Người tiên phong làm trang trại
Tại vùng đất Đồng Truồng, trước đây xã Thạch Mỹ giao cho một số hộ dân sản xuất nhưng do đất hoang hóa, bạc màu, nước sâu… nên hầu hết nhân dân đều bỏ hoang. Năm 2003, thực hiện chủ trương chuyển đổi ruộng đất lần thứ nhất theo Nghị quyết của Tỉnh ủy tỉnh Hà Tĩnh, vùng đất này được địa phương đưa vào diện chuyển đổi sang mục đích phát triển kinh tế trang trại. Từ chủ trương này, Chi bộ, Ban chỉ huy chuyển đổi ruộng đất và các đoàn thể thôn 1 đã tổ chức họp toàn dân, đi đến thống nhất việc đưa khu đất này vào đấu thầu và gia đình ông Trần Hữu Tỵ đã trúng thầu.
Trên cơ sở đó, ngày 1/1/2005, UBND xã Thạch Mỹ và ông Trần Hữu Tỵ đã thống nhất ký kết hợp đồng kinh tế cho ông Tỵ thuê 22 ngàn m2 đất thuộc thửa 44, Tờ bản đồ số 1, tại Đồng Truồng để làm trang trại (Hợp đồng do ông Lê Thanh Tương, Chủ tịch UBND xã và ông Lê Tiến Học, Phó Chủ tịch UBND xã lúc bấy giờ đại diện bên A. Hợp đồng có hiệu lực từ ngày 1/1/2005, hết hiệu lực vào ngày 30/7/2018). Hợp đồng ghi rõ: “Sau khi hết thời hạn, nếu quy hoạch sử dụng đất không thay đổi thì vẫn ưu tiên cho chủ cũ (ông Tỵ) ký tiếp”.
Khi hợp đồng được ký kết, gia đình ông Tỵ đã thực hiện các nghĩa vụ theo cam kết, đồng thời vay mượn, huy động mọi nguồn lực cải tạo vùng đất sình lầy hoang hóa thành một trang trại tổng hợp với kinh phí đầu tư lên đến hàng tỷ đồng. Mỗi năm gia đình ông có tổng doanh thu từ trang trại đạt 1 đến 1,5 tỷ đồng. Có được đồng nào, ông Tỵ lại tiếp tục tái đầu tư nên trang trại ngày càng phát huy hiệu quả.
Cuối năm 2011, ông Tỵ đã chính thức thành lập HTX, những mong tiếp tục đầu tư, mở rộng quy mô. Và trên thực tế, hưởng ứng cuộc vận động xây dựng NTM, ông đã mua sắm vật liệu, kéo đường điện, mở đường… để chuẩn bị bắt tay xây dựng mô hình trang trại chăn nuôi lợn tập trung với quy mô 500 con/lứa. Viễn cảnh một trang trại quy mô lớn đúng theo chủ trương xây dựng NTM của ông sắp thành hiện thực thì bỗng dưng…
Tai họa ập đến
Vợ chồng ông Tỵ đang hứng khởi bởi mình là người duy nhất ở xã đầu tư trang trại lợn quy mô lớn. Nhưng ngày 1/9/2012, tai họa ập đến khi có gần 60 người dân kéo đến đập phá tan tành trang trại gia đình ông. Tiếp đó, các ngày mồng 2, mồng 3… họ lại tiếp tục kéo nhau đến đập phá. Sau 3 ngày liên tục bị phá hoại, hàng trăm cây phi lao, bạch đàn gần 8 năm tuổi bị chặt đổ ngổn ngang, các khu chăn nuôi bị đập phá tan tành, trên 2.000 con gà, vịt không còn nữa, hàng tấn cá chuẩn bị thu hoạch bị phá vỡ bờ ao, thoát hết ra ngoài… Lợn, gà, vịt, trâu, bò… bị xua đuổi chạy loạn xạ.
Nháo nhác giữa tiếng kêu vật nuôi là tiếng khóc thống thiết của vợ chồng, con cái ông Tỵ. Buồn thay, sự việc này diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật; có sự chứng kiến của cán bộ địa phương, lực lượng vũ trang… Và hiện trường xảy ra sự phá hoại tàn khốc này chỉ cách khu trung tâm hành chính huyện Lộc Hà khoảng vài km…
Bà Thủy, vợ ông Tỵ nghẹn ngào nói: “Tại các thời điểm đám người manh động phá hoại trang trại chúng tôi, có nhiều cán bộ địa phương và cả bộ đội, công an… nhưng không ai can thiệp, cứ mặc sức để đám người kia phá hoại. Một vài cán bộ dặn gia đình tôi là chớ động chạm vào họ, tránh gây xô xát, ẩu đả… Chúng tôi nghĩ, tài sản có được của gia đình tôi là từ mồ hôi nước mắt chắt chiu gần 8 năm trời. Vậy mà, hàng chục công bộc của dân cứ vô tư khoanh tay đứng nhìn đám người đang tay phá hoại tài sản công dân mà không hề ngăn chặn, thật là một sự vô cảm không thể hiểu nổi!”.
Người trong cuộc nói gì
Sau sự việc xảy ra, chúng tôi có mặt tại hiện trường trang trại nhà ông Tỵ và làm việc với UBND xã Thạch Mỹ. Ông Phan Văn Tình, cán bộ địa chính xã cho rằng: Nói về Luật Đất đai thì việc xã ký kết với ông Tỵ với thời hạn đến 2018 là trái thẩm quyền. Tuy nhiên, theo quan điểm của lãnh đạo xã, huyện trong nhiều cuộc họp, hầu hết mọi ý kiến đều cho rằng, nên tiếp tục duy trì trang trại này bởi đây là trang trại đã được đầu tư quy mô, bài bản, hoạt động hiệu quả, lại phù hợp với quy hoạch xây dựng NTM của địa phương. Thế nhưng, người dân thôn 1 không đồng tình nên chính quyền xã, huyện đành chấp nhận bó tay chào thua, dù đây là trang trại duy nhất của xã.
Ông Tỵ nói: Khi tranh chấp xảy ra (từ đầu tháng 4/2012), biết phải chấm dứt hợp đồng nên ngày 19/5/2012 tôi đã có Đơn đề nghị đền bù thiệt hại gửi xã, huyện và các bên liên quan, đề nghị tính toán, đền bù cho gia đình tôi trước ngày 30/8/2012 nhưng sự việc không được quan tâm giải quyết. Vì vậy mới dẫn đến cơ sự này. Ai sẽ là người chịu trách nhiệm?
Một người dân cho biết bản chất của vấn đề: Thực tế vùng Đồng Truồng là đất hoang hóa sình lầy, không thể sản xuất nên năm 2003 toàn thể 67 hộ dân đã họp, thống nhất cho cá nhân đấu thầu. Thế nhưng, khi thấy trang trại được cải tạo, phát huy hiệu quả thì xảy ra ghen ăn tức ở. Mặt khác, có một số thông tin cho rằng, khu đất này sắp có dự án đi qua, chuẩn bị được đền bù nên muốn giành lại. Mặc dù, khu đất này đã chuyển đổi thành mô hình chăn nuôi tổng hợp từ cách đây khá lâu.
Ông Trần Tú Anh – Chủ tịch UBND huyện Lộc Hà cho biết: “Lộc Hà rất cần có những mô hình trang trại như mô hình của ông Tỵ nhằm tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân theo tiêu chí NTM. Thế nhưng, do xã không có thẩm quyền cho thuê đất như trường hợp ông Tỵ nên buộc phải hủy bỏ hợp đồng. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục giao cho các hộ dân để xây dựng mô hình trang trại đúng tiêu chí mới. Khi được giao đất, các hộ gia đình phải đầu tư, phát huy hiệu quả”.
Theo chúng tôi, ông Tỵ là một nông dân cần cù, dám nghĩ dám làm, ông tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền nên khi thấy Chi bộ thôn 1 họp dân thống nhất và UBND xã làm hợp đồng thì ông mạnh dạn đầu tư. Vì vậy, trách nhiệm đền bù thiệt hại cho ông Tỵ thuộc về chính quyền xã Thạch Mỹ. Mặt khác, từ vùng đất hoang hóa, ông đã cải tạo thành trang trại cho thu nhập tiền tỷ mỗi năm, cớ sao huyện Lộc Hà và xã Thạch Mỹ lại không có biện pháp khả dĩ nào để ông Tỵ được tiếp tục phát triển sản xuất?
Nông Nghiệp