Kinh tế

Thương vụ 'lướt sóng' của doanh nhân Nguyễn Kháng Chiến tại sân golf Phúc Tiến

Chỉ ít tuần sau khi được phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sân golf Phúc Tiến, ông Nguyễn Kháng Chiến đồng loạt rút lui khỏi An Việt Hòa Bình (doanh nghiệp dự án) và công ty mẹ Hạ tầng An Việt, nhường chỗ cho đại diện của một tập đoàn đa ngành.

Quang cảnh một sân golf. Ảnh: Trọng Hiếu


Tháng 6/2020, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư sân golf Phúc Tiến tại huyện Kỳ Sơn, Hoà Bình. Dự án có quy mô 200ha, phần diện tích sân golf là 188,25ha, vốn đầu tư 1.137 tỷ đồng. Chủ đầu tư là CTCP Golf An Việt Hòa Bình (thành lập năm 2015).

Vào thời điểm đó, công ty mẹ, nắm 95% cổ phần Golf An Việt Hòa Bình là CTCP Đầu tư và Phát triển hạ tầng An Việt (thành lập năm 2014) - pháp nhân nằm trong hệ sinh thái PPCAT Group của doanh nhân Nguyễn Kháng Chiến (SN 1964). Cụ thể, các cổ đông sáng lập của Hạ tầng An Việt là CTCP Đầu tư Toàn Cầu (40%), ông Nguyễn Kháng Chiến (40%), bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt (10%), bà Nguyễn Thị Minh Phượng (5%) – em gái ông Chiến và cá nhân Nguyễn Văn Phương (5%). Sự chi phối của ông Nguyễn Kháng Chiến thể hiện rõ qua việc ông là Chủ tịch HĐQT, Người đại diện theo pháp luật tại cả Hạ tầng An Việt lẫn An Việt Hòa Bình trong suốt 5 năm (giai đoạn 2015 – 2020).

Sân golf Phúc Tiến là cái tên mới bổ sung vào danh sách sân golf khá dày của doanh nhân tuổi Giáp Thìn. Trước đó, CTCP Đầu tư và Phát triển Hạ tầng PPC An Thịnh Việt Nam (PPCAT Group) đã đầu tư tại nhiều sân golf như Sân golf Bàn Long quy mô 100ha (xã Minh Quang, Tam Đảo, Vĩnh Phúc); sân golf Gia Khau, quy mô 275ha (xã Trung Mỹ, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc), hay dự án sân golf Bảo Ninh, nằm trong Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Ninh, TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.

Những tưởng ông Nguyễn Kháng Chiến cùng các cộng sự sẽ nhanh chóng triển khai dự án sân golf Phúc Tiến, tuy nhiên, diễn biến đáng chú ý là chỉ ít tuần sau khi được chấp thuận, vào tháng 8/2020, ông Bùi Thành Việt (SN 1983) đã thay ông Nguyễn Kháng Chiến đảm nhiệm vai trò đại diện theo pháp luật của An Việt/An Việt Hòa bình. Khoảng 1 năm sau, ông Việt nhường lại vị trí kể trên cho ông Ngô Văn Chánh (SN 1977). Đây là 2 cá nhân có liên hệ đến một Group đa ngành.

Doanh nhân Nguyễn Kháng Chiến - Chủ tịch HĐQT PPCAT Group. Ảnh: PPCAT


Tiềm lực PPCAT Group

Bên cạnh sân golf, bất động sản là mảng chủ lực của PPCAT Group, với loạt dự án như Khu đô thị Cảng Chân Dê (Hòa Bình), tổ hợp chung cư Harmony (Đà Nẵng), Khách sạn Wyndham Garden Hanoi, Khu đô thị Park Hill Thành Công (Vĩnh Phúc), tổ hợp Wyndham Soleil Danang Hotel và Ánh Dương Hòa Bình Hotel...

PPCAT còn góp mặt ở dự án Khu nghỉ dưỡng phức hợp quốc tế An Thịnh – PPC, doanh nghiệp dự án là CTCP Quốc tế Nam Hội An. Theo tìm hiểu, công ty này thành lập vào tháng 4/2016, với 3 thể nhân gồm: Ông Nguyễn Kháng Chiến (55%); ông Cao Đăng Hoạt (40%); và ông Phạm Ngọc Bình (5%).

Một lĩnh vực trọng tâm khác của PPCAT là bất động sản khu công nghiệp với nhiều dự án đáng chú ý, gồm KCN Bình Xuyên, diện tích 289,8ha (Vĩnh Phúc); KCN Lương Sơn, diện tích 83ha (Hòa Bình); KCN Đông Quế Sơn, tổng diện tích 211,26ha (Quảng Nam); KCN An Việt, diện tích 78,68ha (Quế Võ 6, Bắc Ninh); KCN Sơn Lôi – Vĩnh Phúc, diện tích 336.256m2; hay KCN Yên Quang, diện tích 230ha (Hòa Bình).

Trong số các thành viên của PPCAT, doanh nghiệp duy nhất trên sàn chứng khoán là CTCP Bất động sản Điện lực Miền Trung (HoSE: LEC) – nơi 3 pháp nhân do ông Nguyễn Kháng Chiến làm Tổng Giám đốc nắm vốn. Đó là Công ty TNHH Lemony Hà Nội, Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Đoàn Linh Gia và Công ty TNHH MTV Đầu tư Phát triển và Xây dựng Việt Trung, với cùng tỷ lệ sở hữu 20,06%, tương đương tổng tỷ lệ 60,18% vốn điều lệ LEC.

LEC hoạt động chính ở lĩnh vực xây dựng. Trong năm 2021, LEC đã tham gia thi công xây dựng một số hạng mục của Tòa D thuộc dự án Tổ hợp Ánh Dương – Soleil Đà Nẵng (TP. Đà Nẵng), chủ đầu tư là thành viên cùng nhóm CTCP PPC An Thịnh Đà Nẵng. Nguồn thu liên quan đến PPC An Thịnh Đà Nẵng cũng chiếm tỷ trọng lớn với tỷ lệ từ 56,5% - 72,5% tổng doanh thu LEC.

Đáng chú ý, dù doanh thu hàng năm ổn định hàng trăm tỷ đồng, song lãi ròng LEC lại ở mức rất thấp. Cụ thể, năm 2018 và 2019 lãi sau thuế vỏn vẹn 787 triệu đồng và 15 triệu đồng; năm 2020 đạt 558 triệu đồng; và năm 2021 là 3 tỷ đồng.


Bên cạnh lĩnh vực xây dựng, LEC còn sở hữu một số dự án bất động sản như: Khách sạn An Thịnh Hòa Bình (chi phí xây dựng dở dang cơ bản tại thời điểm cuối năm 2021 là 23,6 tỷ đồng); Khu phức hợp EVN – Land Central Đà Nẵng giai đoạn 1 (tên thương mại là Khu căn hộ Harmony Tower) đã hoạt động từ quý II/2013.

Về phía PPCAT, công ty này (BCTC riêng lẻ) đã thua lỗ 4 năm liên tiếp trong giai đoạn 2016-2019. Trong đó, năm 2019 lỗ 10,6 tỷ đồng. Tại ngày 31/12/2019, quy mô tổng tài sản của PPCAT đạt 389,3 tỷ đồng, cao gấp 2,8 lần vốn chủ sở hữu.


Khác với PPCAT, một số thành viên của đơn vị này có kết quả kinh doanh khá tích cực.

Cụ thể, CTCP Bất động sản An Thịnh Hoà Bình (chủ KCN Lương Sơn) giai đoạn 2016-2019 đều đặn báo lãi qua các năm. Cao nhất là năm 2016 khi công ty này báo lãi 12,6 tỷ đồng.


Một doanh nghiệp khác cùng nhóm là CTCP An Thịnh – Quảng Nam (chủ đầu tư KCN Đông Quế Sơn) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực. Năm 2019, công ty này ghi nhận doanh thu đạt 156,1 tỷ đồng, báo lãi 22,9 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 57,5% và 37,7% so với năm 2018.


Xét về quy mô tổng tài sản trong nhóm PPCAT, CTCP PPC An Thịnh Đà Nẵng đứng ở vị trí quán quân khi đạt 3.740,8 tỷ đồng (tại ngày 31/12/2019), vốn chủ sở hữu 755,7 tỷ đồng. PPC An Thịnh Đà Nẵng là chủ đầu tư dự án Ánh Dương – Soleil có tổng mức đầu tư lên tới 10.000 tỷ đồng trên khu đất vàng 21.800m2 trên đường Phạm Văn Đồng, quận Sơn Trà, Đà Nẵng.

Tác giả: Huy Ngọc

Nguồn tin: Báo Nhà Đầu Tư

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP