Tinh mơ, hơi lạnh cuối năm vẫn bồng bềnh theo những đám sương bàng bạc trên lưng chừng đồi thông. Đà Lạt giao mùa, sắc hoa nhuộm hồng khắp lối. Đó là dấu hiệu điểm báo mùa Xuân ở vùng đất hoa.
Dọc các con đường phía ngoại ô, chúng tôi vẫn thường bắt gặp những nông dân trồng hoa vội vã ra vườn khi lớp sương đêm vẫn còn ngự trị. Ở họ, dường như ít thấy khi nào rảnh rỗi. Hoa cư ngụ cùng người Đà Lạt đã ngót trăm năm qua, bắt đầu từ những bàn tay của người nông dân cần mẫn, kiên trì kiến tạo.
Một góc Đà Lạt. Ảnh: Đinh Văn Biên. |
Đứng trên một cao điểm, phóng tầm mắt ra xa, chúng tôi chợt nhận ra cánh đồng hoa Đà Lạt đã tồn tại ngót thế kỷ qua giữa miền đất lạnh, trải dài tít tắp tới tận chân đồi. Với cư dân trồng hoa nơi đây, từ lâu họ đã làm trong nhà kính, nhà lưới, tưới nước, phun thuốc tự động, mưa không ướt người, nắng không tới đầu.
Cùng với sự cải tiến mạnh mẽ về kỹ thuật, hàng nghìn giống hoa mới lạ cũng được người dân địa phương đưa về gieo trồng nhằm nâng cao giá trị của ngành sản xuất hoa, và nhất là đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của người thưởng thức trong và ngoài nước.
Bóng chiều rơi xuống, màn đêm bao phủ, những lớp sương bồng bềnh xuất hiện, “vương quốc hoa” Đà Lạt sáng rực ánh điện. Ánh sáng điện làm cho nhiệt độ trong nhà lưới, nhà kính đủ độ ấm, kích thích cho cây phát triển, nhất là không cho hoa “ngủ”. Đó cũng là một trong những kỹ thuật trồng hoa đặc trưng, rất riêng so với cách trồng hoa ở những nơi khác.
Chớm Xuân, về làng hoa truyền thống Thái Phiên, trong các căn biệt thự sang trọng ẩn hiện bên những cánh đồng hoa bạt ngàn, đa màu sắc cửa vẫn im ỉm khóa, tất cả đã ra vườn. Trên cánh đồng cúc, loài hoa chủ lực của Thái Phiên, hối hả, thoăn thoắt những bàn tay bấm ngọn, tỉa cành. Trên gương mặt của những con người lao động cần mẫn ấy, chúng tôi bắt gặp lấm tấm những giọt mồ hôi. Mệt! Nhưng ai cũng vui mừng, tràn đầy hi vọng làng hoa sẽ có một mùa bội thu vào dịp Tết sắp tới.
Đà Lạt sang xuân. Ảnh: Khắc Lịch. |
Mỗi khi có thời gian, những nông dân ở Đà Lạt vẫn thường kể cho chúng tôi nghe về cuộc “cách mạng” trong nghề làm hoa của họ. Đó là vào năm 1994, một doanh nghiệp trồng hoa 100% vốn nước ngoài (Hà Lan) xuất hiện tại Đà Lạt. Cách làm hoa của họ khác hẳn với nông dân địa phương.
Lần đầu tiên hoa được trồng trong nhà kính và chăm sóc hoàn toàn tự động bằng hệ thống máy móc được lập trình sẵn khiến người Đà Lạt thấy lạ lẫm. Năng suất, chất lượng hoa của doanh nghiệp này hơn hẳn người trồng hoa bản địa. Điều đó khiến những nông dân trên miền đất này nảy sinh lòng tự ái. Họ nhất quyết không thể để bị thua ngay trên sân nhà. Cũng chẳng cần giấu giếm sự yếu kém, những nông dân chân chính mon men qua học hỏi kỹ thuật trồng hoa được đem đến của người Tây phương.
Doanh nghiệp nọ cũng là tay hào phóng, sẵn sàng chuyển giao kỹ thuật và hợp tác cùng bà con sản xuất hoa. Không lâu sau, người dân Đà Lạt đua nhau lập nhà kính, sản xuất hoa dựa trên nền khoa học kỹ thuật tiên tiến. Cùng với đó, các giống hoa mới cũng được nhập về Đà Lạt gieo trồng. Từ thời điểm này, ngành công nghiệp sản xuất hoa ở Đà Lạt thực sự “cất cánh”.
Ông Phan Thanh Sang, Chủ tịch Hiệp hội hoa Đà Lạt cho biết, diện tích hoa ở Đà Lạt và vùng lân cận đã đạt 8.000ha, tăng 2,1 lần so với năm 2010. Sản lượng năm 2017 đạt khoảng 2,5 tỷ cành. Từ miền đất “sinh sau đẻ muộn”, với những ưu đãi đặc biệt từ điều kiện tự nhiên, Đà Lạt sớm vươn lên trở là trung tâm sản xuất hoa số 1 Việt Nam, chiếm 40% diện tích hoa cắt cành, 50% tổng sản lượng hoa cả nước.
Năm 2004, tỉnh Lâm Đồng triển khai chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trở thành dấu mốc quan trọng của ngành nông nghiệp, trong đó có ngành sản xuất hoa Đà Lạt. Với sự nhạy bén trong nghề được tích lũy từ đời này qua đời khác, những nông dân trên thành phố cao nguyên lập tức đua nhau bắt tay ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để cho ra những “nàng hoa” có năng suất, chất lượng ngày càng cao. Nhiều giống hoa mới với các chủng cao cấp, tiếp tục được nhập về Đà Lạt gieo trồng.
Giá trị sản xuất hoa bình quân đạt từ 800 triệu đến 1,2 tỷ đồng trên mỗi hécta, có những sản phẩm hoa cao cấp cho doanh thu lên tới gần 20 tỷ đồng/ha. Sản phẩm hoa Đà Lạt xuất khẩu chiếm gần 11% sản lượng, giá trị kim ngạch đạt 26 triệu USD. Hoa Đà Lạt đang bứt phá, vươn tới các thị trường ngoại quốc như Nhật Bản, Australia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Bỉ, Hà Lan, Nga và Campuchia. Đến năm 2020, Đà Lạt đặt mục tiêu hoa xuất khẩu chiếm 30% tổng sản lượng. Hiện, Đà Lạt đã trở thành vùng công nghiệp sản xuất hoa số 1 Việt Nam và trên bản đồ trồng hoa của thế giới.
Để kích cầu ngành sản xuất, kinh doanh hoa và xúc tiến mở rộng thị trường, từ năm 2005 đến nay, cứ hai năm một lần, tỉnh Lâm Đồng tổ chức Festival hoa Đà Lạt. Năm 2009, Đà Lạt đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là thành phố Festival hoa của Việt Nam.
Tác giả: khắc lịch
Nguồn tin: Báo Công an nhân dân