Anh Phan Trọng Lượng – một trong những người sản xuất giỏi của làng nghề. |
Nếu như ở Thạch Mỹ, nói đến thôn Báo Ân là nói đến làng hương nổi tiếng thì nhắc tới thôn Hà Ân người ta nghĩ ngay đến nghề làm chổi. Theo các cụ cao niên trong làng, nghề làm chổi đã xuất hiện ở Hà Ân từ lâu và gắn bó máu thịt với bà con nơi này. Làm chổi không chỉ là một công việc mà nó còn là một nét đẹp văn hóa riêng của xã Thạch Mỹ.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Thân – Chủ tịch hội Nông dân xã chia sẻ: “Thôn Hà Ân là thôn chuyên về làm chổi. Cả làng có trên 200 hộ tham gia sản xuất với khoảng 600 lao động trong và ngoài độ tuổi. Mỗi năm cả làng tiêu thụ khoảng trên dưới 600 tấn đót và tung ra thị trường trên 6000 cái chổi. Nghề này rất nông nhàn, bà con có thể làm quanh năm và cho thu nhập ổn định”.
Đối với Hà Ân, làm chổi đã trở thành nghề chủ lực. Quanh năm, ngoài việc đồng áng, bà con lại tất bật cho nghề. Thậm chí có những gia đình còn chuyển cả ruộng đất cho bà con, an em để chuyên tâm vào làm chổi. Bà con nơi đây đã mạnh dạn vay vốn để từng bước phát triển làng nghề và đã tạo được những hiệu ứng kinh tế tích cực.
Chúng tôi tìm đến gia đình ông Lê Tiến Dũng (57 tuổi) – bà Phan Thị Long (56 tuổi) – một trong những hộ sản xuất chổi có quy mô lớn của làng. Bà Long cho biết: “Mười sáu tuổi thì tôi lấy chồng, năm mười tám tuổi nhà tôi bắt đầu làm chổi và làm cho tới tận bây giờ. Mỗi ngày nhà tôi làm được trên dưới 100 cái chổi. Vào những đợt cao điểm chúng tôi phải thuê tới hơn 20 lao động thường xuyên với thu nhập khoảng 4-5 triệu mỗi tháng. Trừ tất cả mọi chi phí, mỗi năm chúng tôi lãi khoảng trên 100 triệu đồng ”.
Dù tuổi đã có tuổi, nhưng bà Phan Thị Long vẫn tinh anh trong từng công đoạn làm chổi. |
Nguyên liệu để làm chổi là từ đót khô và nguồn này rất phong phú. Đót được bà con nhập về từ các tỉnh miền núi Bắc Bộ như: Điện Biên, Thái Nguyên, Lào Cai, Lạng Sơn… , nhưng chủ yếu được nhập từ Lào là chính. Mỗi tấn đót dao động từ 22-23 triệu đồng, thậm chí ngày Tết có thể lên tới 28-29 triệu đồng. Nguồn nguyên liệu này được các thương lái chở từng xe ô tô về tận nhà các hộ sản xuất để bán, nhưng cũng có một số hộ tự đi để tìm kiếm thị trường. Vào thời điểm cuối năm, cụ thể là khoảng đầu tháng 12, một số hộ gom vốn để ra các tỉnh phía Bắc hoặc sang Lào để mua và thu gom hàng trăm tấn đót về địa phương vừa sản xuất, vừa cung cấp cho các hộ khác trong làng, tiêu biểu như gia đình anh Phan Văn Xuân, Phan Văn Sang…
Làm chổi là một nghề thủ công, nhẹ nhàng và không tốn nhiều sức lực. Không những thế, nghề này còn giải quyết việc làm cho nguồn lao động đa dạng, từ trẻ đến già, từ nam đến nữ, trong và ngoài độ tuổi lao động… Đặc biệt, trẻ em cũng có thể tham gia làm chổi ở những công đoạn nhẹ nhàng như bóc đót, sơ chế nguyên liệu… Nhà nhà làm chổi, người người làm chổi, nhiều gia đình có tới 4-5 người cùng làm nghề, cho thu nhập rất khá. Nghề làm chổi cũng là một hướng lựa chọn hiệu quả cho những người lầm lỗi trở về quê hương lập nghiệp, phát triển kinh tế và hòa nhập với cộng đồng.
Công đoạn làm chổi khá công phu. Sau khi nhập đót khô về, bà con tiến hành tước đót, sau đó quấn thành từng cụm nhỏ, rồi xâu đót, kết đót và nhập thành từng bó nhỏ. Khi đã đủ 10 bó nhỏ thì tiến hành quấn, rồi tiếp tục kết và hoàn tất sản phẩm. Mỗi một yến chổi có thể làm được 20 cái và cho lãi khoảng 200 ngàn đồng. Mỗi cái chổi bán tại gốc với giá 20 ngàn, đưa đi nhập thì 22-25 ngàn tùy từng loại. Chổi Hà Ân rất đẹp và chắc chắn, mỗi đường mây thể hiện rõ cả tâm huyết của người làm. Phải chăng vì thế mà sản phẩm đã có mặt khắp thị trường, từ miền xuôi lên miền ngược, bao trùm cả khu vực các tỉnh Bắc Trung Bộ: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình…
Chổi Hà Ân đẹp, chắc chắn, có mặt khắp thị trường. |
Gia đình anh Phan trọng Lượng (52 tuổi) – là một hộ dân làm chổi truyền thống lâu đời. Anh chị theo nghề này từ nhỏ, anh Lượng cho hay: “Gia đình tôi phải thuê tới 4 lao động, dịp tết thì nhiều người làm hơn. Mỗi ngày mỗi người làm được khoảng 30 cái chổi, ngày tết thì làm được tới 50 cái. Hàng của gia đình tôi có mặt khắp nơi, nhưng chủ yếu là các huyện Hương Sơn, Đức Thọ rồi Nam Đàn, Nghi Lộc (Nghệ An)… Các tiểu thương đặt hàng quanh năm, nhất là những ngày tết này chúng tôi làm không kịp hàng để bán”.
Anh Lượng là một trong những người làm chổi chuyên nghiệp, có tiếng trong làng. Anh đã tham gia giảng dạy lớp dạy nghề làm chổi của Trung tâm dạy nghề chất độc da cam – người khuyết tật huyện Can Lộc.
Ông Võ Tá Hiếu – Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Làm chổi là nghề lâu đời ở Hà Ân, cho thu nhập khá và rất ổn định. Đặc biệt, có nhiều gia đình vươn lên làm giàu chính đáng từ đây, như gia đình anh Phan Văn Sang, Lê Văn Dũng, Phan Thanh Hiền… Thế nhưng, điều khó khăn là vấn đề đầu ra, bởi bà con phải tự mình tìm nơi tiêu thụ, phải tự đi nhập khắp nơi. Do đó, thời gian tới chúng tôi sẽ thành lập hợp tác xã chổi Hà Ân để tạo thương hiệu riêng cho làng nghề”.
Thời gian vừa qua, xã Thạch Mỹ cũng đã phối hợp với Trung tâm dạy nghề Lộc Hà mở các lớp học nghề làm chổi ngắn hạn cho thôn Liên Giang theo đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Bởi thôn Liên Giang trước đây làm nghề muối, nhưng nay nghề này đã tạm dừng và số người không có việc làm tăng lên. Chủ trương của xã là mở rộng nghề làm chổi và đây cũng là một cách làm hữu hiệu để gìn giữ làng nghề. Đến nay, các học viên đã thành thạo tay nghề và thực hành có hiệu quả.
Tết đang đến rất gần, cũng đồng nghĩa bà con làng chổi Hà Ân lại thêm những ngày bận rộn. Với sự quyết tâm gìn giữ làng nghề của địa phương và những người có thâm niên trong nghề, tin rằng, làng chổi Hà Ân sẽ phát triển thành thương hiệu và có chỗ đứng riêng trên thị trường.
THU PHƯƠNG/baohatinh.vn