Thế giới

Tham vọng “cách mạng hóa” lực lượng quân sự của Nga

Tổng thống Vladimir Putin vẫn luôn coi việc hiện đại hóa và cách mạng hóa lực lượng quân sự khổng lồ của Nga là ưu tiên hàng đầu trong cương lĩnh lãnh đạo, đặc biệt trong bối cảnh quân đội Mỹ cũng ngày càng phát triển mạnh hơn.

Hệ thống phòng không S-400 của Nga tham gia diễu binh tại Quảng trường Đỏ ở Moscow (Ảnh: AFP)

Tương tự Mỹ, Nga sở hữu bộ ba hạt nhân chiến lược đặt cả trên bộ, trên không và trên biển. Tổng thống Vladimir Putin cũng đã chỉ đạo nâng cấp cả 3 lực lượng này theo hướng hiện đại hóa.

Chương trình hiện đại hóa trang thiết bị quân sự của quân đội Nga thể hiện rõ qua việc nâng cấp các tên lửa đạn đạo Bulava RSM-56 phóng từ tàu ngầm và các biến thể dành cho Không quân của tên lửa hành trình 3M-54 Kalibr trong vụ phóng từ máy bay ném bom chiến lược Tupolev Tu-160M2 gần đây. Với các tính năng vượt trội so với thế hệ máy bay tiền nhiệm, Tu-160M2 cũng là phiên bản nâng cấp của “Thiên nga Trắng” Tu-160 huyền thoại từ thời Liên Xô.

Tuần trước, lực lượng tên lửa chiến lược Nga đã thử nghiệm RS-12M Topol, siêu tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. RS-12M Topol được thiết kế để “vượt mặt” các hệ thống phòng thủ tên lửa triển khai tại châu Âu. Cùng với các tên lửa R2-28 Sarmat, hay còn gọi là “Satan 2”, RS-12M của Nga khiến liên minh quân sự NATO không khỏi lo ngại. Một số nước thành viên NATO nằm sát sườn Nga, trong khi Mỹ đầu tư “mạnh tay” vào khu vực này bằng cách triển khai hàng loạt trang thiết bị quân sự cũng như binh sĩ tới đây.

Mặc dù là nước sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới, song Nga vẫn đang đầu tư phát triển các vũ khí phi hạt nhân đủ mạnh để đảm bảo năng lực tấn công trên thực tế. Kế hoạch này bao gồm việc phát triển các máy bay ném bom tầm xa siêu thanh Tupolev Tu-22M3M và máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 6 để thay thế dòng máy bay chiến đấu Sukhoi Su-57.

Ngoài ra, Nga được cho là sở hữu lực lượng xe tăng lớn nhất thế giới và liên tục nâng cấp hỏa lực của lực lượng thiết giáp với các phiên bản bổ sung như xe tăng T-14 Armata và xe chiến đấu yểm trợ “Kẻ hủy diệt” BMPT Terminator.

Tên lửa ICBM Topol của Nga được trưng bày trong khuôn khổ Diễn đàn Kỹ thuật Quân sự Quốc tế tại Moscow vào tháng 8/2017 (Ảnh: AFP)

Tháng 9/2017, quân đội Nga đã thả quả bom được mệnh danh là “Cha của các loại bom” (FOAB), loại vũ khí phi hạt nhân uy lực nhất thế giới, để tiêu diệt các phần tử khủng bố thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Syria. Trong khi đó, tại khu vực châu Âu, các phân tích gần đây cho thấy, mặc dù sở hữu ngân sách, quy mô và vũ khí vượt trội hơn Nga, song lực lượng quân sự của NATO nhiều khả năng sẽ bị đánh bại áp đảo nếu Moscow tiến hành tấn công tổng lực.

Ngoài việc nâng cấp vũ khí Lục quân và Không quân, lực lượng Hải quân Nga cũng đang đặt ra một số kế hoạch thay đổi, bên cạnh việc sở hữu tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov.

“Bộ Tư lệnh Hải quân Nga sẽ tập trung đặc biệt vào việc thành lập các đơn vị răn đe phi hạt nhân, bao gồm các tàu được trang bị các loại vũ khí tầm xa có độ chính xác cao, cũng như nâng cấp hệ thống các căn cứ hải quân và đảm bảo nguồn cung vũ khí cũng như đạn dược cân bằng”, Tư lệnh Hải quân Nga, Đô đốc Vladimir Korolyov, nói với hãng thông tấn TASS.

Trở về nước sau chuyến thăm tới Syria và thông báo kế hoạch rút quân, Tổng thống Vladimir Putin cho biết các lực lượng vũ trang Nga đã thay đổi đáng kể trong vòng 2 năm qua. Việc Nga tuyên bố giành chiến thắng trong cuộc chiến chống khủng bố tại Syria sau hơn 2 năm tham chiến cũng là minh chứng cho thấy sức mạnh của quân đội Nga, đặc biệt là Không quân, trong bối cảnh an ninh phức tạp như hiện nay.

Tác giả: Thành Đạt

Nguồn tin: Báo Dân trí

  Từ khóa: vũ khí Nga , quân đội Nga

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP