Kinh tế

Thị trường bia Việt: Cạnh tranh khốc liệt

Theo quy hoạch phát triển đến năm 2020, ngành bia Việt Nam sẽ đạt sản lượng khoảng 4,1 tỉ lít, đến năm 2025 tăng lên 4,6 tỉ lít và cán mốc 5,5 tỉ lít vào năm 2035.

Tuy nhiên tính đến hết năm 2017, lượng tiêu thụ đã đạt hơn 4 tỉ lít. Ngành bia Việt Nam luôn duy trì mức tăng trưởng trên 5% trong khi nhiều thị trường đã đi ngang hoặc tăng trưởng âm vài năm trở lại đây.

Những con số trên lý giải sức hấp dẫn lớn của thị trường bia Việt. Không chỉ các nhà đầu tư nước ngoài dòm ngó, tấn công mà doanh nghiệp (DN) lớn trong nước cũng nhảy vào xí phần. Đại gia Thái Lan TCC sau khi làm chủ Sabeco vẫn đang nhắm đến cổ phần một số hãng khác. Heineken một mặt duy trì tăng trưởng, một mặt mở rộng sở hữu nhiều nhãn hiệu bia.

Thị trường bia hấp dẫn, sôi động vậy nhưng nhiều chuyên gia lĩnh vực đồ uống và nước giải khát cho rằng rất khốc liệt và đầy cạm bẫy. Trao đổi với báo giới gần đây, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia Rượu Nước giải khát Việt Nam (VBA), cho biết thời gian qua nhiều DN trong nước lẫn nước ngoài đã "tháo chạy" khỏi thị trường. BGI, San Miguel, Foster… đã âm thầm rút lui.

Trong nước, quyết định bán lại nhà máy bia lẫn thương hiệu Zorok của "ông lớn" Vinamilk được đánh giá là lựa chọn thông minh. Tân Hiệp Phát "buông" thương hiệu bia tươi Laser sau khi đổ vào đó 20 triệu USD trong 2 năm và gần đây nhất Tập đoàn Masan đầu tư lớn vào thương hiệu bia Sư Tử Trắng nhưng không mấy khả quan. "Bán bia ở Việt Nam rất vất vả, phải giỏi mới tồn tại. Những năm 2015-2016 các "câu lạc bộ bia" mọc lên dày đặc thì nay đã đóng cửa gần hết. Chỉ một số thương hiệu lớn như Heineken, Sabeco, Tiger... phát triển tốt, số còn lại khá èo uột" - ông Việt dẫn chứng.

Xu hướng người dân tiêu thụ bia cao cấp nhiều hơn. Ảnh: TẤN THẠNH

Theo số liệu của các công ty nghiên cứu thị trường, thị phần bia Việt Nam đang do 3 DN lớn là Sabeco, Heineken và Habeco làm chủ với tỉ lệ lần lượt là 40%, 28% và 18%. Vài năm trở lại đây, phân khúc này tăng trưởng chậm lại, ở mức khiêm tốn 3,7%. Phân khúc bia cao cấp tăng trưởng đến 7,2%, do các nhãn hiệu Heineken, Tiger và Sapporo chi phối.

Chuyên gia kinh tế Võ Văn Quang, người từng tư vấn cho nhiều hãng bia tại Việt Nam, cho rằng cạnh tranh trên thị trường bia rất khắc nghiệt nên DN rất dễ chết, ngay cả những thương hiệu lớn trên thế giới cũng khó tồn tại ở Việt Nam nếu làm thị trường hời hợt và không quyết tâm, tạo hình ảnh chất lượng kém trong mắt người tiêu dùng. "Thắng thua trong ngành bia phụ thuộc vào bí quyết marketing chứ không hẳn do vấn đề tài chính, công thức sản phẩm. Các DN giành giật thị phần ở cả kênh truyền thông lẫn nhà hàng, quán nhậu nhưng hơn nhau ở việc định vị đúng phân khúc, xây dựng thương hiệu đúng đẳng cấp khách hàng" - chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang nhấn mạnh.

Thương hiệu Sapporo của Nhật hiện đã trụ được ở phân khúc bia cao cấp khu vực ngoại thành. Nhà đầu tư đến từ Nhật vừa nâng công suất nhà máy từ 50 triệu lít trong giai đoạn đầu lên 200 triệu lít. Bia Sư Tử Trắng dần có chỗ đứng ở các tỉnh miền Tây, đang manh nha tấn công thị trường phía Bắc. Bia Đại Việt, Huda sống tốt, tăng trưởng mạnh tại các thị trường chính nhờ định vị khôn khéo.

Các chuyên gia đánh giá Việt Nam đang đứng sau Nhật về mức tiêu thụ trên đầu người nhưng dẫn đầu châu Á về mức tiêu thụ bia nên sắp tới thị trường sẽ cạnh tranh khốc liệt và lý thú hơn. Sẽ có thêm những gương mặt mới gia nhập thị trường, ngược lại bia Việt sẽ đi ra thế giới nhiều hơn. Người tiêu dùng Việt Nam đang chi nhiều hơn cho phân khúc bia cao cấp, dần chọn bia thay thế cho rượu vang nên bia của Hà Lan, Bỉ, Đức, Đan Mạch… sẽ "vào" nhiều hơn. Muốn "hốt bạc" ở thị trường bia, các DN không có lựa chọn nào khác ngoài việc đa dạng hóa sản phẩm, xây dựng đẳng cấp thương hiệu - bài toán không dễ kể cả với những tay chơi lớn.

Tác giả: Phương An

Nguồn tin: Báo Người lao động

  Từ khóa: bia Việt: , cạnh tranh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP