Cam Thượng Lộc được biết đến là sản phẩm nổi tiếng, đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng cả về mẫu mã và chất lượng; mang đậm “dấu ấn” của vùng quê. Xóm Anh Hùng – Thượng Lộc được người dân nơi đây ví như nơi “khởi nghiệp” trồng loại cây ăn quả mang lại tiềm năng kinh tế cho địa phương, với 70 hộ trồng cam kinh doanh và 75% hộ trồng xen dắm. Từ nhiều mô hình kinh tế của xóm Anh Hùng, nghề trồng cam được nhân rộng ra toàn xã. Các xóm lân cận như Sơn Bình, Nam Phong, Vĩnh Xá, Thanh Mỹ cũng nhanh chóng bắt nhịp với xu thế phát triển chung, biến hàng trăm ha vườn rừng tạp thành những khu vườn kiểu mẫu. Chị Phan Thị Hiền – chủ trang trại Thanh Hiền (xóm Anh Hùng) chia sẻ: “Hiện tại, gia đình anh chị có hơn 1000 gốc cam và đã có 300 gốc cho thu hoạch từ nhiều năm nay. Chỉ tính riêng năm 2013, vườn cam đã cho thu nhập gần 1 tỷ đồng. Bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 12 âm lịch là thời điểm thu hoạch cam. Tuy nhiên, muốn để cam cho thu hoạch đúng vào dịp tết thì cần phải có kĩ thuật chăm sóc hợp lý. Ngoài việc trồng thêm một số cây giống dài ngày hơn bình thường, thì thời điểm bón phân cũng vô cùng quan trọng. Những cây cam được lựa chọn “để dành” bán Tết thì bón phân chậm hơn khoảng gần 1 tháng, chăm sóc kĩ hơn trong điều kiện thời tiết lạnh đột ngột để có những quả cam ngon nhất đến với thị trường”. Toàn xã Thượng Lộc có khoảng trên dưới 40 ha/150 ha cam đã cho thu hoạch, đem lại thu nhập bình quân 400 – 500 triệu đồng/ha. Thời điểm bình thường, cam được bán với giá từ 50 – 60 nghìn đồng/kg, đến thời điểm Tết, giá cam tăng gấp đôi đem lại lợi nhuận đáng kể cho nhân dân. Do vậy, để bảo đảm cam Tết đạt chất lượng tốt, người dân nơi đây không quản ngại khó khăn chăm chút cho những vườn cam trĩu quả.
Vườn can trĩu quả chuẩn bị đón thị trường tết
Xa những vườn cam vàng ươm màu quả chín, đến với những đồi chè xanh mướt ngút ngàn ở xóm Sơn Bình, chúng tôi bắt gặp nhiều lái buôn hối hả với những xe chè đầy đi cho kịp buổi chợ. Được biết, sản phẩm chè nơi đây có tuổi thọ khá lâu đời và có nét đặc trưng khá riêng biệt so với chè ở các vùng khác. Theo thời gian, cùng với bàn tay cần mẫn của con người, chè càng được nhân rộng và phát triển. Khi được hỏi về chè, anh Trần Văn Ninh (xóm Sơn Bình) say sưa: “Chè Thượng Lộc có lá không quá to bản nhưng xanh và rất dày, dùng tay bóp có tiếng răng rắc, cuống chè có màu vàng thay vì màu thâm đen như nhiều vùng khác. Khi vò nấu, nước chè có màu xanh, trong. Khi mới uống có vị thát đầu lưỡi, nhưng càng uống càng cảm nhận được vị ngọt tự nhiên và rất đậm đà”.
Vườn chè xanh mướt đón tết Nguyên đán
Được biết, chè Thường Lộc được bán quanh năm, nhưng trong năm có ba thời điểm thu hoạch chính: tháng 2, tháng 7 và tháng 12 âm lịch. Vào đợt này, bà con đã tích cực chăm sóc để có được vườn chè đẹp nhất phục vụ cho thị trường Tết sắp tới. Anh Võ Đình Anh chia sẻ: Khi cành còn ngắn cần phải cắt bớt ngọn để bán. Vì khi cắt ngọn, sẽ ra thêm nhiều cành mới vừa làm cho gốc chè rậm cành vừa có tác dụng làm chè dày lá. Đây là một “mẹo” nhỏ để chè Thượng Lộc đắt khách trong các dịp lễ Tết. Với tổng diện tích hơn 100 ha trồng chè, mỗi năm giá trị mang lại khoảng 100 – 120 triệu đồng/ha. Anh Võ Đình Hải cho biết: Khoảng từ ngày 10 – 15/12 Âm lịch, các thương lái từ nhiều nơi như Phú Lộc – Can Lộc, Đức Thọ, Hồng Lĩnh, Lộc Hà, TP Hà Tĩnh…đến và tự cắt lấy. Giá bán chè Tết từ 12 – 15 nghìn/kg có năm lên đến 20 nghìn/kg. Chỉ riêng tháng 12/2013 Âm lịch, gia đình tôi thu gần 40 triệu đồng/ một mẫu chè.
Anh Diệu chờ thời điểm để trảy lá đào
Cam và chè là hai sản phẩm “có tiếng” ở Thượng Lộc từ lâu đời. Tuy nhiên, trong những năm gần đây nhiều người dân nơi đây là thử nghiệm với việc trồng đào và đang đem lại hiệu quả tích cực. Hiện ở Thượng Lộc có gần 20 hộ trồng đào, dù trông ít hay nhiều thì người dân vẫn đang tin tưởng cây đào sẽ đem lại lợi ích kinh tế cao cho họ. Là một trong những người trồng đào lâu năm nhất ở Thượng Lộc, anh Phan Văn Diện – xóm Đồng Thanh chia sẻ: Năm 2004 anh bắt đầu trồng chơi một vài gốc đào, nhưng thấy bán cũng có thu nhập nên anh quyết định nhân rộng mô hình. Để biết cách chăm sóc và tạo thế cho cây đào, anh ra tận Hà Nội để tham khảo từ vườn đào Nhật Tân, hay đến các địa phương trong tỉnh nổi tiếng về đào như Thạch Vĩnh (Thạch Hà), Cẩm Hưng, Cẩm Thịnh (Cẩm Xuyên) để học hỏi. Đến nay, anh Diện đã sở hữu trên 150 gốc đào cho thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm. Hỏi về cách chăm sóc đào, anh Diện cho biết: Năm nay là năm Nhuận, thời tiết diễn biến thất thường, do vậy anh quyết định chưa trảy lá cho cây mà để cho lá rụng tự nhiên. Hiện tại một số cành đã nhú búp, nếu trảy lá thì cây sẽ cho hoa trước dịp Tết. Đến cuối tháng 11 âm lịch, khi cành đào vẫn chưa nhú búp hoặc mới nhú nhỏ thì lúc đó mới bắt đầu trảy lá. Đây là cách anh vẫn làm để “đón” thị trường đào Tết.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Viết Chân – PCT xã Thượng Lộc cho biết: “Hiện tại chính quyền xã cũng gấp rút hoàn thành những bước cơ bản để xây dựng thương hiệu cam chanh Thượng Lộc, mở rộng diện tích trồng cam vườn đồi đạt mức từ 200 -250ha trong năm 2015. Khuyến khích và tạo điều kiện cho nhân dân tiếp tục khai thác hiệu quả kinh tế từ trồng chè và trồng đào để góp phần lớn vào sự phát triển chung của toàn xã”. Bằng những kĩ thuật chăm bón hợp lý và sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền xã Thượng Lộc, tin tưởng rằng những sản phẩm có chất lượng từ vùng “đất cằn sỏi đá” này sẽ được đón nhận nhiệt tình tại thị trường Tết.
Hoài Thu