Buổi thảo luận "Mẹ Việt năm châu dạy con hội nhập" diễn ra từ 9g-11g ngày thứ Bảy, 24/3, do NXB Phụ nữ phối hợp cùng Cà phê thứ Bảy của nhạc sĩ Dương Thụ tổ chức, tại Salon Cà phê thứ Bảy, 38 Võ Văn Tần, Tp. Hồ Chí Minh.
Trong khuôn khổ buổi thảo luận cũng sẽ giới thiệu và bàn luận về 2 cuốn sách “Đây đất nước con, kia Tổ quốc mẹ” và “Dạy con thành công hơn cả Mẹ Hổ” đưa đến cho độc giả những góc nhìn phong phú và sinh động với những trải nghiệm thực tế được đúc kết thành phương pháp cụ thể, thông qua những câu chuyện kể, những phóng sự, những lá thư và các bài phỏng vấn các bà mẹ Việt Nam đang định cư tại nước ngoài, cũng như các bậc phụ huynh quốc tế, về vấn đề nuôi dạy con và đồng hành cùng con trên bước đường hội nhập thế giới sao cho hoàn thiện và hiệu quả, được ghi lại cẩn trọng và khoa học bởi các tác giả nổi tiếng.
|
Đây đất nước con, kia Tổ quốc mẹ của tác giả Kiều Bích Hương không chỉ ghi lại những trải nghiệm và cảm nhận của một phụ nữ Việt lấy chồng Tây, hiện đang sống trên đất Tây, mà nó còn như một cuốn nhật ký văn hóa được viết bởi ngòi bút sắc bén của một nhà báo có nghề.
Cuốn sách được chia thành hai phần: Phần đầu là những câu chuyện, trải nghiệm của những người sống ở “xứ lạ” được tác giả viết đầy sắc sảo và thông minh; phần sau tập hợp những chia sẻ của các mẹ ở khắp các châu lục về phương pháp nuôi dạy những đứa trẻ là công dân toàn cầu.
Phần đầu, bằng giọng văn lôi cuốn, giản dị, Kiều Bích Hương đưa bạn đọc trải nghiệm nhiều vùng đất từ Á sang Âu, từ Mỹ qua Phi qua các câu chuyện kể, có những câu chuyện cá nhân, có những câu chuyện của bạn bè ở cả xứ người và Việt Nam, nhưng tất cả đều rất đời, rất thật. Nó lột tả cuộc sống trần trụi, chân thực của những người phụ nữ Á lấy chồng Tây, nó không hào nhoáng xa hoa như nhiều người vọng tưởng, mà nó có đấu tranh, có cố gắng và có cả sự công bằng. Và rồi, chúng ta nhận ra rằng, cuộc vật lộn để đến và sống tại những miền đất hứa thật lắm chông gai, cuộc sống không chỉ có màu hồng, còn nhiều nỗi buồn và bi kịch, mà mỗi người đều phải tự cố gắng và thích nghi khi xa xứ.
|
Phần sau là phần dành nhiều tâm huyết và thời gian của tác giả, là phần “vô cùng quan trọng của cuốn sách”. Chị dành hai năm trời để gửi những lá thư điện tử và chờ thư trả lời của các bà mẹ gốc Việt sống ở nhiều quốc gia từ Anh, Hà Lan, Đức, Pháp, Séc, Thụy Điển, Nga, Thái Lan, Hàn Quốc, Myanmar… Với suy nghĩ “Chẳng đứa trẻ nào giống nhau. Chẳng cách dạy con nào có thể áp dụng hoàn hảo cho mọi đứa trẻ ngoài sự kiên nhẫn và tình yêu không điều kiện của cha mẹ”, tác giả không có ý sa đà vào một cuốn sách nuôi dạy con theo kiểu Tây hay kiểu Ta, mà chị mong muốn chia sẻ đến bạn đọc những kinh nghiệm, tâm huyết, sáng tạo và yêu thương của các bà mẹ với con mình. Ở phần này, tác giả trích nguyên văn những lá thư chia sẻ về cách giáo dục và nuôi dạy con như một tham khảo phong phú cho các cha mẹ muốn con trở thành công dân toàn cầu, chúng ta sẽ biết cách người Hà Lan dạy con về thời gian và tiền bạc; người Đức dạy con tự lập; người Pháp chú trọng suy nghĩ độc lập và phát triển sáng tạo cá nhân; giáo dục Anh lại chú trọng nhiều vào cảm xúc…
“Đất nước” và “Tổ quốc” như một mà hai. “Đất nước” của những đứa trẻ là công dân toàn cầu, không chỉ là quê mẹ, không chỉ là quê cha, mà còn là những vùng đất con được sống và trải nghiệm, nhưng với những bà mẹ xa xứ, dù đã giữ tâm thế hội nhập nhưng luôn có một “Tổ quốc” yêu thương của riêng mình.
Đây đất nước con, kia Tổ quốc mẹ có những chuyện vui, có những chuyện đem lại cảm giác buồn man mác, và cũng không thiếu những câu chuyện làm cho chúng ta tự vấn và suy ngẫm. Đọc cuốn sách, chúng ta sẽ được du ngoạn tới những vùng đất mới, làm quen với những con người mới, sống trong một nền văn hóa mới, đầy thi vị mà cũng lắm bất ngờ.
Tác giả Kiều Bích Hương sinh năm 1976 tại Hưng Yên. Từng làm việc cho tuần báo Nhà báo & Công luận, nhật báo Tiền Phong. Hiện sống cùng chồng và hai con tại thị trấn Rotselarr, nước Bỉ. Chị từng là tác giả của các cuốn sách đã xuất bản ở Việt Nam như : Vợ Đông chồng Tây (NXB Trẻ, 2012), Đàn bà yêu thành phố (NXB Trẻ, 2015).
|
Dạy con thành công hơn cả Mẹ Hổ của tác giả Maya Thiagarajan, do Huyền Trang - Thuỷ Tiên dịch, có nội dung về một người mẹ và là một giáo vên, người đã sinh sống và làm việc ở cả Mỹ và châu Á, Maya Thiagarajan đã quá quen thuộc với sự khác biệt ở cách tiếp cận của phương Đông và phương Tây trong việc làm cha mẹ và giáo dục con cái. Trong cuốn sách này, bà không chỉ phỏng vấn các phụ huynh châu Á về những giá trị, hy vọng và nỗi sợ hãi của họ mà còn tổng hợp một số lượng lớn các nghiên cứu về giáo dục.
Cuốn sách và sự kết hợp của sự phản ánh, những câu chuyện và những lời khuyên thực tế cho các bậc cha mẹ đang cố gắng để nuôi dạy con thành những công dân toàn cầu. Cuốn sách gồm 7 chương, nêu lên các vấn đề đối lập giữa phương pháp nuôi dạy, giáo dục con cái giữa phương Đông và phương Tây, từ đó đi đến phần kết luận mang tính “kim chỉ nam” cho những phụ huynh muốn nuôi dạy con trở thành công dân toàn cầu. Một trong những ví dụ điển hình là tại sao trẻ em châu Á thường giỏi Toán, các trường học với hệ thống thi cử được loại bỏ đa phần như ở Mỹ có thật sự tốt, phụ huynh châu Á có đang bắt con em mình học thêm quá nhiều hay không, đọc sách với con như cha mẹ phương Tây thường làm mang đến lợi ích gì… Làm thế nào để cha mẹ phương Tây có thể giải mã được những bí mật về thành công trong học tập của người châu Á? Dưới góc nhìn so sánh, với tư cách là một nhà giáo và một người mẹ, Maya Thiagarajan đã nghiên cứu sự khác nhau giữa cách tiếp cận của châu Á và phương Tây trong cách làm cha mẹ, các giá trị trong gia đình và giáo dục, hướng dẫn vô giá này đã chỉ ra cách để nuôi dạy những công dân toàn cầu bằng cách hòa trộn những mặt tốt nhất của phương Đông và phương Tây.
- Giúp con bạn đạt được tiềm năng học tập tối đa
- Rèn luyện con cải thiện sự tập trung
- Tìm được sự cân bằng giữa học tập và vui chơi
- Giúp con bạn nhìn nhận thất bại như là một kinh nghiệm để học hỏi
- Học cách dạy trẻ sử dụng công nghệ hợp lý
Mỗi chương đều kết thúc với phần “Cách để…”, cung cấp cho cha mẹ những lời gợi ý dựa trên cơ sở nghiên cứu để hỗ trợ cho sự phát triển của trẻ cả bên trong và bên ngoài môi trường lớp học.
“Không cần biết điểm số của các bài thi quan trọng thế nào, tôi cảm thấy thành tích cao trong học tập không bao giờ nên được đánh đổi nếu cái giá là sự khỏe mạnh về thể chất và cảm xúc của một đứa trẻ. Chúng ta, những người làm cha mẹ, phải có niềm tin vào giá trị của sự vui chơi và thiên nhiên, tin vào giá trị của những trải nghiệm học tập mà chúng ta không nhìn thấy được, những trải nghiệm sẽ giúp con cái chúng ta phát triển sự tự tin, sức sáng tạo, trí tưởng tượng và sự đồng cảm”- Maya Thiagarajan.
Nguồn tin: Báo Tổ quốc