Nông Thôn Hà Tĩnh

Tiếp cận đa chiều – Giảm nghèo bền vững: Khi vùng “rốn lũ” vượt nghèo

Hà Tĩnh được xem là vùng "rốn lũ” khi mảnh đất "gánh hai đầu đất nước” này thường xuyên bị thiên tai ập tới, đói nghèo đe dọa. Bão lũ có thể khiến họ trắng tay, thậm chí không còn chỗ nương thân, vậy cộng đồng cư dân ở đây đã có cho mình bài học gì để sống chung với lũ và thoát nghèo bền vững?

Huyện Vũ Quang hôm nay vẫn còn dấu tích của trận đại hồng thủy do hoàn lưu bão số 11 gây ra hơn 2 tuần trước. Trên từng tấc đất, từng ngôi nhà, con đường, bờ cây, ngọn cỏ, bùn đất nhuộm trắng cả một vùng quê rộng lớn. Mọi thứ dường như đều xiêu vẹo theo dòng nước lũ đục ngầu. Thiên tai quá tàn khốc khiến con người như cam phận nhỏ bé gánh chịu sự tàn phá của nó. Nhưng không hẳn. Không ít người nghèo nơi đây vẫn tìm ra cách làm hay để thoát lũ, thắng lũ, từ đó thoát nghèo bền vững.


Xã Ân Phú là địa phương đi đầu trong công tác xóa đói giảm nghèo (XĐGN) của huyện Vũ Quang, là địa phương điển hình tìm ra được cách vượt khó. Kinh nghiệm được người dân xã Ân Phú rút ra khi chống chọi với thiên tai đó là ngoài việc chuẩn bị kỹ lưỡng mỗi khi được tin có bão, lũ, nhiều người dân ở xã Ân Phú đã thoát lũ ngay tại nhà bằng cách dựng “chuồng vượt lũ”. Không được hỗ trợ theo Quyết định 716 của Thủ tướng Chính phủ về xây “chòi tránh lũ” thí điểm như ở huyện Hương Sơn và Hương Khê, “chuồng vượt lũ” do chính người dân Ân Phú tự sáng tạo ra, nhận thấy có hiệu quả nên nhiều người dân đã nhân rộng.

Anh Nguyễn Tiến Chương (xóm 3, xã Ân Phú) – một trong những hộ đi đầu trong việc xây “chuồng vượt lũ” chia sẻ: “Gia đình tôi trước những năm 2011 thuộc hộ nghèo vì cứ khi nào bão, lũ đến là nhà tôi lại mất trắng. Nghèo lại hoàn nghèo. Từ năm 2012 đến nay, chúng tôi đã xin thoát nghèo, bây giờ hàng năm nhà tôi cũng dư dật được hơn 50 triệu đồng nên không có lý gì là hộ nghèo nữa. Từ khi xây cái “chuồng vượt lũ” này chúng tôi đỡ lo hơn nhiều, nghe động là cả nhà chuyển lợn, bò, vật dụng quý giá lên đó nên có trôi thì cũng chỉ trôi những thứ không đáng giá là bao, vì vậy giờ chỉ lo làm ăn, kiếm tiền thôi chứ không lo thiên tai nữa”.

Khi được hỏi vì sao anh lại nảy ra ý xây “chuồng tránh lũ” như vậy, anh thẳng thắn nói: “Khi sống chung với lũ thì ắt sẽ tự tìm ra cách vượt qua lũ lụt, vượt qua nghèo khó, không cần phải ai bày vẽ gì cả…”.

Gia đình chị Phan Thị Thắm (xóm Hợp Bình, xã Hương Minh, Vũ Quang) nằm sát bên con sông Ngàn Trươi, mỗi khi mùa lũ đến nó như một con thú giữ muốn nuốt chửng mọi thứ, nhưng với gia đình chị thì việc vượt lũ khá nhẹ nhàng. Năm 2009, gia đình chị vẫn thuộc hộ nghèo, khi đó cuộc sống hết sức khó khăn nhưng hiện nay đã thuộc hộ giàu trong xã.

Từ chỗ chỉ có cái niêu, cái mẹt để dùng nay gia đình chị Thắm đã có 3 gian nhà gỗ khang trang, 1 chiếc ô tô chuyên chở vật liệu, 1 mô hình nuôi lợn 30 con, 1 con trâu trị giá hơn 30 triệu đồng, 1 ha đất cao su mới trồng, 2 ha đất trồng keo đã thu hoạch được mấy vụ…”Cứ nghe thông báo sắp có bão, lũ là cả nhà lo liệu đưa trâu, bò, lợn gà, vật dụng quý giá lên ô tô rồi chuyển đến vùng cao, nếu không chạy trước lũ thì sẽ cuốn đi mất hết”, chị Thắm chia sẻ kinh nghiệm thoát lũ.

“Trận lũ này xã chỉ bị hư hỏng ở một số điểm hạ tầng, cơ sở vật chất nhưng không đáng kể, cho dù xã bị ngập sâu, bị chia cắt mấy ngày liền. Năm 2010, xã chúng tôi bị thiệt hại khá nặng nề nhưng năm nay lại giảm thiểu hẳn”, ông Trần Văn Thư – Chủ tịch UBND xã Ân Phú cho biết. 3 năm trước, tỷ lệ hộ nghèo của xã là 48% nhưng nay chỉ còn 11,23%, tức là giảm được hơn 3 lần, tỷ lệ tái nghèo là không có. Thành tích khả quan về XĐGN này được cán bộ và cộng đồng dân cư rất tự hào.

Cách nhà anh Chương không xa là nhà chị Dương Thị Thảo cũng có “chuồng tránh lũ”. Từ chỗ hộ nghèo nhưng nay gia đình chị đã vươn lên trở thành hộ khá giàu thu nhập hằng năm trên 100 triệu đồng. Làm ăn khá giả nên con cái cũng được học hành đến nơi đến chốn. Hiện nhà chị đang nuôi 4 con bò, hàng chục con lợn, hàng trăm con gà. Những lo toan, vướng bận khi sống ở tâm lũ dường như không còn là gánh nặng đối với những người dân như chị.

Đâu là điểm tựa của dân?

Những ngôi nhà Đại Đoàn Kết do Mặt trận huy động, giúp đỡ hộ nghèo góp phần không nhỏ trong công cuộc XĐGN ở Hà Tĩnh. Các cấp hội, chính quyền, đoàn thể dù cho người nghèo “cần câu” hay “con cá” đều có ý nghĩa lớn lao, tạo đà cho người nghèo thoát nghèo bền vững, xóa dần chênh lệch giàu nghèo, nâng cao giá trị của tinh thần “tương thân tương ái”.Thượng Lộc là xã miền núi thuộc huyện Can Lộc, những năm gần đây đã biến khó khăn thành lợi thế, nhờ địa hình đồi núi mà người dân đã xây dựng nên những mô hình chăn nuôi, trang trại, trồng rừng cho thu nhập cao, đặc biệt là từng bước đưa hộ nghèo trở thành hộ khá, hộ giàu.

Mô hình XĐGN của Sở LĐ,TB&XH tỉnh đã hỗ trợ 28 hộ nghèo xây dựng mô hình mua hươu nên giờ trên địa bàn xã đã có hàng trăm con hươu, đưa lại thu nhập cao. Hội Nông dân còn đứng ra cho dân vay phân bón, xong mùa họ trả lại đã giúp người dân yên tâm sản xuất, nâng cao kỹ thuật. “Khi dân đã tin tưởng thì làm gì cũng dễ, cũng thuận lợi”, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thượng Lộc Trần Văn Việt nhìn nhận.

…Tình “tương thân tương ái” vốn là cốt lõi của tấm lòng miền Trung. Tìm được giải pháp căn cơ giúp người nghèo, các chương trình, dự án đang triển khai ở Hà Tĩnh đã tạo ra sự thay đổi rõ nét, từ hỗ trợ trực tiếp sang hỗ trợ gián tiếp, tạo sinh kế ổn định lâu dài để người nghèo tự vươn lên thoát nghèo bền vững. Đây cũng là xu hướng phù hợp với chiến lược giảm nghèo trên cả nước.

HẠNH NGUYÊN

Đại Đoàn Kết

  Từ khóa: giảm nghèo , bền vững

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP