Sản phẩm mầm đậu nành Cela chưa đủ điều kiện lưu thông trên thị trường. Ảnh: B.Loan |
Lợi dụng mạng xã hội để bán hàng vi phạm
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, mạng xã hội là “thiên đường” rao bán hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, từ mặt hàng điện tử cho đến thời trang, mỹ phẩm, TPCN và thuốc. Sự lợi dụng mạng xã hội để bán hàng cũng khiến cơ quan chức năng rất khó để phát hiện nơi kinh doanh hoặc kho chứa trữ hàng hóa của các đối tượng, để xử lý vi phạm. Có thể nói, công tác xử lý vi phạm đã khó khăn, nhưng những vi phạm trong môi trường thương mại điện tử còn tinh vi, phức tạp hơn nhiều. Trong khi những mặt hàng hoá này cần được “mắt thấy, tay sờ” để tự thẩm định chất lượng thì nhiều người tiêu dùng vẫn tin tưởng để mở ví, đặt hàng trên mạng.
Cụ thể, trong thời gian qua, Báo Gia đình & Xã hội đã có nhiều bài viết về những nhãn hàng thực phẩm chức năng (TPCN), mỹ phẩm có dấu hiệu vi phạm quy định về hàng hoá nhưng vẫn được bán rộng rãi trên thị trường. Ví dụ như: Viên uống tăng cân, giảm cân Tiến Hạnh (Đông y gia truyền Tiến Hạnh – ở Đức Thọ, Hà Tĩnh); Ngũ cốc dinh dưỡng Fram – Cela (thuộc Công ty CP Đầu tư và phát triển thương mại Cela, số 18/104, ngõ 364, đường Giải Phóng, tổ 6, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội); Kem tan mỡ cô Bông (Công ty TNHH KDTM&DV T&T Việt Nam, ở Đinh Liệt, phường Lam Sơn, TP Thanh Hoá); thực phẩm hỗ trợ giảm cân Ido Slim…
Những “thương hiệu” trên được rao bán nhan nhản trên mạng xã hội. Đơn cử như ngũ cốc dinh dưỡng Fram (thuộc công ty Cela). Mặc dù các nhân viên bán hàng tự xưng là nhà phân phối đều khẳng định, sản phẩm về cơ bản đạt chuẩn được bán online, cửa hàng tạp hoá, thậm chí là cả quầy thuốc. Tuy nhiên, khi phóng viên đề nghị cung cấp địa chỉ bán và trưng bày sản phẩm cụ thể thì các nhà phân phối đều “im hơi lặng tiếng”. Thậm chí, sau đề nghị phối hợp, lực lượng chức năng tìm đến địa chỉ ghi trên nhãn thì đây chỉ là một ngôi nhà cấp 4 với cảnh “vườn không, nhà trống” mà không có bất cứ sản phẩm nào của Cela. Dù vậy, trên các trang mạng xã hội, sản phẩm mang nhãn Cela vẫn đang được quảng cáo rầm rộ với nhiều tác dụng trong một sản phẩm, như: Tăng kích thước vòng 1; giảm mỡ bụng; cân bằng nội tiết; điều hoà kinh nguyệt; giảm mụn, nám, tàn nhang…
Các sản phẩm tăng giảm cân của Tiến Hạnh cũng tương tự. Mặc dù trên nhãn sản phẩm tăng, giảm cân của Tiến Hạnh đều ghi địa chỉ tại Xóm 5, Liên Minh, Đức Thọ, Hà Tĩnh. Tuy nhiên, khi phóng viên liên hệ xác minh với các đơn vị liên quan, thì đại diện Đội Cảnh sát kinh tế huyện Đức Thọ, Sở Y tế tỉnh Hà Tĩnh, Phòng Y tế huyện Đức Thọ đều cho biết, trên địa bàn không có nhà thuốc hay cơ sở sản xuất sản phẩm Đông y nào mang tên Tiến Hạnh và cũng không có cơ sở Đông y Tiến Hạnh nào được cấp phép là Đông y gia truyền. Thậm chí, đại diện Chi cục ATVSTP tỉnh Hà Tĩnh khẳng định, Tiến Hạnh đang giả giấy chứng nhận, giả chữ ký và giả con dấu.
Trước đó, cùng với sự vào cuộc của lực lượng chức năng và kết quả từ Viện Khoa học hình sự Bộ Công an, trong những viên thuốc tăng cân mà công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) phát hiện, bắt giữ vào năm 2018 đều có 2 thành phần hoạt chất là Cinnarizine và Sibutramine nằm trong danh mục Cục Quản lý dược cấm lưu hành từ tháng 4/2011. Thực tế, “thuốc” mà nhiều nhà phân phối của Tiến Hạnh rao bán lại được nấu từ ngô, gạo nếp, mật mía và các loại hoạt chất nằm trong danh mục cấm lưu hành. Sau đó, được hoàn viên, đóng gói trong các hộp nhựa, tự gắn nhãn mác “bổ sung” thêm các thành phần không có như đinh lăng, tam thất… Thế nhưng, bằng nhiều mỹ từ quảng cáo, hiện nay, các sản phẩm mang nhãn Tiến Hạnh vẫn được rao bán trên thị trường mạng.
“Cuộc chiến” gian nan
Một sản phẩm mầm đậu nành mang nhãn Cela được quảng cáo nhiều công dụng. |
Thời gian qua, thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ và các Kế hoạch, Quyết định của Bộ Y tế về công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực dược, mỹ phẩm, an toàn thực phẩm và công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng… Bộ Y tế đã chuyển cơ quan công an một số vụ việc liên quan đến thuốc giả, dược liệu giả, như: Kinh doanh dược liệu Hoài sơn giả; kinh doanh thuốc Soferanib chữa ung thư không rõ nguồn gốc, không có số đăng ký lưu hành tại Việt Nam; sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thuốc điều trị trĩ An Thận Vương qua mạng xã hội…
Mặc dù Bộ Y tế tăng cường tổ chức đoàn kiểm tra lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng... nhưng phải nói rằng đây là một “cuộc chiến” cam go.
Trong buổi tổng kết thực hiện công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2018 và phương hướng nhiệm vụ năm 2019 của Bộ Y tế tổ chức ngày 2/5 vừa qua, đại diện các đơn vị của Bộ Y tế chỉ ra rằng, công tác đấu tranh phòng chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng của Bộ Y tế vẫn gặp không ít khó khăn. Việc sản xuất, kinh doanh các sản phẩm này mang lại lợi nhuận lớn nên thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi, phức tạp.
Mặt khác, lực lượng thanh tra y tế đã được củng cố và kiện toàn, song, vẫn còn quá mỏng so với yêu cầu công việc. Sự vào cuộc của chính quyền tại một số địa phương còn chưa kịp thời; công tác phối hợp liên ngành trong hoạt động thanh tra tại một số nơi chưa được chặt chẽ. Việc xử lý vi phạm tại một số địa phương chưa nghiêm, đặc biệt là tại tuyến cơ sở ít xử phạt hành chính mà chủ yếu nhắc nhở.
Tác giả: Bảo Loan
Nguồn tin: giadinh.net.vn