Ngày 19/4, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi và Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Quang Thái chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính những tháng đầu năm 2022.
Thứ trưởng Mai Lương Khôi và Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Quang Thái chủ trì hội nghị sáng 19/4 (Ảnh: Thế Kha). |
Kết quả cho thấy, 6 tháng qua, tổng số việc thi hành án dân sự phải thi hành trên 587.700 việc, trong đó số có điều kiện thi hành trên 410.600 việc; đến nay đã thi hành xong trên 202.000 việc, đạt tỷ lệ 49,2%.
Tổng số tiền phải thi hành trên 292.400 tỷ đồng, trong đó có điều kiện thi hành gần 160.000 tỷ đồng. Cơ quan thi hành án dân sự đã thi hành xong gần 35.200 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 22%.
Về thi hành án tín dụng ngân hàng, đã thi hành xong là 2.487 việc, tương ứng với trên 11.108 tỷ đồng.
Đối với thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, đại diện Tổng cục Thi hành án dân sự cho biết đã thi hành xong 715 việc tương ứng với trên 9.050 tỷ đồng.
"Đã tổ chức thi hành xong 45 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, với tổng số tiền gần 35.000 tỷ đồng"- cơ quan này thông tin.
Bên cạnh đó, các cơ quan thi hành án dân sự đã thực hiện thủ tục theo dõi đối với 262/262 bản án đã có quyết định buộc thi hành án của tòa án; trong đó có 56 văn bản kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với vụ việc do vi phạm nghĩa vụ thi hành án. Các cơ quan hành chính đã thi hành xong 94/622 việc, đang tiếp tục thi hành 528 việc.
Ghi nhận kết quả ngành thi hành án đã làm được, đặc biệt trong thu hồi tiền liên quan đến tổ chức tín dụng và các vụ án tham nhũng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi đánh giá tổng cục và các cơ quan thi hành án đã có nhiều giải pháp, cố gắng trong tham mưu nâng cao kỷ cương, kỷ luật chấp hành pháp luật.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi (Ảnh: An Như). |
Ông Khôi chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc của các cơ quan thi hành án dân sự trong triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao và lưu ý những khó khăn, thách thức sắp tới, nhất là trước yêu cầu ngày càng cao của Đảng, Nhà nước, người dân, doanh nghiệp đối với ngành.
Toàn ngành cần tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực trong công tác. Tổng cục Thi hành án dân sự và các cơ quan thi hành án tích cực tham mưu, đề xuất nhằm tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự các cấp và sự phối hợp của các ngành công an, kiểm sát, tòa án, nội chính, tài nguyên môi trường...
Tác giả: Thế Kha
Nguồn tin: Báo Dân Trí