Sau khi đọc bài viết vụ nhóm học sinh ném dép vào cô giáo tại trường THCS Văn Phú (Sơn Dương, Tuyên Quang), nhiều độc giả bày tỏ căm phẫn, lên án hành vi hỗn láo của học sinh. Họ cũng xót xa khi nữ giáo viên này bất lực, không dám chống cực, cho đến khi bị ép vào tường thì chỉ dám dùng điện thoại quay lại.
Độc giả đề nghị đưa học sinh vào trường giáo dưỡng, hoặc đuổi học bởi không nuốn nắn từ bây giờ sẽ hỏng cả thế hệ.
Đau đớn khi chữ Thầy bị xem nhẹ
Độc giả Nguyễn Hùng Cường viết: Thật đau đớn khi chính những học sinh của mình dạy dỗ hàng ngày lại quay ra đùa cợt, coi khinh. Nữ giáo viên đứng nép mình ở góc lớp có lẽ cũng đại diện cho sự yếu đuối, thiệt thòi mà hàng triệu thầy cô đang chịu.
Khi xảy ra sự cố, mọi phụ huynh đều đúng, học sinh đúng, xã hội đúng, chỉ cô giáo luôn luôn sai. Đây chính là minh chứng rõ nét nhất cảnh tỉnh xã hội về tình trạng đạo đức một số học sinh chạm đáy, chữ Thầy bị xem nhẹ.
Đề nghị có biện pháp đủ mạnh để xử lý nhóm học sinh này, cho lao động công ích 2 tháng (quét rác, xé quảng cáo ở cột đèn tại địa phương), không thể nuông chiều, bao biện thêm nữa.
Các em này cũng phải công khai xin lỗi thầy cô vì hành vi hỗn láo, thậm chí có thể cho học sinh lưu ban một năm. Học sinh không nhớ ơn thầy cô mà còn hành động hỗn như vậy, thì ở nhà các em cũng sẽ có hành động như vậy với cha mẹ.
Độc giả Quang nêu ý kiến: Trong bất kỳ tình huống nào thì hành động cả nhóm học sinh mới lớp 6 lớp 7 chốt cửa bạo hành giáo viên là điều cực kỳ tồi tệ về đạo đức. Cần nghiêm trị ngay lập tức để bảo vệ các giá trị xã hội.
Giáo viên nếu sai thì đó là chuyện của quản lý nhà trường và ngành xử lý. Không riêng gì cơ quan quản lý giáo dục, cả cơ quan công an cũng cần có động thái xử lý cần thiết để làm gương và đảm bảo không còn xãy ra sự việc tương tự.
Hình ảnh nhóm học sinh dồn nữ giáo viên vào góc tường, liên tục xúc phạm. (Ảnh cắt từ clip) |
Độc giả Hoàng Tiến Dũng viết: Quá buồn với sự suy đồi đạo đức của nhóm học sinh này. Đây cũng là sự cảnh tỉnh cho học sinh, xã hội sự thiếu sự tôn trọng với các thầy cô giáo. Phải thay đổi ngay.
Độc giả Nguyễn Khước thẳng thắn: Tôi cũng là giáo viên, 17 năm đi dạy là bao thăng trầm, câu chuyện, kỷ niệm vui buồn, nhưng chưa bao giờ bị rơi vào hoàn cảnh như cô giáo ở Tuyên Quang. Sự hỗ láo, hành vi thiếu chuẩn mực của các em sẽ triệt tiêu lòng yêu nghề, yêu trẻ của thầy cô, đặc biệt là những giáo viên đang dạy tại trường THCS Văn Phú.
Vết thương niềm tin học sinh gây ra cho cô H thật khó được chữa lành. Cần phải chuyển các học sinh vô đạo đức này vào trường giáo dưỡng quản thúc. Để các em trong cộng đồng sẽ ảnh hưởng xấu đến các bạn cùng lớp. Cần tách rời học sinh để giáo dục theo định hướng của luật pháp.
Sau khi xem xong clip về nhóm học sinh với cô giáo Tuyên Quang, độc giả Huỳnh Đức Tuấn chia sẻ: Tôi thật sự thấy đau tim trước những lời nói, hành động như "phim hành động băng đảng xã hội đen". Bất luận giáo viên sai điều gì, nhưng học sinh tụ họp hội đồng dồn ép, đánh đập, chửi bới, làm nhục cô giáo như vậy là không thể chấp nhận. Các em này không khuyên răn được nữa rồi, cần biện pháp mạnh hơn.
Mong là dưới sự chỉ đạo của các cấp chính quyền sẽ làm rõ nguyên nhân để tìm hướng giải quyết, không thể để nền giáo dục và đạo đức xã hội xuống cấp trầm trọng.
Chúng ta suốt ngày nói trẻ không biết gì, khi xảy ra chuyện thì gặp gỡ động viên, kỷ luật, xin lỗi... nhưng không răn đe, nghiêm khắc, hậu quả tình trạng đạo đức học đường đi dần về âm vô cùng và tội phạm đang trẻ hóa. Đề nghị có phương án cho học sinh đi học giáo dưỡng, ngăn chặn sớm hành vi hung hăng khác gây ảnh hưởng cho bạn bè, thầy cô xung quanh.
Giáo viên không còn quyền gì
Theo độc giả Hoàng Hồ: Đạo đức học sinh bây giờ xuống cấp, trong trường học sinh vi phạm thì giáo viên cũng không được nhắc nhở trước trường, trước lớp, mà phải gặp riêng để trao đổi, góp ý vì sợ "ăn vạ như trong clip ở Tuyên Quang vừa qua.
Phụ huynh luôn miệng trăm sự nhờ thầy cô, nhưng chỉ cần thầy cô chỉ nặng lời chút với con thì lập tức kéo lên trường đòi kiện, đòi nhà trường đuổi việc giáo viên. Không biết giáo dục đi về đâu đây.
Chỉ cần cô giáo không giữ được bình tĩnh mà véo tai một trong những học sinh đang có thái độ đó thì ngay lập tức phụ huynh sẽ bênh con hết chỗ nói. Họ luôn cho là con mình đúng, cháu nó ngoan lắm. Còn nếu giáo viên ra tay chống cự hay có hành động lại quy vào bạo lực và thiếu trách nhiệm. Có lẽ vì thế giáo viên giờ chấp nhận để cho học sinh gây rối.
Độc giả Văn Liên nhớ lại: Học xong đã 5-10 năm, nhưng mỗi lần thấy thầy cô đi qua thì cả lớp đều dừng lại, cúi chào, còn bây giờ thì học sinh ném dép vào giáo viên.
Bạn đọc Vanbien viết: Thời tôi học giáo viên quát là im bặt luôn, không cẩn thận lại bị ăn bạt tai, nêu tên đứng trước toàn trường, rồi thêm combo thầy phó hiệu trưởng cho ăn bạt tai. Tiếp đến là giáo viên chủ nhiệm liên hệ với bố mẹ tiếp tục đến ăn roi vào mông.
Họp phụ huynh thì bố mẹ nào cũng đề nghị cô cứ đánh thật mạnh nếu con hư. Nói chung thời ấy đa phần học trò ngoan, giờ đi làm rồi nghĩ lại mới thấy thầy cô, bố mẹ làm vậy là đúng.
Độc giả Sonha: Giáo dục xuống cấp quá rồi, đổi mới giáo dục học sinh không còn sợ thầy cô, đến cả bố mẹ cũng không sợ. Giáo viên không được làm những gì cho là đúng, không được cho học sinh trượt.
Các môn mĩ thuật, thể dục mà cho điểm thấp thì phụ huynh nhảy dựng lên, hiệu trưởng cũng sợ mất thành tích.
Độc giả LV viết: Tôi thấy học sinh bây giờ như vậy là do nhiều yếu tố, nhưng quan trọng nhất vẫn là giờ đây thầy cô giáo không có quyền hạn gì. Hơi dọa học sinh hoặc đánh nhẹ một cái là bị lên án. Bậc cha mẹ thì cứ thích thành tích con nhà tôi phải là nhất.
Ngành giáo dục bây giờ chỉ chú tâm vào việc chạy đua thành tích, làm sao để trường không có học sinh yếu kém, nhưng học sinh yếu kém vẫn là học sinh giỏi. Xưa một lớp học chỉ có vài người là học sinh giỏi có giấy khen, giờ gần như cả lớp đều có giấy khen.
Độc giả Conan: Cô giáo sai thì bị kỷ luật, phạt này nọ, nếu học sinh sai có bị phạt không nhỉ? Theo tôi cần hình thức xử lý những trẻ em có cách hành xử như vậy. Ở nước ngoài, người ta còn phạt trẻ em phải lao động công ích cho mỗi lần làm sai.
Đây là hệ luỵ xuống cấp đạo đức của cả xã hội, cả sự giáo dục của gia đình, đua đòi theo xã hội, không còn giá trị thật của học tập. Đây cũng là báo động cho nền tảng đạo đức thế hệ tương lai bị xuống cấp, thiếu sự quan tâm, giáo dục.
Ban đọc Tiên Hà viết: Khoảng 10 năm trở lại đây 2 chữ lễ - nghĩa đang bị xói mòn dần. Thật đau lòng và càng đau lòng hơn khi một giáo viên đang lên lớp mà bị chính học sinh mình đang dạy hành hung và ném dép trúng đầu đến ngất xỉu. Trong lịch sử ngành giáo dục chắc có lẽ đây là lần đầu tiên.
Độc giả Thắng Nguyễn viết: Càng ngày càng thấy thầy cô giáo giống như những đứa trẻ non nớt không thể phản kháng trước lũ trẻ hổ báo. Thầy cô mà nặng lời, hay roi vọt mộtchút là hàng chục cái camera được giơ lên.
Phụ huynh không cần biết lý do sồ đến trường lăng mạ thập chí yêu cầu đuổi việc giáo viên, nhưng tuyệt nhiên không thấy đề cập đến những con báo đó sẽ thê snaof để có sức răn đe. Và biện pháp để bảo vệ giáo viên là gì?
|
Trách nhiệm của ai?
Độc giả Lê Hữu Hoàng nêu vấn đề: Tại sao hiện nay lại liên tiếp xảy ra câu chuyện nhiều học sinh xúc phạm đến thầy cô như thế? Một phần nguyên nhân do là gia đình, sự thương yêu chiều chuộng quá mức dẫn đến hệ lụy hỗ hào này.
Ngoài ra, một phần do cơ quan pháp luật hiện nay chưa điều chỉnh có tính răng đe và xử lý nặng nên bị xem thường pháp luật.
Bạn đọc Khôi Khôi: Học sinh xông lên doạ giáo viên không khác gì côn đồ, xã hội đen. Đây là hệ quả phụ huynh quá nuông chiều, sự lệch lạc trong tư duy, đạo đức, quá trình giáo dục của các em học sinh và sự nhu nhược của nhà trường.
Đáng buồn khi nhiều phụ huynh luôn tự biểu dương, cho con họ là nhất, ở nhà cháu ngoan, nên có việc gì thì lỗi là giáo viên. Nhà trường thì dạy kiếm tiền, lấy thành tích, bớt việc nào hay việc ấy nên lùm xùm thì do giáo viên sinh chuyện cũng là lỗi giáo viên.
Độc giả Lâm Thu Minh: Việc tiếp xúc quá sớm với mạng xã hội, xem những video clip bạo lực cũng hình thành nên tính cách, lối sống của con người. Gia đình cần có biện pháp để quản lý con mình. Nhà trường cần có những quy định nghiêm ngặt hơn để tránh tình trạng xảy ra.
Nguyên nhân xảy ra sự việc như này lỗi chính là do sự buông lỏng và thiếu giáo dục của gia đình, cần phải có biện pháp xử lý thật nghiêm để có tính dăn đe và bảo vệ thầy, cô giáo.
Bạn đọc Hoa: Đã nghe rõ lời nói của học sinh ở lớp đó nói, nhiều cháu nói láo, tục vô cùng đến người nghe có khi còn ngượng. Qua đó thấy được sự rèn học sinh ở ngôi trường này kém, nhiều học sinh nói không ngượng mồm vậy thuộc về bản chất và thói quen.
Cần xem lại ban giám hiệu trường này, cá nhân tôi nghĩ ngoài việc xử lý học sinh thì cần cách chức toàn bộ ban giám hiệu trường này.
Độc giả ChiChi: Theo tôi phần lớn đó là trách nhiệm của gia đình. Không nhà trường, thầy cô nào lại dạy học sinh nói láo, đánh người cả. Con cái nhìn bố mẹ và môi trường xung quanh mà lớn lên, bố mẹ nói bậy nói tục, không tôn trọng thầy cô thì con sẽ học theo.
Bố mẹ cứ luôn trăm sự nhờ thầy cô nhưng thầy cô mà nói đụng đến con tôi là thầy cô không xong đâu, thì làm sao học sinh tôn trọng thầy cô được. Giờ cứ học sinh đánh nhau là lại cách chức ban igám hiệu, chắc không đủ người mà làm mất. Nhất là bây giờ giáo viên còn không được phê bình học sinh thì làm sao mà các em sợ đây.
Độc giả Khaly: Cảm giác như con người đó đáng vứt đi, không đáng được dạy nữa. Cũng có cảm giác sự bất lực của giáo dục. Có ý kiến cho rằng giáo dục là phải chỉ dạy được những trẻ chưa biết, chưa tốt trở nên biết, trở nên tốt.
Làm sao để có một hình thức "trừng phạt" cho những lỗi sai khó chấp nhận đó, nhưng cũng phải thể hiện lòng khoan dung, tinh thần cao cả của giáo dục. Tôi nghĩ nhà trường và gia đình có thể thực hiện hình thức xử phạt cả lớp đứng ở cổng trường cúi chào và ôm từng thầy, cô.
Học sinh nói thật dõng dạc câu nói 10 lần mỗi ngày: "Thưa thầy, thưa cô! Chúng em xin lỗi thầy, cô! Chúng em đã sai rồi! Chúng em xin hứa chăm chỉ học tập và rèn luyện từng ngày!". Đồng thời giao cho học sinh chăm một vườn hoa, từ khi làm đất đến khi nào hoa nở thì hình phạt được bãi bỏ.
Theo báo cáo của UBND huyện Sơn Dương (Tuyên Quang), nguyên nhân để xảy ra vụ việc xuất phát từ khúc mắc giữa cô và trò trong giờ học. Cụ thể, 10h30 ngày 29/11, vào giờ học tiết 3 môn Âm nhạc ở lớp 7C do giáo viên P.T.H. (SN 1985) giảng dạy, thấy một số học sinh vẫn ở ngoài chưa vào lớp học, cô H. nhắc nhở thì một vài học sinh phản ứng. Trong giờ học, một số học sinh xin ra ngoài nhưng cô H. không đồng ý. Sau đó giữa giáo viên và học sinh có khúc mắc trong giờ học. Tuy nhiên, sau tiết học, một số học sinh lớp 7C có phát ngôn và hành vi thiếu chuẩn mực đối với cô H. như nói tục, có hành vi xúc phạm giáo viên, quay video và đăng tải lên mạng xã hội Facebook. |
Tác giả: KHÁNH SƠN
Nguồn tin: vtc.vn