Đêm 14/10, thủy điện Hố Hô bất ngờ xả lũ ồ ạt với lưu lượng 1.800 m3/s trong vòng 4 tiếng đồng hồ. Ông Đặng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho rằng việc xả lũ ở đập thủy điện Hố Hô vào thời điểm đó là quá mạnh, dân không thể trở tay kịp.
Thế nhưng, phía chủ đầu tư Nhà máy Thủy điện Hố Hô có báo cáo gửi về Bộ Công Thương khẳng định việc xả nước tại thủy điện Hố Hô được báo trước và đảm bảo tuân thủ các quy định về an toàn kỹ thuật.
Sáng 16/10 đập thủy điện Hố Hô vẫn còn tiếp tục xả nước với lưu lượng là 824m3/s (Ảnh: T.Hoa) |
Trao đổi với PV Infonet, GS.TSKH. Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho hay, trong giai đoạn thi công xây dựng nhà máy thủy điện thì vấn đề xả nước, bể chứa nước quá đầy và phải xả… đều nằm trong đánh giá môi trường, đều tính toán được và trong điều hành của Bộ Công Thương cũng đã có yêu cầu với bên điện lực, việc xả lũ phải tính toán đến việc hạ lưu có gây ra úng hay không.
Theo GS.TSKH. Phạm Ngọc Đăng, nếu nhà máy tính toán đúng thì đã không gây ra tình trạng úng ngập như vậy, chủ yếu do nhà máy không tính toán đến nơi đến chốn nên việc gây ra tình trạng ngập úng ở hạ lưu là trách nhiệm của người điều hành chứ không phải do bản thân nhà máy thủy điện đó gây ra úng ngập.
“Việc điều hành lúc nào xả lũ, xả bao nhiêu là vừa để tránh gây úng ngập là do người chỉ huy, bộ phận vận hành thủy điện, tính toán không kỹ thời điểm, lượng xả không đảm bảo an ninh cho hạ lưu, lúc cần nước thì không xả, lúc thừa nước lại xả… như thế là trách nhiệm của người điều hành thôi”, ông Đăng nhấn mạnh.
Ông Đăng cho rằng, do không có tính toán, không có cái nhìn xa, đã có dự báo về trận mưa rất lớn sắp xảy ra thì thủy điện phải xả dần để hạ bớt mực nước của bể chứa, đến lúc mưa to lại xả tiếp thì sẽ không bị ồ ạt, gây úng ngập đột ngột đối với hạ lưu như mấy ngày qua.
GS.TSKH. Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho rằng: Thủy điện Hố Hô gây ngập úng là do trách nhiệm của người điều hành. |
“Bộ Tài nguyên môi trường đã dự báo trước, Thủ tướng cũng đã kêu gọi các đơn vị có biện pháp đề phòng… mà vẫn xảy ra tình trạng ngập úng này là do điều hành có vấn đề. Việc xả lũ này chưa quan tâm đúng mức nên đã gây ra thiệt hại lớn về môi trường với khu vực hạ lưu, nếu có sự tính toán đúng thì đã không xảy ra”, ông Đăng khẳng định.
Cũng theo ông Đăng, mục tiêu của thủy điện là phát ra điện và điều hòa nguồn nước, lúc hạn hán thì cung cấp nước cho hạ lưu và lúc thừa nước thì bể chứa của thủy điện giữ lại nước để tránh úng ngập cho hạ lưu. Đó là nhiệm vụ của thủy điện, khi thiết kế xây dựng thì đã có tính toán, nhưng quá trình điều hành, điều khiển thủy điện lại phải kiểm tra xem có thực hiện đúng theo chương trình, quy định hay không.
Bởi theo ông, điều hành một nhà máy hay cụm nhà máy, có việc liên quan đến cả mấy nhà máy thủy điện ở cả lưu vực thì phải tính toán, phải có điều hành và phải có chỉ huy chung. Tuy nhiên, ở ta việc chỉ huy chung chưa tốt. Việc vận hành của nhà máy thủy điện cần thực hiện đúng theo quy trình đã tính toán theo thiết kế từ trước để không gây ra tình trạng ngập úng.