Kinh tế

Tháo nút thắt cho nông nghiệp hữu cơ

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi sự hưởng ứng của các nhà khoa học, nông dân, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội tham gia phát triển nông nghiệp hữu cơ trên cả nước

Hơn 450 đại biểu là đại diện các bộ, ngành trung ương, địa phương, các chuyên gia, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp (DN) và 27 tổ chức quốc tế, đại sứ quán của các nước tại Việt Nam tham dự Diễn đàn Quốc tế Nông nghiệp hữu cơ 2017 với chủ đề: "Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam - Phát triển và hội nhập" diễn ra cuối tuần qua đã nêu các khó khăn, thách thức, đề ra phương hướng góp ý cho Chính phủ để chỉ đạo lĩnh vực này hiệu quả hơn, bền vững hơn.

Quá nhiều rào cản

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), cả nước hiện có 33/63 tỉnh, thành phố đã phát triển nhiều mô hình nông nghiệp hữu cơ (NNHC) với diện tích đạt hơn 76.000 ha - tăng gấp 3,6 lần so với năm 2010, tập trung chủ yếu ở Lâm Đồng, Hà Nội, Hòa Bình, Lào Cai, Hà Nam, Quảng Nam, Bến Tre, Cà Mau... với khoảng 60 tập đoàn, DN, cơ sở sản xuất đã đầu tư vào lĩnh vực này. Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, cho biết đa số nông dân chưa chuyển đổi sang sản xuất NNHC do quy trình khắt khe, phải có thời gian khá dài để cải tạo đất, chi phí sản xuất cao, thị trường tiêu thụ chưa ổn định.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn Quốc tế Nông nghiệp hữu cơ

Đáng lưu ý, nước ta hiện vẫn chưa có các tiêu chuẩn quốc gia, các tổ chức chứng nhận và khung pháp lý đồng bộ cho sản xuất, chứng nhận và giám sát chất lượng sản phẩm NNHC; lòng tin của người tiêu dùng chưa được bảo đảm; quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, tự phát, chưa có quy hoạch hay định hướng về đất cũng như đối tượng.

Ông Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội Hữu cơ Việt Nam, cho biết trước năm 2017, chúng ta vẫn chưa có văn bản quy định về chính sách phát triển NNHC và sản phẩm hữu cơ nhằm tạo hành lang pháp lý để phát triển. Nông dân và DN sản xuất NNHC hầu hết gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn tín dụng của các ngân hàng cũng như nguồn vốn chính sách. "Đây là trở ngại lớn trong sản xuất kinh doanh nông sản chất lượng cao như sản xuất hữu cơ" - ông Mịch bày tỏ.

Chủ tịch Hiệp hội Hữu cơ Việt Nam đề nghị Chính phủ cần hoàn thiện chính sách về tiêu chuẩn, chứng nhận tiêu chuẩn; chính sách nâng cao năng lực, đẩy mạnh công tác đào tạo, chuyển giao. Đặc biệt là chính sách hỗ trợ ưu đãi tín dụng, thuế, đất đai, thị trường..., trong đó cần tạo điều kiện để người sản xuất và DN tích tụ đất đai nhằm mở rộng, tổ chức sản xuất NNHC.

PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho rằng cần phải đặc biệt lưu ý đến những khó khăn mà các DN, chuyên gia đã nêu ra, đó là hiện chúng ta chưa có tiêu chuẩn quốc gia, các tổ chức chứng nhận về NNHC. "Đây là vướng mắc cần tháo gỡ ngay. Phải làm sao xây dựng được các bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn về sản phẩm NNHC đáp ứng được yêu cầu quốc tế, để hướng tới sản phẩm NNHC của Việt Nam bán được ở những thị trường tốt nhất trên thế giới" - ông Thiên kiến nghị.

Một vấn đề cũng được PGS-TS Trần Đình Thiên nêu ra là việc sản xuất hiện phải gắn với thị trường thế giới, đòi hỏi quy mô lớn, cần sự hiện diện của các DN lớn. Rõ ràng câu chuyện đất đai là vấn đề cần phải được xem xét bởi hiện nay chúng ta sản xuất rất manh mún. Vì vậy, Chính phủ cần có giải pháp đột phá để DN có thể tiếp cận được đất đai tốt hơn như quy định hiện nay.

Từ câu chuyện làm nông nghiệp thành công bước đầu của Tập đoàn TH, Tập đoàn Vingroup; nông dân Đà Lạt (Lâm Đồng)..., PGS-TS Trần Đình Thiên truyền thông điệp: "Làm nông nghiệp vẫn có khả năng làm giàu được, làm nông nghiệp công nghệ cao có khả năng làm rất giàu được".

Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu tham dự diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhất trí sẽ sớm xây dựng quy trình sản xuất NNHC theo tiêu chuẩn quốc tế, thiết lập hệ thống kiểm tra nghiêm khắc, minh bạch và hiệu quả để các sản phẩm Việt Nam có uy tín và giành được sự tin cậy của thế giới. Vì vậy, trong chỉ đạo, ngoài các vấn đề trên thì cơ chế quản lý an toàn thực phẩm theo chuỗi sản xuất cũng rất quan trọng. Sản phẩm hữu cơ dù cho thị trường trong nước hay xuất khẩu, tất cả đều phải nhờ thương hiệu mà thương hiệu có được là do sản xuất xanh, sạch. Từ đó mới có tiêu chuẩn, quy trình cụ thể, rõ ràng. Cơ chế quản lý theo chuỗi nhất quán, minh bạch, nghiêm chỉnh và liêm chính.

"Nếu chúng ta làm nhập nhằng, không minh bạch thì sản phẩm dư thừa, không tiêu thụ được do người tiêu dùng nghi ngờ. Vì vậy, một bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn mà đại diện Tập đoàn TH nêu ra là nhiệm vụ của nhà nước, trước hết là Bộ NN-PTNT, Bộ Y tế phối hợp trình và ban hành trên tinh thần dù sản phẩm gì, làm việc gì thì cũng phải bảo đảm minh bạch, có cơ sở khoa học trong phát triển NNHC" - Thủ tướng lưu ý.

Nhất trí với các đại biểu về một số nút thắt cần tháo gỡ, như cơ chế chính sách, vấn đề hạn điền, nguồn nhân lực, kỹ thuật, công nghệ, Thủ tướng cho biết sẽ ban hành nghị định mới về NNHC và Bộ NN-PTNT sẽ có đề án về vấn đề này để làm bài bản, hệ thống hơn, chứ không phải "trăm hoa đua nở".

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng giao Bộ NN-PTNT xây dựng Đề án phát triển NNHC giai đoạn 2018-2025, tầm nhìn 2035, trình Thủ tướng phê duyệt trong đầu năm 2018 nhằm định hướng, cụ thể hóa các hoạt động thúc đẩy sản xuất NNHC, bảo đảm đầy đủ cơ sở khoa học, thực tiễn. Theo đó, đề xuất các chính sách nâng cao chất lượng, đẩy mạnh công tác đào tạo, chính sách hỗ trợ, ưu đãi tín dụng, tín chấp, thế chấp và giải quyết nút thắt như các đại biểu đã nêu. Cùng với đó sẽ thay thế Nghị định 210/2013/NĐ-CP về khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp.

"Tất cả thể chế, chính sách, đặc biệt nghị định, thông tư trong phạm vi của Chính phủ, chúng tôi sẽ tiếp thu để làm nhanh hơn, tạo điều kiện cho NNHC phát triển. Thay mặt Chính phủ, tôi kêu gọi sự hưởng ứng của các nhà khoa học, nông dân, DN và cộng đồng xã hội tham gia phát triển NNHC trên cả nước. Đó chính là quyền lợi và trách nhiệm của từng chủ thể trong xã hội, vì môi trường sống trong lành, vì sức khỏe tốt và hạnh phúc của từng người dân Việt Nam" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Làm theo phong trào là hỏng!

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng cần có nhận thức đúng đắn, thống nhất về phát triển NNHC. Bên cạnh ưu điểm và ý nghĩa nổi trội của NNHC, nông nghiệp phi hữu cơ, với năng suất cao trong nhiều năm tới, vẫn tiếp tục đóng vai trò bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, không thể xem nhẹ.

Thủ tướng nhấn mạnh NNHC sẽ đáp ứng một phân khúc thị trường cao cấp, cần thiết, giúp Việt Nam hội nhập sâu hơn, chất lượng hơn với thế giới và mang trọng trách cho tương lai. NNHC không thể phát triển theo phong trào ồ ạt, chưa thể sớm thành sản phẩm phổ cập cho mọi người mà đòi hỏi phát triển hết sức bài bản, khoa học; phát triển phải trên cơ sở điều kiện thổ nhưỡng, xác định, lựa chọn chính xác chủng loại sản phẩm, quy mô, vùng sản xuất sản phẩm thích hợp với nhu cầu của từng thị trường; bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.

"Làm theo phong trào là hỏng hết. Phải chặt chẽ, rõ ràng, có chỉ đạo, đừng để sụp đổ theo phong trào. Phải hình thành hệ sinh thái phát triển NNHC, một văn hóa NNHC ở nông thôn và nông dân. Văn hóa đó không thể kiểu "lợn hai chuồng, rau hai luống", mà là đạo đức của người nông dân" - Thủ tướng nói.

Tác giả: Văn Duẩn

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP