồi trứng và một nồi tiết hầm cùng lá ngải. Khách có thể yêu cầu một suất trứng lẫn tiết. Giá mỗi phần ăn dao động từ 10.000 đến 20.000 đồng.
Ăn kèm với món này không thể thiếu măng ngâm chua, tạo cảm giác đỡ ngấy. Bạn có thể thêm chút tương ớt hoặc quất (tắc) để gia tăng mùi vị.
Món tiết hầm lá ngải cứu cũng hút khách không kém. Ảnh: Di Vỹ. |
Nằm sâu trong chợ Cột 3 (đường Nguyễn Văn Cừ, thành phố Hạ Long) là quán nhỏ của cô Nguyễn Thị Xuyến (49 tuổi). Quán của cô chuyên bán tiết và trứng vịt lộn hầm cùng lá ngải vào buổi chiều. Đây cũng là một trong những địa chỉ ăn vặt được người sành ăn ở Hạ Long thường xuyên lui tới.
Bà chủ cho hay, quán bán món này đã 11 năm. Món ăn ban đầu không được nhiều khách ưa thích. "Nhưng sau này có người ăn một lúc 5 - 6 quả liên tiếp. Khách Trung Quốc vào quán rất thích món này", cô Xuyến nói.
"Nguyên liệu để làm ra món ăn không khó tìm, cái khó là cách chế biến ngải cứu và công đoạn nêm nếm các gia vị theo tỉ lệ làm cân bằng vị của nước dùng", bà chủ tiết lộ.
Cô Trần Thị Xuyến. Ảnh: Di Vỹ. |
Theo cô Xuyến, rau ngải cứu còn có tác dụng điều hòa khí huyết, tăng cường sức khỏe, đẩy lùi cơn đau đầu. "Chính vì vậy mà món ăn được nhiều người yêu thích, đặc biệt là lúc trời mưa hoặc lạnh", cô nói.
Tác giả: Di Vỹ
Nguồn tin: Báo VnExpress