Chuyện khó tin

“Thánh cô” chữa ung thư: Tôi chỉ xoa bóp, tẩm quất

Trước sự chứng kiến của trưởng phòng LĐ-TB-XH thành phố Sông Công, lần đầu tiên, “thánh cô” Phạm Thị Phú thẳng thắn trao đổi báo chí rằng “vô cùng bất ngờ” với thông tin “không đúng sự thực” đang dậy sóng trên mạng.

Trước các câu hỏi của VietNamNet, bà Phạm Thị Phú khẳng định ngay: “Tôi không phải thần thánh gì cả. Tôi không khám chữa bệnh cho ai cả. Tôi chỉ kinh doanh dịch vụ xoa bóp, tẩm quất, đã có giấy phép đăng ký kinh doanh. Còn vì sao người ta tìm đến đông như thế thì tôi không thể nào biết”.

Để minh chứng điều mình nói, chủ cơ sở Ban Mai trưng ra giấy đăng ký kinh doanh, các biên bản kiểm tra vệ sinh môi trường, an ninh trật tự của các cơ quan có thẩm quyền thành phố Sông Công.

Giấy phép đăng ký kinh doanh được Phòng tài chính – kế hoạch (thị xã Sông Công cũ) cấp cho các ngành nghề: kinh doanh dịch vụ tẩm quất, nhà nghỉ, hàng tạp hóa, bánh kẹo, đường sữa, chè khô, thực phẩm.

thần y Phố Cò, Phạm Thị Phú, chữa bệnh giẫm đạp, ung thư, Sông Công, thánh cô
“Thánh nữ” Phạm Thị Phú bất ngờ về việc mình bị… bêu xấu trên mạng

Theo chủ cơ sở Ban Mai, mỗi lần xoa bóp giá dịch vụ 10.000 đồng/người; chai nước Lavie 5.000 đồng/người; có 3 phòng trọ, nếu ai ở xa phải nghỉ lại, phí thu 30.000 đồng/người, chứ không thu tiền điều trị.

“Trong nhà, tôi có đặt một cái hòm công đức, ai thành tâm công đức bao nhiêu thì tự đặt. Tiền ấy, tôi sử dụng để kiến thiết, cải tạo, xây dựng cơ ngơi này cho đỡ xập xệ” – “cô Phú” nói.

Vừa nói vừa chực khóc, chủ cơ sở xoa bóp – tẩm quất cũng thẳng thắn tâm sự: “Trước kia tôi làm nghề buôn bán cá ở chợ. Nghề đấy của tôi, bà con ai cũng biết. Sau đó, bỗng nhiên tôi có khả năng đặc biệt, Trung tâm nghiên cứu tiềm năng mãi dưới Hà Nội lên đặt vấn đề theo dõi nghiên cứu… chứ tôi nào có biết chuyện gì”.

“Người ta đặt điều tôi là thánh cô để lừa bịp”

Đặt câu hỏi về việc được phong “thánh cô”, “thần y” hay “thánh nữ”, người phụ nữ này khẳng định bị “người ta đặt điều để lừa bịp”.

“Tôi không cần quảng bá, tôi cũng không chữa bệnh. Nếu tôi mà lừa bịp thì tôi không lừa bịp kiểu này”.

thần y Phố Cò, Phạm Thị Phú, chữa bệnh giẫm đạp, ung thư, Sông Công, thánh cô
Khu vực xoa bóp của cơ sở Ban Mai

Để chứng minh, “cô Phú” gọi 3 người phụ nữ trung tuổi đến, nhờ vén áo ngực lên. Cả 3 quê Lục Ngạn, Bắc Giang đều mắc bệnh ung thư vú. Khối u sắp vỡ, phải rịt bằng bông băng.

“Tôi chỉ xoa bóp cho họ và họ nói là đỡ đau hơn rất nhiều. Tôi không cho họ uống thuốc đông y, tây y, thuốc lá. Nếu không tin thì cơ quan chức năng cứ hỏi bà con, rồi bắt tôi đi tù thế nào cũng được” – nói xong “cô Phú” sụt sịt khóc.

Về bức ảnh hàng dài người ở trần nằm úp người trên chiếu trải ra sân để mình trèo lên giẫm đạp được phát tán trên mạng, chủ cơ sở tẩm quất giải thích, mỗi ngày có hàng trăm người tìm đến.

“Mình kinh doanh dịch vụ xoa bóp, có được đuổi họ đi không? Để ai cũng được xoa bóp, tôi mới dùng phương pháp đó. Mà không phải giẫm đạp như người ta nói, tôi chỉ dùng chân để xoa bóp, day những vị trí ở lưng, vai, cổ cho người ta” – “thánh cô” Phạm Thị Phú một mực khẳng định những lời mình nói là sự thật.

Phải vi phạm mới xử lý được

Trưởng phòng LĐ-TB-XH thành phố Sông Công Nguyễn Xuân Nhân cho hay, cơ sở Ban Mai đăng ký kinh doanh xoa bóp, tẩm quất, có chứng chỉ hành nghề, không bán thuốc nên cơ quan chức năng chỉ quản lý ở góc độ an ninh trật tự, vệ sinh môi trường.

thần y Phố Cò, Phạm Thị Phú, chữa bệnh giẫm đạp, ung thư, Sông Công, thánh cô
Trưởng phòng LĐ-TB-XH Nguyễn Xuân Nhân (trái) trong buổi làm việc cùng PV với chủ cơ sở Phạm Thị Phú

“Nếu đơn vị vi phạm thì chúng tôi mới xử lý được” – ông Nhân cho hay dù cơ quan quản lý nhà nước đã cho nhiều lần kiểm tra.

Trong khi đó, ông Đặng Mộng Điệp, Phó chủ tịch thành phố Sông Công cho rằng, “hoạt động khám chữa bệnh của bà Phạm Thị Phú về mặt quản lý nhà nước là trái pháp luật. Chính quyền địa phương, UBND thị xã Sông Công, các cơ quan chuyên môn về y tế, công an đã nhiều lần yêu cầu cơ sở khám chữa bệnh trái phép này ngừng hoạt động vì không có giấy phép hoạt động”.

Ông Điệp cho biết, năm 2006, Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người xin phép được nghiên cứu về trường hợp khám chữa bệnh của Phạm Thị Phú. UBND tỉnh Thái Nguyên đã yêu cầu UBND thị xã Sông Công giám sát quá trình nghiên cứu này.

thần y Phố Cò, Phạm Thị Phú, chữa bệnh giẫm đạp, ung thư, Sông Công, thánh cô

thần y Phố Cò, Phạm Thị Phú, chữa bệnh giẫm đạp, ung thư, Sông Công, thánh cô

Tuy nhiên, việc khám chữa bệnh của bà Phú thời gian này chỉ được phép để phục vụ mục đích nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người, chứ không được phép thu tiền và chỉ kéo dài vài tháng.

Hết thời gian nghiên cứu sẽ phải ngừng hoạt động. Sau thời gian đó, trung tâm này lại lên xin phép nghiên cứu lần hai, theo nội dung về phương pháp chữa các bệnh khác.

Để giám sát quá trình nghiên cứu của Trung tâm, UBND thị xã Sông Công yêu cầu bà Phú chỉ được khám chữa bệnh cho những bệnh nhân có hồ sơ bệnh án của bệnh viện từ tuyến tỉnh trở lên.

Hết đợt khám bệnh tại cơ sở của bà Phú, bệnh nhân sẽ quay trở lại bệnh viện đó để kiểm tra hiệu quả của đợt điều trị tại nhà bà Phú.

Bà Phú không được phép tổ chức khám chữa bệnh thu tiền của người bệnh hay vì mục đích kinh doanh, vì việc khám chữa bệnh ấy vẫn là trái pháp luật!.

Vì nhiều lý do, khoảng giữa năm 2010, cơ sở khám chữa bệnh của bà Phạm Thị Phú bị Cục quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) ra quyết định đình chỉ hoạt động bằng phương pháp giẫm, đạp, uống nước thánh… như tin đồn.

Khi phóng viên hỏi về quyết định đình chỉ hoạt động của Cục, chủ cơ sở Ban Mai quả quyết: “thời điểm đó tôi không hiểu biết, và việc hoạt động là để phục vụ việc nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người.

Sau đó, tôi đã tham gia các khóa học về xoa bóp của Viện y học cổ truyền VN nên tôi đủ điều kiện đăng ký kinh doanh lĩnh vực xoa bóp, tẩm quất”.

Kiên Trung / VNN

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP