Ông Đồng cho biết, Sở Nội vụ Đà Nẵng đang xây dựng quy định để tổ chức thi và xin ý kiến ban cán sự Đảng UBND TP, Thành ủy.
Chức danh dự kiến thi tuyển gồm giám đốc, phó giám đốc sở, ngoài ra còn có các cơ quan quận huyện (trưởng, phó phòng) và các đơn vị sự nghiệp.
Ứng viên cần đáp ứng các tiêu chuẩn nào, thưa ông?
- Đối tượng dự thi phải nằm trong quy hoạch, có thể ở trong hoặc ngoài cơ quan. Trong cơ quan, ai được quy hoạch cho các vị trí chức danh đó đều buộc phải thi. Trường hợp anh không thi thì sẽ bị đưa ra khỏi quy hoạch.
Ở ngoài cơ quan, ứng viên cũng phải được quy hoạch ở vị trí tương đương. Ví dụ công chức sở A có thể thi ở sở B nhưng ở sở A anh cũng phải được quy hoạch ở vị trí tương đương.
Bây giờ chúng tôi đang xin chủ trương, khi ban hành quy định cụ thể rồi mới triển khai. TP chưa xác định sẽ lựa chọn cơ quan hành chính nào nhưng hiện nay cũng đã nhắm một số sở. Ở đó họ cũng đã đồng thuận sẽ tổ chức thi. Khi ban hành quyết định thì sẽ thi tuyển.
Người ngoài sẽ không có cơ hội tham gia thi tuyển các chức danh này?
- Theo yêu cầu thì anh phải là công chức nếu là cơ quan hành chính, hoặc viên chức nếu là đơn vị sự nghiệp.
Ông Võ Ngọc Đồng. Ảnh: Cao Thái |
Chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm từ những lần trước, và cũng dựa vào quy định để tổ chức đảm bảo theo đúng pháp luật. Hiện tại đang có những quy định buộc mình phải thực hiện. Mình cũng rất muốn tổ chức thi rộng rãi, nhưng theo quy định anh muốn vào vị trí cơ quan hành chính thì phải là công chức.
Nếu anh không phải công chức thì không thể thi vì luật Công chức không cho phép. Tương tự, anh muốn làm một đơn vị sự nghiệp thì bản thân cũng phải là viên chức mới được làm.
Ngoài ra, hiện nay, Thành ủy, Ủy ban cũng ban hành quy định về tiêu chuẩn chức danh. Ví dụ giám đốc sở thì phải có trình độ đại học và các bằng cấp liên quan. Theo quy định này thì anh phải đảm bảo được các yêu cầu, đáp ứng tiêu chuẩn cho vị trí đó mới được tham gia thi.
Triệt tiêu yếu tố tiêu cực
Hội đồng chấm thi sẽ được tổ chức như thế nào?
- Thành viên hội đồng sẽ được chọn theo quy định, với khoảng 70% là cấp có thẩm quyền bổ nhiệm.
Ví dụ chấm chọn vị trí trưởng phòng thì phải có 2/3 tập thể lãnh đạo sở đó, đại diện các cơ quan liên quan. Thậm chí một số lĩnh vực cần chuyên môn thì sẽ mời các nhà chuyên môn sâu giúp cho hội đồng chấm chọn.
Những người ứng tuyển sẽ vừa thi viết vừa trình bày đề án trước hội đồng.
Theo ông, việc tuyển chọn chức danh lãnh đạo đơn vị qua hình thức thi tuyển này có bịt kín mọi khe hở phát sinh tiêu cực trong bổ nhiệm cán bộ?
- Tôi nghĩ cách làm này sẽ cơ bản loại bỏ được yếu tố tiêu cực. Một hội đồng chấm chọn công khai, với sự tham dự của tập thể lãnh đạo, công chức cơ quan đó và cả cơ quan khác cùng tham dự, nhận xét sẽ tạo ra sự minh bạch.
3 ứng viên thi tuyển chức danh Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng năm 2015. Ảnh: VGP |
Thêm nữa, thành viên hội đồng phải có trách nhiệm với sự lựa chọn của mình. Nếu anh làm không đúng người ta sẽ dị nghị. Uy tín của thành viên hội đồng và cách tuyển chọn sẽ bị ảnh hưởng.
Đà Nẵng cũng từng thi tuyển chọn ở một số vị trí và được dư luận đánh giá cao. Ông có thể chia sẻ thêm điều gì về cách làm của TP trong những đợt tới?
- Lâu nay Đà Nẵng cũng đã tổ chức và dư luận rất ủng hộ. Hiện nay có một số đơn vị cũng mong muốn được triển khai thi tuyển.
Xưa nay với cách truyền thống thì mình chọn người theo quy hoạch. Với thi tuyển công khai sẽ có ưu thế là chọn được người mà mình muốn chọn. Tôi nghĩ rằng cách làm này sẽ chọn được những người đích thực.
Tác giả: Cao Thái
Nguồn tin: Báo VietNamNet