Thông tin về tình hình tội phạm những tháng đầu năm tại Hội thảo khoa học công tác phòng ngừa tội phạm trong giai đoạn hiện nay, do Bộ công an tổ chức sáng nay (30/11), Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên - Phó Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2021, toàn quốc xảy ra 34.638 vụ phạm tội về trật tự xã hội, giảm 11,23% so cùng kỳ năm 2020 và giảm 17,16% so với cùng kỳ năm 2019.
Hầu hết các loại tội phạm đều giảm. Trong đó, tội phạm giết người (-7,65%), giết người, cướp tài sản (-17,24%), cố ý gây thương tích (-15,52%), hiếp dâm (-4,04%), hiếp dâm trẻ em (-0,21%), trộm cắp tài sản (-13,72%), cướp tài sản (-20,67%), cướp giật tài sản (-15,44 %), cưỡng đoạt tài sản (-2,23%).
Hội thảo khoa học Công tác phòng ngừa tội phạm trong giai đoạn hiện nay diễn ra sáng 30/11 |
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên cho rằng, hoạt động của tội phạm hình sự còn nhiều diễn biến phức tạp, số vụ rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng tăng (xảy ra 3.987 vụ, tăng 15, 57%), cho thấy tính chất của tội phạm nghiêm trọng hơn. Trong đó, nổi lên là nhóm tội phạm mang tính bạo lực cao còn xảy ra nhiều (24 vụ giết người cướp tài sản; 22 vụ giết người từ 2 người trở lên; nhiều vụ giết người thân, giết người do “ngáo đá”, “tâm thần”).
Cùng với đó, tình trạng thanh thiếu niên đánh nhau ở địa phương làm nhiều người chết và bị thương; bạo lực gia đình, bạo hành, xâm hại trẻ em tăng (số vụ giao cấu với trẻ em tăng 2,81%; mua bán người dưới 16 tuổi tăng 66,67%).
Theo Phó Chánh Văn phòng Bộ Công an, dịch bệnh COVID-19 cũng làm gia tăng 44,44% số vụ vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người; chống người thi hành công vụ tăng 37,08%, trong đó, chống lại lực lượng phòng, chống dịch COVID-19 và lực lượng Công an tăng 56,34%.
Nhóm tội phạm xâm phạm sở hữu (cướp, cướp giật, cưỡng đoạt, lừa đảo, trộm cắp) chiếm tỷ lệ cao (49,67%), trong đó, tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản tăng 4,51%, nhất là lừa đảo qua Internet, mạng xã hội, nhiều vụ lên đến hàng trăm tỷ đồng.
10 tháng đầu năm, Bộ Công an cũng phát hiện 306 vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ (nhiều hơn 25,41%); 3,939 vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế (ít hơn 40,08%). Đáng chú ý, phát hiện, điều tra nhiều vụ liên quan tài chính, ngân hàng, đất đai, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước; quản lý, sử dụng tài sản, vốn đầu tư công; Tiếp tục phát hiện nhiều vụ vi phạm đấu thầu trong lĩnh vực y tế (vụ tại BV Tim Hà Nội, Bạch Mai, một số BV, Sở Y tế Cần Thơ, Sơn La, Hà Tĩnh, TP.HCM), lĩnh vực giáo dục (tại Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh, Điện Biên, Thanh Hóa, Cần Thơ).
Cùng với đó, do giãn cách xã hội, tăng cường làm việc trực tuyến, sử dụng Internet, mạng xã hội nên tội phạm, vi phạm pháp luật sử dụng công nghệ cao tăng lên 85,54% số vụ. Trong đó, đáng chú ý trên lĩnh vực thương mại điện tử diễn ra phức tạp, nhất là thủ đoạn lợi dụng xuất nhập khẩu và hoạt động của doanh nghiệp FDI để gian lận, giả mạo xuất xứ, nhãn mác hàng hóa, lẩn tránh thuế, trục lợi thương mại...
Ông Hoàng Anh Tuyên cũng cho biết, tội phạm ma túy vẫn hoạt động mạnh. Lực lượng triệt phá nhiều đường dây lớn, xuyên quốc gia; nhiều vụ mua bán, vận chuyển ma túy đường bưu điện, đường biển, đường hàng không; sử dụng mạng xã hội để giao dịch, mua bán ma túy; lợi dụng xe “luồng xanh” để vận chuyển ma túy vào các địa bàn giãn cách ly, phong tỏa.
Ở nhiều địa phương tình trạng thanh thiếu niên sử dụng ma túy tổng hợp trong quá bar, vũ trường, nhà hàng, karaoke xảy ra còn nhiều, xu hướng tăng. Toàn quốc hiện có hơn 230.000 người nghiện có hồ sơ quản lý, trong đó, có hơn 2.500 đối tượng có biểu hiện “ngáo đáo”, là một trong những nguyên nhân, điều kiện phát sinh nhiều tội phạm./.
Tác giả: Nguyễn Hiền
Nguồn tin: Báo VOV