Càng tìm hiểu càng lộ rõ nhiều sai phạm
Ngày 05/4, Doanh nhân Việt Nam có đăng tải bài viết “Hà Tĩnh: Ban quản lý chợ Kỳ Tây tự ý cơi nới thêm nhiều ki ốt trái quy định” phản ánh ý kiến của người dân về việc BQL chợ Kỳ Tây (huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) tự ý cơi nới thêm nhiều ki ốt để cho thuê trái quy định.
Sau khi đăng tải, Tòa soạn liên tục nhận được nhiều ý kiến phản hồi tích cực của bạn đọc yêu cầu làm rõ trách nhiệm cũng như có hay không việc chính quyền địa phương bao che, tiếp tay cho BQL chợ Kỳ Tây.
Ngày 14/4, phóng viên DNVN tiếp tục có buổi làm việc với ông Nguyễn Hồng Thắng – Chủ tịch UBND xã Kỳ Tây để có thêm thông tin khách quan cũng như phương hướng xử lý của xã đối với sai phạm tại chợ Kỳ Tây. Tại buổi làm việc ông Thắng cho biết: “Xã đã nắm được những vấn đề báo chí phản ánh và đang cho thăm dò ý kiến của các tiểu thương trong chợ rồi sẽ đưa ra phương án xử lý”.
Tại buổi làm việc trước đó, khi phóng viên mong muốn được tiếp cận các hồ sơ cũng như biên bản liên quan đến việc tự ý cơi nới của chợ Kỳ Tây thì vị chủ tịch xã này khẳng định UBND xã không có hồ sơ cũng không nắm được cụ thể quy hoạch của chợ?
Tuy nhiên, tại buổi làm việc ngày 14/4, lãnh đạo UBND xã đã cung cấp cho phóng viên một biên bản về việc kiểm tra vi phạm tại chợ Kỳ Tây được lập vào ngày 10/9/2020. Nội dung thể hiện việc chính quyền địa phương đã tiến hành lập biên bản về việc BQL chợ Kỳ Tây tự ý xây dựng 09 ki ốt trái quy định. Biên bản cũng yêu cầu ông Nguyễn Quốc Toản (Giám đốc BQL chợ Kỳ Tây) phải ngừng ngay việc xây dựng.
Hệ thống phòng cháy chữa cháy tại chợ Kỳ Tây chỉ là một tấm bảng thông báo |
Tiếp tục đối chiếu với hồ sơ thiết kế, quy hoạch của chợ so với hiện trạng thực tế, phóng viên phát hiện khu vực được thiết kế làm nhà xe của chợ đã được BQL chợ “nâng cấp” thành 04 ki ốt, những ki ốt này đều đã được cho người dân thuê để kinh doanh. Ngoài ra, phần cam kết bảo vệ môi trường tại chợ Kỳ Tây, rất nhiều hạng mục trên thực tế không hề có và nếu có cũng chỉ là để đối phó.
Cụ thể, phần xử lý nước thải đáp ứng quy chuẩn quy định và thải ra môi trường (thu gom và xử lý nước thải phát sinh từ chợ của các hàng tươi sống bằng mương thu gom, hố gas, hố lắng cát và bể kỵ khí) thì dường như ở đây chỉ mỗi mương thoát nước được xây dựng xung quanh chợ sau đó thải trực tiếp ra môi trường, định kỳ nạo vét mương thoát nước không được triển khai như cam kết.
Trong bản cam kết bảo vệ môi trường, lượng rác thải ở chợ này phải được thu gom và vận chuyển hàng ngày, ngoài ra để đảm bảo cảnh quan trong khu vực chợ phải luôn sạch sẽ, thoáng mát, hạ tầng chợ phải đủ ánh sáng. Tuy nhiên, thực tế như lời ông Nguyễn Hồng Thắng, Chủ tịch UBND xã Kỳ Tây, việc thu gom rác diễn ra theo tuần, cứ một tuần sẽ có xe chở rác ở dưới huyện lên chở rác đi.
Bên trong chợ Kỳ Tây là khung cảnh nhếch nhác, xập sệ |
Hình ảnh phóng viên ghi nhận tại chợ Kỳ Tây là cảnh tượng nhếch nhác, xập xệ, nguy cơ về cháy nổ rất dễ xẩy ra, hệ thống bình phòng cháy chữa cháy ở chợ này không được trang bị, nếu có cháy nổ xảy ra sẽ gây ra những hậu quả hêt sức nghiêm trọng. Hệ thống chợ trời nơi đảm bảo sự thoáng mát thì nay đã bị BQL chợ đem chiếm dụng và cho xây ki ốt cho thuê trái quy định.
Có thể thấy việc BQL chợ Kỳ Tây tự ý cơi nới thêm nhiều ki ốt để cho thuê là trái quy định và việc làm này có thể phần nào đó đem lại thuận tiện cho một vài tiểu thương. Nhưng việc cho thuê này ai mới là người thực sự hưởng lợi? Vì số tiền mà BQL chợ thu về từ những ki ốt trái quy định này cũng không phải là nhỏ.
Được biết, bà Nguyễn Thị Nhi, cán bộ Mặt trận Tổ quốc xã Kỳ Tây (huyện Kỳ Anh) là Phó giám đốc Hợp Tác Xã Toản Lan (HTX) là người trực có quyền quyết định mọi hoạt động đang diễn ra tại BQL chợ Kỳ Tây.
Chủ tịch xã xin bỏ qua cho sai phạm tại chợ Kỳ Tây!
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hồng Thắng - Chủ tịch UBND xã Kỳ Tây cho biết, sau khi báo chí phản ánh, xã đã kiểm tra và khẳng định việc BQL chợ Kỳ Tây cơi nới thêm nhiều ki ốt là sai. Xã cũng đã yêu cầu BQL chợ phải tự tháo dỡ, hoàn trả lại mặt bằng đúng như thiết kế ban đầu.
Mặc dù trả lời như vậy nhưng khá khó hiểu khi các sai phạm tại chợ Kỳ Tây đã được phát hiện và bị chính quyền địa phương lập biên bản cách đây hơn nửa năm tuy nhiên vẫn không quyết liệt xử lý để tình trạng kéo dài đến hiện tại? Ngoài ra, với vai trò là một người lãnh đạo đứng đầu địa phương nhưng cách làm việc, trả lời báo chí của ông Nguyễn Hồng Thắng về vụ việc hết sức “tiền hậu bất nhất”.
Cam kết bảo vệ môi trường và những thực tế ghi nhận tại chợ là những gì trái ngược |
Khi buổi làm việc kết thúc, ông Nguyễn Hồng Thắng – Chủ tịch UBND xã Kỳ Tây liên tục gọi điện thoại cho phóng viên để xin thông cảm và bỏ qua các sai phạm cho BQL chợ Kỳ Tây. Trong bản ghi âm, ông Thắng thừa nhận: “HTX Toản Lan tên giám đốc là tên chồng nhưng mọi việc vận hành, quản lý tại chợ Kỳ Tây đều do bà Nguyễn Thị Nhi (Cán bộ Mặt trận Tổ Quốc xã này - Pv) trực tiếp điều hành quản lý và quyết định tất cả mọi việc, có gì đó mong các chú thông cảm, bỏ qua".
Là một người lãnh đạo, phát hiện sai phạm không những không xử lý dứt điểm vụ việc mà lại bao che, dung túng cho sai phạm sẽ khiến cho chức năng quản lý nhà nước bị lu mờ, kéo theo đó sẽ phát sinh thêm nhiều hệ lụy. Thiết nghĩ lãnh đạo huyện Kỳ Anh sớm vào cuộc, có hình thức xử lý để chấn chỉnh kịp thời.
Tác giả: Thành Văn - Cẩm Kỳ
Nguồn tin: doanhnhanvn.vn