Trong nước

Thu hút đầu tư du lịch vào các tỉnh phía bắc và Bắc Trung Bộ

Trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam, vùng du lịch Bắc Bộ và một phần Bắc Trung Bộ bao gồm 28 tỉnh, thành phố từ Hà Giang đến Hà Tĩnh, với diện tích tự nhiên lớn nhất so với các vùng du lịch khác, đồng thời đa dạng về tài nguyên du lịch, có thể được coi là hình ảnh thu nhỏ của bức tranh du lịch Việt Nam. Tiềm năng lớn, nhưng đầu tư du lịch chưa tương xứng do môi trường và chính sách đầu tư còn nhiều hạn chế.

Hòn Trống Mái, điểm du lịch hấp dẫn ở Sầm Sơn (Thanh Hóa).

Các tỉnh khu vực phía bắc và một phần Bắc Trung Bộ có tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn vô cùng phong phú. Trong những năm qua, hoạt động du lịch khu vực đã được quan tâm đầu tư. Cơ sở hạ tầng du lịch, xây dựng sản phẩm, đào tạo nhân lực, quảng bá, xúc tiến du lịch đã được cải thiện một bước về chất lượng và mở rộng về quy mô, đáp ứng một phần nhu cầu của du khách. Tuy nhiên, so với lợi thế về vị trí địa lý, tiềm năng phát triển du lịch của vùng thì kết quả đầu tư du lịch cho các tỉnh khu vực phía bắc và một số tỉnh Bắc Trung Bộ vẫn còn nhiều hạn chế. Nhiều địa phương có tiềm năng du lịch như Hà Giang, Hải Phòng, Ninh Bình, Cao Bằng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh… chưa thu hút được nhiều dự án du lịch. Nguyên nhân là do hạn chế trong môi trường pháp lý, môi trường đầu tư kinh doanh chưa thật bình đẳng, thiếu minh bạch, công khai; mặt khác chính sách xúc tiến kêu gọi đầu tư du lịch ở nhiều địa phương chưa thật sự được quan tâm.

Theo các chuyên gia của ngành du lịch, chiến lược phát triển du lịch vùng cần tập trung đầu tư quy hoạch các điểm du lịch, các khu du lịch có ý nghĩa quốc gia và quốc tế. Nhưng để thu hút đầu tư đúng hướng, hiệu quả và bền vững, công tác quy hoạch du lịch cần được đặc biệt coi trọng, đi trước một bước. Các tỉnh trong khu vực cần phải tập trung xây dựng và hoàn thiện quy hoạch phát triển du lịch cụ thể của địa phương trên cơ sở tổng thể của vùng, xác định nơi nào cần tập trung đầu tư phát triển trước, trong đó tính đến yếu tố liên kết, liên vùng. Có thể nghiên cứu, thuê chuyên gia nước ngoài quy hoạch tổng thể và chi tiết các tuyến, điểm du lịch của địa phương. Trên cơ sở quy hoạch đã được phê duyệt, tập trung quản lý những khu vực trọng điểm du lịch, không để tình trạng chiếm đất, đầu tư tràn lan, gây lãng phí sức người, sức của, làm phá vỡ quy hoạch và ảnh hưởng tới việc thu hút đầu tư. Ðồng thời phải kiên quyết xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân không tuân thủ quy hoạch trong đầu tư phát triển du lịch.

Vấn đề thứ hai là tập trung đầu tư, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng nói chung và cơ sở hạ tầng du lịch nói riêng. Ðây là điều kiện tiên quyết, kích thích thu hút các nhà đầu tư. Thực tế cho thấy, nhiều điểm du lịch khá hấp dẫn du khách nhưng việc tiếp cận không thuận lợi, nhất là tại các địa phương vùng núi, vùng xa, các bản làng dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc, Ðông Bắc nước ta. Nhà nước nên có chính sách ưu tiên xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện cho các dự án đầu tư trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội nói chung và du lịch nói riêng. Ðẩy nhanh tiến độ đầu tư, nâng cấp, mở rộng các tuyến quốc lộ, lắp đặt sớm các bảng chỉ dẫn có sử dụng những hình ảnh đặc trưng của dân tộc ở địa phương, nâng cấp, mở rộng các tuyến đường đèo đi lại nguy hiểm. Tập trung đầu tư các điểm dừng chân ngắm cảnh cho du khách dọc các tuyến, điểm tham quan, ban hành cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các điểm dừng chân này.

Bên cạnh đó, các địa phương cần quan tâm, có chính sách thu hút nguồn lực đầu tư, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, nơi có tài nguyên du lịch độc đáo với phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, nhưng hiện vẫn chưa được quy hoạch đầu tư phát triển tương xứng với tiềm năng. Tại các tỉnh miền núi, tập trung thu hút đầu tư, nâng cấp các cơ sở lưu trú hiện có, đồng thời xây dựng mới các cơ sở lưu trú theo hướng xây dựng các resort nghỉ dưỡng núi, các bungalow, nhà sàn,… theo đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số. Không nên đầu tư những khách sạn lớn, cao cấp ở khu vực miền núi vì khách du lịch đến với các tỉnh này chủ yếu là du khách ưa khám phá, mạo hiểm. Nhu cầu ăn, nghỉ của họ khá đơn giản và nghiêng về phía hòa nhập cộng đồng dân cư. Trong phát triển sản phẩm du lịch, ngành du lịch và các địa phương nên coi trọng đầu tư phát triển sản phẩm theo hướng khác biệt, có chất lượng cao tại các tỉnh, nhằm đa dạng hóa sản phẩm. Ðây là yếu tố quyết định trong việc thu hút khách hiện nay. Bên cạnh đó, Nhà nước ở cấp trung ương và địa phương cần đơn giản hóa thủ tục đăng ký đầu tư, tạo môi trường đầu tư du lịch thông thoáng, có chính sách ưu tiên, tạo điều kiện thúc đẩy cho đầu tư vào lĩnh vực du lịch, vì du lịch phát triển sẽ góp phần quan trọng trong việc xóa đói, giảm nghèo, nhất là các tỉnh vùng núi phía bắc và miền trung nước ta. Hoạt động đầu tư, kinh doanh du lịch nên theo hướng xã hội hóa, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tư nhân xây dựng cơ sở dịch vụ, lưu trú, nhà hàng. Nên hướng đầu tư vào các dự án phát triển du lịch cộng đồng, thu hút người dân địa phương tham gia và được hưởng lợi từ hoạt động du lịch.

Trong quá trình mời gọi đầu tư du lịch, không thể thiếu việc tăng cường xúc tiến đầu tư du lịch cho các tỉnh, thành phố, nhất là các địa phương khu vực Tây Bắc, Ðông Bắc. Sự liên kết vùng trong xúc tiến thu hút đầu tư du lịch vừa tiết kiệm kinh phí, vừa tăng hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư, qua đó tranh thủ vốn, công nghệ và kinh nghiệm xây dựng, vận hành, quản lý các cơ sở này.

TS NGUYỄN ANH TUẤN

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP