Trong nước

Thủ tướng đồng ý đầu tư hạ tầng cơ bản cho phát triển toàn diện tại Hà Tĩnh

Thủ tướng Chính phủ đồng ý đề xuất dự án “Hạ tầng cơ bản cho phát triển toàn diện tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị” vay vốn Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Thủ tướng Chính phủ giao UBND các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị tự đảm bảo vốn đối ứng theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg ngày 14/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020; lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư theo đúng quy định hiện hành.

Dự án “Hạ tầng cơ bản cho phát triển toàn diện các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị” sẽ được thực hiện trong thời gian 6 năm kể từ khi ADB phê duyệt từ Quỹ Phát triển Châu Á (ADF) với khoản vay trị giá 97 triệu USD. (Trong ảnh: TP. Hà Tĩnh)

UBND các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị rà soát, lựa chọn và ưu tiên các hợp phần đầu tư thực sự cần thiết, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, bảo đảm hiệu quả dự án; làm rõ khả năng tiếp nhận và năng lực thực hiện các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ đang triển khai trên địa bàn tỉnh.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính xác định cơ chế tài chính trong nước của dự án, đảm bảo các địa phương khi được phê duyệt tham gia dự án phải đáp ứng điều kiện về khả năng trả nợ, hạn mức vay nợ theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư trong tháng 1/2017.

Dự án “Hạ tầng cơ bản cho phát triển toàn diện các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị” sẽ được thực hiện trong thời gian 6 năm kể từ khi ADB phê duyệt từ Quỹ Phát triển Châu Á (ADF) với khoản vay trị giá 97 triệu USD.

Mục tiêu của dự án nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, nâng cao khả năng cạnh tranh vùng nhằm đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa thị trường của nền kinh tế khu vực Bắc Trung bộ.

Trước mắt, dự án sẽ cải tạo và xây dựng mới các công trình hạ tầng giao thông nhằm nâng cao khả năng liên kết vùng; thúc đẩy sản xuất kinh tế và hàng hóa; cải thiện môi trường và tăng tính liên kết giữa các địa bàn trong khu vực cũng như với những địa bàn hành lang ven biển, vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi và các khu vực khó khăn hơn.

Đồng thời tiến hành nâng cấp, xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất nhằm đẩy mạnh tăng trưởng, nâng cao khả năng cạnh tranh; thu hút đầu tư vào các vùng kinh tế trọng điểm của khu vực; thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa, góp phần quan trọng trong liên kết kinh tế; thu hút nguồn vốn tại địa phương cho phát triển kinh tế – xã hội và giảm nghèo trong toàn khu vực.

P.V

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP